27/05/2023 15:42
Bài cuối: Ông Trần Kẹo: “Nói dân tin, làm dân theo”
Thời gian rảnh rỗi ông Trần Kẹo thường chăm sóc hoa kiểng.
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, có 07 anh, chị em, ông Trần Kẹo là người thứ Tư. Thuở nhỏ, ông vừa giữ trâu vừa đi học trường làng, nên ông hiểu được nỗi cơ cực của cuộc sống. Năm 1975, ông lập gia đình và gầy dựng kinh tế cho đến nay. Từ vài công đất ban đầu, nay ông có hơn 12ha, cuộc sống ổn định, nên ông có điều kiện để giúp đỡ người dân địa phương, phát huy vai trò là người có uy tín.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Trần Kẹo bắt đầu tham gia với địa phương; từ nhiệm vụ được giao là tài chính ấp, đến cán bộ thống kê xã, rồi cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân Đại An… dù ở nhiệm vụ nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc. 23 tuổi Đảng, ông luôn giữ phẩm chất của người đảng viên; hiện ông là Bí thư Chi bộ Quỹ Tín dụng nhân dân Đại An.
Là Bí thư Chi bộ Quỹ Tín dụng nhân dân Đại An, ông có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển của Quỹ Tín dụng. Chi bộ có 06 đảng viên, nhiều năm hoạt động hiệu quả, Quỹ Tín dụng nhân dân Đại An thật sự là “bà đỡ” của người dân địa phương; xây dựng nghị quyết thực hiện huy động vốn để mở rộng quy mô tín dụng, đảm bảo các thành viên vay vốn; bám sát kế hoạch phát triển kinh tế địa bàn hoạt động, nhất là trong thực hiện XDNTM để đầu tư vốn phát triển các mô hình sản xuất; đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về các hoạt động tín dụng, nhất là trong các khâu thẩm định cho vay và sử dụng nguồn vốn. Hàng năm, ông tham gia xét duyệt cho hơn 300 nông dân vay, số tiền hàng tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh. Từ những món vay được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Trường Tam, Chủ tịch UBND xã Đại An khẳng định: trong XDNTM, ông Trần Kẹo đã cùng với địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia mọi phong trào; phát huy vai trò của người có uy tín, không những góp phần vun đắp, phát triển kinh tế gia đình, mà ông còn dành thời gian cùng với địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào hiệu quả, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Ông đã nghiên cứu, vận dụng và luôn sát với tình hình thực tế của từng vụ việc trong ấp để thuyết phục các bên khi có tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra. Qua hơn 10 năm được bình chọn là người có uy tín, ông đã tham gia hàng chục cuộc hòa giải thành, nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, không để mất đoàn kết nội bộ giữa các cá nhân, gia đình.
Ông Trần Kẹo tâm đắc nhất là câu chuyện của một thanh niên địa phương: thanh niên đó sau khi mãn hạn tù, trở về địa phương, đích thân ông đến tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền sống tốt, hòa nhập cộng đồng và tặng 03 triệu đồng để làm vốn sản xuất, chăn nuôi. Nhận thức được những điều sai của mình, cùng với sự cảm hóa của ông Trần Kẹo, nay thanh niên đó đã chí thú làm ăn, kinh tế ổn định, trở thành thanh niên tích cực của địa phương.
Ông Trần Kẹo là Trưởng Ban Quản trị chùa Giồng Lớn (ấp Cây Da, xã Đại An). Chùa Giồng Lớn có gần 1.000 hộ với gần 6.000 nhân khẩu tham gia sinh hoạt cộng đồng. Từ đó, ông Trần Kẹo có điều kiện gần gũi với cộng đồng và các sư sãi, để cùng tham gia thuyết pháp hướng thiện, giúp Phật tử sống tốt đời, đẹp đạo; đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng chính quyền, địa phương XDNTM…
Đối với công tác xã hội và các hoạt động nhân đạo từ thiện, ông Trần Kẹo đã đóng góp các phong trào hàng chục triệu đồng. Đồng thời, gương mẫu thực hiện và vận động Nhân dân tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ ngày “Vì người nghèo”, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ; vận động Nhân dân hiến đất làm đường, kênh mương nội đồng…
Ông Trần Kẹo nhớ lại: năm 2021, xã triển khai thực hiện công tác thủy lợi nội đồng. Trong quá trình thi công, một vài hộ không đồng tình, làm cho công trình chậm tiến độ, tưởng chừng như dừng lại… Với vai trò là người có uy tín, ông đã áp dụng phương châm “mưa dầm ướt áo”, không những các hộ đồng tình mà còn nhận ra: thủy lợi - phục vụ cho sản xuất của chính người dân sở tại; từ đó, “công trình thông”, những hộ này còn tích cực tham gia các phong trào khác.
