06/04/2023 08:09
Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 được ví như tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Đề cương còn định hình những quan điểm, nguyên tắc cơ bản cho thời kỳ đó và tiếp tục được bổ sung, phát triển trong những năm tiếp theo. Kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp đó, thời gian qua tại Trà Vinh xuất hiện những điểm nhấn đáng trân trọng.
Đại biểu xem ảnh nghệ thuật tại cuộc triển lãm.
Bài 1: Đặc sắc cuộc triển lãm nghệ thuật
Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), từ ngày 15 - 24/3, Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh triển lãm trên 350 tác phẩm, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật tiêu biểu. Đến xem cuộc triển lãm với quy mô lớn này, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy nhiều hiện vật, hình ảnh khắc họa đậm nét bản sắc văn hóa ở Trà Vinh.
Trên 350 tác phẩm, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật được trưng bày tại cuộc triển lãm này gồm: tranh, ảnh nghệ thuật; các đầu sách, tác phẩm văn học, âm nhạc, sân khấu, văn nghệ Khmer của văn nghệ sĩ Trà Vinh và các sản phẩm, tư liệu đang được lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh... Ở từng lĩnh vực, Ban tổ chức cuộc triển lãm đã sắp xếp không gian riêng góp phần tạo nên những nét độc đáo cho từng loại hình nghệ thuật.
Tại gian trưng bày các tư liệu, sản phẩm thuộc lĩnh vực sân khấu, người xem như được trở về với quá khứ khi tận mắt nhìn ngắm những sản phẩm một thời gắn bó với sân khấu cải lương của các đoàn nghệ thuật ở Trà Vinh trước đây như Đoàn Văn công Ánh Hồng, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Binh... Đó là các loại trang phục biểu diễn, là những nhạc cụ hay những cuốn băng cassette, những chiếc đĩa CD dùng để thu âm, ghi hình các vở tuồng…
Sự phát triển của công nghệ thông tin, sự đa sắc thái về các loại hình văn hóa giải trí và nhất là các trang mạng xã hội phát triển mạnh trong thời gian gần đây đã phần nào làm mai một loại hình sân khấu cải lương. Thế nhưng, được xem lại những sản phẩm ấy, thế hệ trẻ mới cảm thấy tự hào về truyền thống và những bản sắc văn hóa độc đáo của Trà Vinh nói riêng và sự đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc trên đất nước Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, người xem còn tự hào hơn khi tại không gian trưng bày các sản phẩm thuộc lĩnh vực sân khấu còn hiện điện nguyên bản 02 Huân chương Giải phóng hạng Ba do Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao tặng cho tập thể Đoàn Văn công Ánh Hồng vào những năm 1975. Huân chương ghi rõ thành tích của đoàn “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Sản phẩm lĩnh vực âm nhạc trưng bày tại triển lãm.
Tại khu vực dành cho lĩnh vực Nhiếp ảnh, Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh mang đến cho người xem 150 ảnh thời sự và ảnh nghệ thuật. Đây là những tác phẩm ảnh tiêu biểu khắc họa khái quát về văn hóa, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cùng những đổi thay của Trà Vinh trong những năm qua. Trong đó, có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt giải tại các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế.
Triển lãm còn giới thiệu cho người xem những bức ảnh về các chuyến đến thăm và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước với cán bộ, Nhân dân Trà Vinh như: bức ảnh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các vị Chư tăng; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh với thiếu nhi Trà Vinh…
Du khách Lâm Xuân Quang đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: ông sinh ra và lớn lên tại xã Phước Hưng, huyện Trà Cú. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động cách mạng, ông và gia đình đến cư trú tại Thành phố mang tên Bác trong nhiều năm qua. Xem qua các bức ảnh trưng bày tại cuộc triển lãm, ông Lâm Xuân Quang thấy càng tự hào về quê hương nơi mình gắn bó lúc tuổi thơ. Đáng chú ý, thông qua cuộc triển lãm này, vị cán bộ cách mạng lão thành sinh năm 1955 này còn biết thêm nhiều hình ảnh đặc trưng của Trà Vinh như: nghề đóng đáy hàng khơi của ngư dân các huyện ven biển, các điệu múa của người Khmer và các hình ảnh về thiên nhiên ở Trà Vinh…
Vừa hướng dẫn khách tham quan triển lãm, thuyết minh viên Kim Sa Phép, đơn vị Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh cho biết: tôi thấy rất tự hào được giới thiệu cho người xem các hiện vật văn hóa của dân tộc Khmer đã hòa quyện cùng các sản phẩm khác tại cuộc triển lãm này.
Thuyết minh viên Kim Sa Phép tốt nghiệp lớp cử nhân “Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” tại Trường Đại học Trà Vinh, nên chị khá am tường về lĩnh vực này. Chị cho biết thêm, trong số trên 20 sản phẩm của đơn vị Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh mang đến triển lãm lần này, chị rất ấn tượng với bộ sưu tập mão mặt nạ dùng trong múa Rô-băm.
Chị Sa Phép giải thích: nghệ thuật múa Rô-băm Yeak Rom của người Khmer Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là loại hình nghệ thuật phi vật thể cấp quốc gia. Đây được xem như nét văn hóa riêng của Trà Vinh mà các tỉnh khác gần như không có.
Nhìn chung, cuộc triển lãm nghệ thuật lần này đã tạo nên một không gian tổng thể, đa chiều, đáp ứng cơ bản được nhu cầu thưởng lãm nghe, nhìn cho công chúng khi tham quan. Các tác phẩm trong triển lãm đã phần nào phản ánh được sự đồng hành của văn hóa, văn học nghệ thuật trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Từ trong đấu tranh giải phóng dân tộc đến xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước nói chung và tại Trà Vinh nói riêng.
Bài, ảnh: BÁ THI
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.