11/04/2023 07:13
Bài 2: Trường Trung cấp Pali - Khmer Trà Vinh, nơi bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer
Tăng sinh học tại Trường Trung cấp Pali - Khmer.
Trường Trung cấp Pali - Khmer Trà Vinh thực hiện nhiệm vụ đào tạo tăng sinh, học sinh Khmer ở 02 hệ: hệ giáo dục thường xuyên và Trung cấp Pali - Khmer. Ban đầu mới thành lập, trường tạm mượn cơ sở vật chất tại chùa Kompong, Phường 1 (chùa Ông Mẹt), sau đó, Trường được đầu tư xây dựng mới tại Phường 8.
Các hạng mục được đầu tư khang trang, mang đậm dấu ấn của đồng bào Khmer gồm: khu học chính, khu hiệu bộ, khu phụ trợ, thư viện, phòng thí nghiệm Lý - Hóa - Sinh, phòng Tin học, phòng Tiếng Anh, ký túc xá, đủ chỗ cho hơn 150 tăng sinh, học sinh sinh hoạt, học tập. Năm học 2019 - 2020, trường chính thức hoạt động tại điểm mới phục vụ tốt nhu cầu học tập của tăng sinh và con em đồng bào Khmer trong tỉnh. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.
Thầy Lâm So Rone, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Pali - Khmer Trà Vinh cho biết: đây là loại hình trường giáo dục công lập chuyên biệt được Nhà nước hỗ trợ cũng như được hưởng chính sách giống trường dân tộc nội trú. Điều kiện để tăng sinh, học sinh Khmer vào học tại trường là tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp sơ cấp Pali - Khmer hoặc có giấy chứng nhận tương đương được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp. Đặc biệt, Trường đào tạo theo hình thức đặc thù, gồm hệ giáo dục thường xuyên, tiếng Pali, ngữ văn Khmer và giáo lý Phật giáo cho đối tượng là các nhà sư (tăng sinh) và học sinh Khmer.
Cụ thể chương trình hệ giáo dục thường xuyên bậc THPT gồm 10 môn học: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh và Tin học; chương trình tiếng Pali - Khmer gồm 06 môn học: Phật giáo - Phật pháp căn bản, văn phạm Pali, dịch thuật Pali sang Khmer, văn phạm Khmer, văn học Khmer và văn thơ Khmer. Sau khi tốt nghiệp, học viên vừa được cấp bằng tốt nghiệp THPT (hệ giáo dục thường xuyên), vừa có bằng Trung cấp Pali - Khmer, tạo thuận lợi cho tăng sinh, học sinh tham gia học ở bậc cao hơn (cao đẳng, đại học) ở các trường trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu của xã hội và Giáo hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong đồng bào dân tộc và Chư tăng Khmer, vừa phù hợp với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc phục vụ cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Trường có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh. Hiện nay, trường có 26 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có 02 Hòa thượng (01 Hiệu trưởng, 01 Phó hiệu trưởng). Về trình độ chuyên môn có 01 Hòa thượng Hiệu trưởng là Tiến sĩ danh dự và 05 người trình độ Thạc sĩ. Hàng năm, Trường được UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển sinh 80 học viên, tuy nhiên, các năm đều tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Năm học 2022 - 2023, có 110 tăng sinh, học sinh tham gia học tại trường, với 05 lớp học.
Học sinh Trường Trung cấp Pali - Khmer trong giờ thực hành môn Tin học.
Thầy Lâm So Rone cho biết thêm, trước đây, số lượng tăng sinh tốt nghiệp THPT hàng năm chỉ khoảng 10 người (vị), từ khi Trường Trung cấp Pali - Khmer được thành lập, tạo thuận lợi cho tăng sinh theo học nên số lượng tốt nghiệp THPT tăng lên khoảng 30 người/năm, có năm trên 40 người, tạo hiệu ứng tích cực đối với phát triển văn hóa trong vùng đồng bào Khmer.
Ngoài ra, nhằm phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, Trường thành lập đội múa, huy động nhiều học sinh tham gia, trong đó có 07 học sinh nòng cốt, được nghệ sĩ ưu tú múa chuyên nghiệp của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh hướng dẫn, thường xuyên tập luyện các bài múa, bài hát của đồng bào Khmer. Đội múa tập luyện bài bản, biểu diễn tại các hoạt động lễ, tết của đồng bào, tiếp đón các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm trường và tham gia biễu diễn phục vụ các cơ quan, đơn vị khi có nhu cầu.
Học sinh Thạch Thông, lớp 10A, đội trưởng đội múa của trường, ngoài học tập, em luôn tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer. Thạch Thông chia sẻ: trước đây em học tại Trường THCS Phương Thạnh, huyện Càng Long, năm nay lên lớp 10 được học Trường Trung cấp Pali - Khmer. Trong chương trình, em được học chữ Khmer và học về văn hóa nghệ thuật Khmer, nhờ đó, em am hiểu sâu hơn về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Đặc biệt, qua các bài múa em tham gia với nhiều thể loại, lưu giữ lại những nét đẹp của dân tộc, các thành viên trong đội thường xuyên tham gia tập luyện, thành thạo các điệu múa. Trong năm học này, các em đã có 04 lần tham gia múa tại những sự kiện, lễ hội.
Học sinh Trương Thị Bô Thum, lớp 10B được tiếp cận với các bài múa Khmer từ những năm đầu bậc THCS nên khi vào đội văn nghệ của trường, em thể hiện khá thuần thục những động tác múa.
Trương Thị Bô Thum bày tỏ: được mẹ định hướng tham gia nhóm múa Khmer gần 05 năm nên em học được những kỹ năng múa từ sớm. Năm nay, vào học Trường Trung cấp Pali - Khmer em tập múa nhiều hơn. Tùy chủ đề như: múa chúc phúc, múa mừng năm mới, múa gáo, múa rom-vong, lăm leo, saravan… mỗi bài múa đều có ý nghĩa thể hiện đặc trưng văn hóa của đồng bào Khmer. Em cố gắng tập luyện tốt từng động tác, nét mặt, thể hiện tốt nội dung các tiết mục muốn truyền tải đến người xem.
Vừa học văn hóa vừa học giáo lý và tham gia các loại hình sinh hoạt văn nghệ, được giao lưu với nhiều người nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, học sinh Trường Trung cấp Pali - Khmer tiếp thu nhiều nét văn hóa phong phú của đồng bào. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí và giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc Khmer trong tỉnh.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.