25/08/2023 08:19
Bài cuối: Những giải pháp phát triển du lịch
Khách du lịch tham gia hoạt động giả cốm dẹp tại Phường 8, thành phố Trà Vinh.
Đồng chí Dương Hoàng Sum thông tin, Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định nhiệm vụ và mục tiêu đối với ngành du lịch như sau: “Khai thác và phát huy tốt tiềm năng và lợi thế để định hướng đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và thế mạnh của tỉnh như: Du lịch biển kết hợp tham quan điện gió, du lịch sinh thái, homestay, du lịch văn hóa, lễ hội... Tăng cường kết nối du lịch Trà Vinh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
Tiếp tục đầu tư hạ tầng các khu du lịch trọng điểm; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch có năng lực, tính chuyên nghiệp, chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, nâng cao sức hấp dẫn du khách để tăng thời gian lưu trú, chi tiêu bình quân và tỷ lệ quay lại của khách du lịch. Khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ người dân địa phương tham gia làm du lịch. Phấn đấu đến năm 2025 đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 85.000 khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 1.600 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh.
Để triển khai các nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, trong nửa nhiệm kỳ qua, Sở VH-TT-DL đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nhiều chính sách về phát triển du lịch. Để khai thác và phát huy tốt tiềm năng và lợi thế, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và thế mạnh của tỉnh, Sở VH-TT-DL tái cấu trúc lại sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ các điểm du lịch của tỉnh như: Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án khu tham quan, nghỉ dưỡng biển Ba Động, làm việc với các chủ đầu tư dự án điện gió để khai thác phát triển du lịch, cấu trúc lại và làm mới sản phẩm điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, điểm du lịch tự thân dựa vào cộng đồng Cồn Hô, Làng Văn hóa - Du lịch Khmer, Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích danh lam thắng cảnh ao Bà Om, điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha, cù lao Tân Qui.
Đặc biệt là xây dựng và ra mắt 02 famestay phục vụ khách du lịch trên địa bàn Trà Cú và Tiểu Cần. Khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế và các hộ dân đầu tư homestay và cơ sở lưu trú, tính đến nay toàn tỉnh có 06 homestay với 34 phòng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và 125 cơ sở lưu trú với số lượng trên 1.500 phòng, tỷ lệ công suất sử dụng phòng luôn đạt bình quân từ 65 - 70%.
Qua triển khai nâng cấp các điểm du lịch, tính đến nay tỉnh có 03 điểm du lịch cấp tỉnh và 04 điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long. Công tác xây dựng đề án phát triển du lịch phát huy lợi thế của từng địa phương trong tỉnh được quan tâm, đến nay có 07/09 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng xong đề án phát triển du lịch của địa phương, còn 02 huyện Cầu Kè và Châu Thành đang thuê tư vấn để xây dựng đề án.
Về công tác quảng bá xúc tiến du lịch được tăng cường, nhất là với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long như: tham gia thành lập Hội đồng liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn năm 2022 - 2025. Phối hợp với các tỉnh trong cụm phía Đông đồng bằng sông Cửu Long tham gia trên 10 sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch Trà Vinh tại các tỉnh, thành trong nước; phối hợp tổ chức 06 chuyến khảo sát và 05 cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh...
Đồng chí Dương Hoàng Sum cho rằng, việc phát huy giá trị di sản văn hóa gắn phát triển du lịch được quan tâm, hàng năm tỉnh đều tổ chức các lễ hội truyền thống, dân gian gắn bới các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kết nối du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Điển hình như Lễ hội Ok Om Bok, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Vu lan thắng hội. Nhiều di tích lịch sử, kiến trúc được đưa vào các tuyến, tuor để khai thác du lịch như: Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích danh lam thắng cảnh ao Bà Om, Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Di tích kiến trúc Phước Minh Cung, chùa Âng, Di tích văn hóa Óc eo Lưu Cừ II và Chùa Lò Gạch...
Trong nửa nhiệm kỳ còn lại và những năm tiếp theo để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ngành VH-TT-DL cần ở mỗi địa phương hình thành ít nhất một điểm đến tiêu biểu dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc trưng của từng địa phương như: Thành phố Trà Vinh từng bước xây dựng trở thành đô thị du lịch xanh với loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn kinh tế đêm; Thị xã Duyên Hải phát triển du lịch sinh thái biển gắn tham quan điện gió, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh gắn Thiền Viện Trúc Lâm; Huyện Duyên Hải đầu tư du lịch biển với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển; Huyện Cầu Ngang khai thác du lịch sinh thái gắn với làng nghề thủy sản và các cồn nổi ven biển; Huyện Trà Cú xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá dân tộc gắn làng nghề thủ công mỹ nghệ; huyện Châu Thành tập trung vào du lịch cộng đồng; Huyện Tiểu Cần ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, văn hoá gắn trãi nghiệm nông nghiệp; Huyện Càng Long và Cầu Kè đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái và tuyến du lịch đường thủy trải nghiệm các cồn nổi ven Sông Hậu và sông Cổ Chiên. Đến năm 2025 hình thành 03 trung tâm du lịch lớn của tỉnh trở thành “vệ tinh du lịch quan trọng” của vùng đồng bằng sông Cửu Long, như: Trung tâm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa, ẩm thực thành phố Trà Vinh và vùng phụ cận (huyện Châu Thành và huyện Càng Long); Trung tâm du lịch sinh thái biển thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải và huyện Cầu Ngang; Trung tâm du lịch sinh thái - văn hóa gồm các huyện Cầu Kè, Trà Cú và Tiểu Cần. |
Bên cạnh, xây dựng sản phẩm đặc trưng tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa Khmer bằng giải pháp xây dựng hoàn chỉnh Không gian Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh gắn liền với khu Di tích danh thắng ao Bà Om, Di tích Bờ Lũy - chùa Lò Gạch và vùng phụ cận thuộc huyện Châu Thành để tạo điểm nhấn cho ngành du lịch, phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách tham quan.
Cần tạo quỹ đất mời gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các điểm tham quan quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh. Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao đủ điều kiện đăng cai các giải thể thao cấp khu vực và cấp quốc gia gắn với phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, ẩm thực, giải trí…
Tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ngành kinh tế du lịch cho các bên liên quan trọng việc khai thác và phát triển du lịch; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Đồng thời cần đổi mới phương thức xúc tiến du lịch dựa vào sức mạnh công nghệ, tăng cường mối liên kết với các tỉnh thành trong nước và các cơ quan báo chí để tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Trà Vinh. Song song đó, Trà Vinh sẽ từng bước xây dựng hệ sinh thái “du lịch thông minh”, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách theo tình hình hiện nay...
Bài, ảnh: BÁ THI
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.