19/08/2023 17:09
Bài 2: Những kết quả khả quan
Khách hàng tham quan, mua sắm tại cửa hàng sản phẩm OCOP do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh phối hợp Sở Công thương bày bán.
Theo đồng chí Lâm Hữu Phúc, tình hình khách du lịch từ năm 2022 trong nước nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng đã được kiểm soát sau đại dịch. Lĩnh vực du lịch cơ bản đã phục hồi, trong đó năm 2022 Trà Vinh đã đón trên 1,4 triệu lượt khách tham quan (đạt 263% kế hoạch năm và tăng 219% so với năm 2021). Trong đó, có trên 18.400 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 898,700 tỷ đồng, tương ứng tăng 495% so năm 2021. Công suất phòng bình quân đạt 55%, tăng 24% so năm 2021.
Về xây dựng sản phẩm du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đã phối hợp với Sở Công thương xây dựng cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim và khu du lịch biển Ba Động. Riêng tại trung tâm thành phố Trà Vinh cũng đã ra mắt được cửa hàng giới thiệu, bày bán những sản phẩm đặc trưng nêu trên và được nhiều người quan tâm.
Về tái cấu trúc lại sản phẩm du lịch, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh như: điểm du lịch cộng đồng cồn Chim, điểm du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Hô, khu du lịch sinh thái biển Ba Động, Làng Văn hóa - Du lịch Khmer… cũng được ngành và chính chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện để thu hút khách tham quan.
Đặc biệt, mới đây Trà Vinh đã có thêm 02 điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận đó là Khu danh lam thắng cảnh ao Bà Om ở Phường 8 và điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha ở Phường 4 (cùng địa bàn thành phố Trà Vinh). Nâng tổng số đến nay Trà Vinh có 04 điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực được công nhận. Trước đó vào năm 2022 Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã công nhận 02 điểm gồm: Khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Long Đức, thành phố Trà Vinh và điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim ở xã Hòa Minh, huyện Châu Thành.
Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đồng chí Lâm Hữu Phúc cho biết thêm, trong hơn 01 năm qua, ngành đã tích cực triển khai và hướng dẫn các chủ thể làm du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của HĐND tỉnh quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 - 2025. Kết quả, đã tổ chức triển khai đến 09 huyện, thị xã, thành phố với khoảng 900 đại biểu tham dự, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND. Cụ thể, đã chấp thuận 25 hồ sơ đăng ký đầu tư, trong đó có 05 hồ sơ được giải ngân với số tiền trên 300 triệu đồng.
Để tiếp tục “kéo khách” đến địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh cũng tích cực làm đầu mối giúp các doanh nghiệp ngoài tỉnh kết nối với các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đưa khách về Trà Vinh. Hỗ trợ các nhà đầu tư nhu: Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Gia Phát Nghĩa khảo sát đầu tư khu du lịch sinh thái Hàng Dương tại huyện Cầu Ngang; Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Du lịch Cường Thành Đạt lập dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái cù lao An Lộc, xã An Phú Tân thuộc huyện Cầu Kè.
Bên cạnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đã phối hợp các đơn vị tổ chức 08 lớp tập huấn, với gần 300 học viên tham dự các lớp kỹ năng, nghiệp vụ du lịch. Trong đó, có 01 lớp “Kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp du lịch” cho 51 hộ kinh doanh du lịch; 04 lớp nghiệp vụ du lịch cho cán bộ phụ trách du lịch, các hộ dân làm du lịch trên địa bàn các huyện: Duyên Hải, Cầu Kè, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh với 164 học viên tham dự; phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 03 lớp tập huấn “Thực hành thuyết minh tại điểm”, “Nghiệp vụ buồng, phòng” và “Nghiệp vụ bàn” cho cán bộ phụ trách du lịch, các hộ kinh doanh các cơ sở lưu trú, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh với 63 học viên tham gia.
Nhờ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, qua 06 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Trà Vinh tiếp tục gặt hái những kết quả khả quan. Tổng doanh thu ước đạt trên 921 tỷ đồng, đạt 91,64 % kế hoạch năm và tăng 627% so cùng kỳ. Tổng lượt khách ước đạt trên 1,1 triệu lượt, tăng 354% so cùng kỳ năm 2022, trong đó có 26.265 lượt khách quốc tế. Khách lưu trú ước đạt 300.059 lượt, tăng 277% so cùng kỳ, trong đó có 21.012 lượt khách quốc tế.
Về xây dựng sản phẩm du lịch cũng đang phát triển tích cực, ngành đã trình UBND tỉnh xin chủ trương xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp tại ấp cồn Ông, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải. Lập hồ sơ đề nghị công nhận 04 điểm du lịch cấp tỉnh gồm: Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer, điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha tại thành phố Trà Vinh; Khu du lịch biển Ba Động ở thị xã Duyên Hải và Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út ở huyện Cầu Kè. Đây là các điểm đến đã thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu tạo sức hút cho du lịch Trà Vinh trong thời gian qua. Qua đó, hình ảnh về du lịch Trà Vinh được du khách trong nước và quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn.
Bên cạnh, công quảng bá, xúc tiến du lịch Trà Vinh với các địa phương trong và ngoài nước cũng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh tham mưu UBND tỉnh tích cực thực hiện. Hiện có 03 nhà đầu tư quan tâm, khảo sát đề xuất đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh như: Công ty Cổ phần Heng Leong Investment Holding; Công ty Cổ phần Xây dựng Khải Hoàn Trà Vinh và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Du lịch sinh thái Cồn Cò.
Bài, ảnh: BÁ THI
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.