Hay thực hiện công trình thắp sáng đường quê trên địa bàn ấp. Ông Trần Kẹo và địa phương đã vận động được gần 100 triệu đồng, kế hoạch lắp đặt 100 bóng đèn năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, khi triển khai thi công, nhiều hộ dân không cho dọn dẹp, cắt tỉa tán cây ven đường, để lắp đặt bóng đèn, diện tích chiếu sáng rộng. “Lãnh sứ mệnh” của Đảng ủy xã Đại An, ông “đi từng ngõ, gõ từng nhà” phân tích cho “các hộ khó” nhận thức đầy đủ rằng: con đường sáng, người hưởng lợi đầu tiên là dân địa phương; đi lại an toàn, an ninh trật tự giữ vững, bộ mặt nông thôn khởi sắc… Vậy là công trình được thi công, đảm bảo tiến độ, người dân và chính quyền ai cũng mừng.
Năm 2020, 2021, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ông Trần Kẹo là “cánh tay nối dài” của địa phương. Ông tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào Khmer trong xã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ người dân bị cách ly. Ông cùng với chùa Giồng Lớn và một số mạnh thường quân khác hỗ trợ 80 trường hợp cách ly; tặng 100 cái mùng, 100 cái mền, 100 cái gối và 15 triệu đồng để những người cách ly mua sắm những vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt trong điều kiện khó khăn.
Trong phát triển kinh tế gia đình, ông Trần Kẹo đã tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng mô hình “nuôi cá lóc thả lan” hiệu quả. Mô hình của ông vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo môi trường nước trong quá trình nuôi. Nhờ có diện tích rộng, nên ông Trần Kẹo quy hoạch 10 ao nuôi, mỗi ao 1.000m², ông thả nuôi 500.000 con giống/vụ, chia đều cho 10 ao nuôi. Lợi thế là diện tích nuôi gần tuyến sông, rạch, nên ông quy hoạch 01 đường nước chính, chạy thông với 10 ao nuôi. Để chủ động nguồn nước, kịp thời cung cấp khi có nhu cầu, hoặc khi giảm mực nước, ông lắp đặt hệ thống cống ở mỗi ao nuôi thông với đường nước chính. Nhờ đó, ông không tốn khoản chi phí tiền điện để bơm tát trong quá trình nuôi. Mặt khác, nhờ nguồn nước thông, nên môi trường không bị ô nhiễm, cá lóc phát triển nhanh…
Ông Trần Kẹo cho biết, ông bắt đầu nuôi cá lóc từ năm 2015, trong 08 năm qua, ông chưa hề thất bại. Áp dụng mô hình “nuôi cá lóc thả lan” tuy lợi nhuận “không bạo”, nhưng ít rủi ro; bình quân mỗi vụ nuôi (từ 08 - 09 tháng) lợi nhuận từ 300 - 500 triệu đồng/10 ao/năm.
Theo ông Trần Kẹo, “cái cốt cách” để trở thành người có uy tín và quan trọng giữ uy tín, “nói dân tin, làm dân theo” là gương mẫu, gia đình chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tích cực và trách nhiệm tham gia tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan; tuyên truyền, vận động sư sãi, phật tử và người dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tham gia các phong trào người tốt việc tốt; vận động Phật tử đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và tham gia đóng góp tiền của, vật chất, hiến đất, chung tay xây dựng các con đường trong phum, sóc, góp phần cải thiện môi trường và làm thay đổi diện mạo nông thôn Đại An.
Ghi nhận về những đóng góp của ông Trần Kẹo, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh, địa phương… đã tặng ông nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương với nhiều thành tích ở nhiều lĩnh vực của nhiều năm đảm nhận vai trò người có uy tín.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.