23/08/2023 09:06
Bài 3: Cầu Kè từng bước đột phá tạo điểm nhấn về du lịch
Du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm bên bức tượng Người mẹ cầm súng nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út tại Khu tưởng niệm. Ảnh: QUANG HUY
Đồng chí Nguyễn Thị Nhiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết, không chỉ được biết đến là vùng đất màu mỡ, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, góp phần tạo nên những vườn cây ăn trái trĩu quả, khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm… vùng đất Cầu Kè còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, cùng với nhiều nét văn hóa truyền thống của 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.
Trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều giải pháp, khai thác tiềm năng, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội không ngừng phát triển toàn diện. Đến nay huyện đã hình thành được nhiều điểm du lịch khá hấp dẫn, thu hút được du khách đến với địa phương.
Nổi bật nhất là các địa điểm du lịch sinh thái nằm cặp Sông Hậu như: cù lao Tân Qui 1, Tân Qui 2, xã An Phú Tân; cù lao An Lộc, xã Hòa Tân… Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, đặc biệt là tết Đoan Ngọ đã thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan. Du khách đến đây ngoài việc thưởng ngoạn không khí trong lành và thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây đặc sản của địa phương, còn được thưởng thức các món ăn đặc sản vùng quê sông nước như: tôm càng xanh nướng, cá bông lau kho tộ, cá bông lau nấu chua với trái bần, cá sửu nướng, cá tra bần...
Song song đó, huyện Cầu Kè còn được nhiều người biết đến là vùng đất có nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, cam sành, bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài… Đặc biệt, Cầu Kè còn nổi tiếng với sản phẩm dừa Sáp dùng để chế biến các loại thức ăn, nước uống rất bổ dưỡng mà không có địa phương nào có loại trái cây này.
Cầu Kè còn được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi sản sinh ra người con anh hùng, giàu tinh thần yêu nước, kiên trung. Đó chính là nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch) là tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Cầu Kè là một trong số ít địa phương còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích cổ, di tích lịch sử văn hóa cách mạng đặc trưng cho truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Nhân dân miền Nam nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng như: Di tích lịch sử cách mạng chùa Ô Mịch, chùa Tà Ốt (xã Châu Điền); Di tích lịch sử cách mạng Thánh Tịnh Thanh Long Tràng Võ (xã Tam Ngãi); Di tích lịch sử cách mạng Miếu Bà Chúa Xứ Tân Qui (xã An Phú Tân); Di tích lịch sử nhà cổ Cầu Kè (thị trấn Cầu Kè)...
Bên cạnh đó, ngày nay trên địa bàn huyện vẫn còn bảo tồn được những giá trị về văn hóa phi vật thể, với những lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hóa. Cụ thể như hàng năm (từ ngày 08 - 28/7 âm lịch) trên địa bàn huyện diễn ra lễ hội “Vu Lan Thắng Hội”, là một trong những hoạt động văn hóa được tổ chức đan xen tại 06 điểm tín ngưỡng của người Hoa như: Vạn ứng Phong Cung, Minh Đức Cung, Thiên Đức Cung, ở xã Hòa Ân; Niên Phong Cung, Vạn Đức Phong Cung, ở xã Tam Ngãi và điểm Vạn Niên Phong Cung, Khóm I, thị trấn Cầu Kè. Qua đó, đã thu hút hàng chục ngàn khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan lễ hội. Hiện nay các ngành chức năng của huyện đã lập hồ sơ khoa học lễ hội “Vu Lan Thắng Hội” của dân tộc Hoa đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Từ những tiềm năng và lợi thế trên, những năm qua Huyện ủy, UBND huyện Cầu Kè đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, cùng huy động nội lực và sức dân đóng góp để đầu tư nâng cấp mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh. Qua đó không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, giao thương hàng hóa được thuận tiện dễ dàng của người dân mà còn mở ra hướng phát triển du lịch ở địa phương. Song song đó, huyện cũng tạo điều hiện cho người dân tiếp cận được các chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ về phát triển du lịch, tính đến nay có 08 hộ dân được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 950 triệu đồng để đầu tư mở rộng, phát triển dịch vụ du lịch.
Mặt khác, huyện thường xuyên tổ chức cho các hộ dân làm du lịch và đang có ý tưởng làm du lịch trên địa bàn huyện tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình làm du lịch có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Nhìn chung, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương nên du lịch của Cầu Kè có hướng phát triển, 06 tháng đầu năm 2023 có khoảng 9.850 lượt khách đến địa phương, trong đó có 124 khách nước ngoài.
Có thể nói Cầu Kè hiện có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, với những nét đặc trưng riêng và mang đậm chất du lịch mà khó có địa phương nào có được. Tuy nhiên, du lịch Cầu Kè vẫn còn một số hạn chế như: quy hoạch không gian du lịch thiếu đồng bộ, sản phẩm trùng lắp, chủ yếu là dịch vụ ăn uống mà thiếu những sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí mới lạ; chưa hấp dẫn thu hút khách du lịch; chưa khắc phục được tình trạng đông khách vào các dịp lễ, tết và mùa hè, vắng khách vào các mùa còn lại trong năm; thiếu chiến lược quảng bá thương hiệu du lịch của địa phương…
Du lịch Cầu Kè đang được kỳ vọng sẽ phát triển và đạt được những mục tiêu cơ bản như: đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, gia tăng tỷ trọng khách du lịch và tăng doanh thu từ du lịch mang lại, tạo bước đột phá, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong những năm tới…
Để làm được điều này, hiện nay huyện đã ban hành các chính sách, biện pháp ưu đãi, mời gọi, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch; tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển du kịch; khuyến khích xây dựng tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của địa phương.
Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng hình ảnh du lịch Cầu Kè thân thiện, hấp dẫn. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục phát triển giá trị chuỗi sản phẩm đặc thù của huyện kết nối tour, tuyến với các khu, điểm du lịch trong tỉnh và liên kết vùng. Đẩy mạnh đa dạng hóa công tác xúc tiến quảng bá du lịch gắn với ứng dụng công nghệ 4.0 trong phục vụ du lịch…
Tin rằng, với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, từ công tác rà soát, bổ sung quy hoạch, tham vấn đầu tư, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, gắn với lộ trình thực hiện cụ thể, trong tương lai không xa, Cầu Kè sẽ trở thành điểm nhấn về du lịch ở Trà Vinh.
BÁ THI
Khu tưởng niệm nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út được công nhận điểm du lịch Ngày 15/8/2023, đồng chí Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã ký ban hành Quyết định số 1235/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Khu tưởng niệm nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch). Khu tưởng niệm nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út tọa lạc tại ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, với tổng diện tích 1,4ha gồm các hạng mục công trình như: cổng tam quan, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày - truyền thống, nhà hội thảo, chiếu phim, nhà quản lý, nhà dừng chân và dịch vụ bán hàng lưu niệm. Hiện nay Khu tưởng niệm Nguyễn Thị Út đã được xây dựng cũng như bố trí, sắp xếp tái hiện lại hình ảnh cuộc sống sinh hoạt của gia đình chị Út năm xưa và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến hoạt động cách mạng của Chị Út trong thời kỳ chiến tranh, đặc biệt là được dựng tượng Người mẹ cầm súng nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út tại trung tâm khuôn viên Khu tưởng niệm. Đây được xem là địa chỉ đỏ để người dân khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của chị Út nói riêng cũng như của Đảng bộ, quân và Nhân dân huyện Cầu Kè nói chung. QUANG HUY |
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.