13/04/2022 11:44
Những ngày này, nếu có dịp về thăm Trà Vinh, nơi có hơn 31% đồng bào Khmer sinh sống, du khách gần xa sẽ cảm nhận được không khí chuẩn bị chào đón Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây của đồng bào Khmer. Nhà nhà bắt đầu lau dọn, sửa soạn lai bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật để chào đón năm mới. Người già, phụ nữ, trẻ em thì tất bật chuẩn bị các vật dụng để gói bánh tét - món ăn truyền thống đậm hương vị Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây. Và, tùy sở thích, nhu cầu nên mỗi địa phương sẽ cho ra đời sản phẩm bánh tét mang hương vị đặc trưng riêng của quê nhà.
Gìn giữ nghề gói bánh tét truyền thống
Đã hơn 40 năm nay, từ khi học được nghề gia truyền gói bánh tét của ông bà để lại, hầu như những ngày cận Chôl Chnam Thmây năm nào, bà Thạch Thị Sang ở ấp Truôn, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành đều hối hả chuẩn bị nồi bánh tét. Và, năm nay cũng không ngoại lệ.
Gia đình bà Thạch Thị Sang bắt đầu công đoạn gói bánh tét.
Theo bà Sang, để có được nồi bánh tét thơm ngon như ngày nay, bà đã phải trải qua hơn trăm lần “thử tay nghề” bằng cách gói bánh bằng vật liệu lá chuối và đất cát. Đối với bà Sang, công đoạn nào trong việc tạo nên đòn bánh tét cũng quan trọng, từ việc chuẩn bị lá chuối, mỡ heo, nếp, đậu xanh, dây buộc… gia vị nêm nếm, nếu không đúng liều lượng thì bánh cũng sẽ không ngon.
Để bánh tét có màu xanh đẹp mắt và thơm hương vị đặc trưng, lá bồ ngót là vật liệu không thể thiếu trong khâu chuẩn bị. Công đoạn gói cũng mang yếu tố quyết định độ ngon của bánh. Nếu bánh cột và siết không chặt và đều tay, thì sẽ không tròn và mất cân đối. Kể cả khâu luộc bánh cũng phải có kinh nghiệm. Khi luộc bánh cần canh lửa, rồi trở bánh, không khéo bánh sẽ không chín đều, hoặc nhân bánh sẽ bị sống... Mỗi đòn bánh đều phải tỉ mỉ từng công đoạn như thế.
Mỗi khi gói bánh tét, bà Sang không quên “truyền nghề” cho những đứa cháu.
Để có được nồi bánh tét mang tính thẩm mỹ, thơm ngon, bà Thạch Thị Sang đã mất hết 02 ngày để thức dậy thật sớm phân chia công việc cho các thành viên trong gia đình. Người phụ trách đi chợ sớm để chọn mỡ heo tươi ngon, người lau và phơi lá chuối, người chuẩn bị nhân bánh, người khéo tay nhất đảm nhận gói bánh và người vụn về thì ngồi chờ cột bánh... cuối cùng cánh đàn ông sẽ là người chịu trách nhiệm thức khuya, canh củi lửa và thêm nước cho nồi bánh cho đến khi bánh chín.
Mỗi khi nhà nhà gói bánh tét, vui nhất vẫn là trẻ nhỏ. Dù không được phân công nhiệm vụ nào trong công đoạn gói bánh, nhưng chúng cứ xúm lại, hết trầm trồ ngạc nhiên vì sự khéo léo của bà của mẹ, lại vui sướng khi bốc trộm được một miếng đậu xanh nấu chín. Nhiều đứa trẻ hiếu kỳ, cũng muốn có được những đòn bánh tét do chính tay mình làm và bận rộn không kém người lớn. Tiếng nói, tiếng cười râm rang của bọn trẻ, xua tan tâm trạng mệt nhọc của người lớn đang cất công ngồi gói bánh. Không khí Chôl Chnam Thmây như đến sớm hơn, rộn ràng hơn trong ngôi nhà nhỏ.
Trẻ nhỏ thích thú, ngồi chờ những đòn bánh tét được gói đầu tiên.
Cũng như nhiều gia đình khác trong trong ấp, lò bánh tét của gia đình bà Thạch Thị Hoàng, ấp Trì Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành đang đỏ lửa. Với bà Hoàng những ngày Chôl Chnam Thmây nếu như thiếu đi bánh tét, chẳng khác nào mất đi hương vị của những ngày tết cổ truyền. Niềm vui gói bánh tét của bà Hoàng còn là sự sum họp gia đình và các câu chuyện vui được các thành viên kể nhau nghe mỗi khi ngồi gói bánh.
Bà Hoàng chia sẻ: Năm nào sức khỏe không được tốt thì kể như năm đó không thể gói bánh tét. Gia đình không gói được bánh tét thì ra chợ vẫn có nhiều người gói bán theo nhu cầu, nhưng vẫn thấy thiếu đi hương vị tết cổ truyền. Do đó, mỗi năm tôi cố gắng truyền nghề lại cho con cháu và luôn nhắc nhở con cháu, sau này có bận rộn đến đâu thì trước Chôl Chnam Thmây tranh thủ thời gian cùng tham gia gói bánh với gia đình, xem như là phong tục truyền thống.
Bánh tét thơm ngon đậm đà vị Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây
Về Trà Vinh những ngày này, tình cờ đi trên những con đường đường quê hay ghé thăm hộ đồng bào Khmer nào đó trên địa bàn tỉnh, mọi người thường mở đầu câu chuyện bằng câu chào hỏi “năm nay, ở nhà có gói bánh tét không?”. Điều đó, minh chứng cho việc, từ lâu “bánh tét” đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu đối với đồng bào Khmer, mỗi dịp Chôl Chnam Thmây cận kề.
Ông Thạch Phone - Người có uy tín trong đồng bào Khmer ở ấp Phiêu, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang cho biết: thời xưa và nay đồng bào Khmer vẫn xem bánh tét là thứ không thể thiếu trong các lễ hội, trong đó có Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây. Đồng bào Khmer gói bánh tét để dâng các vị chư tăng và dành đón tiếp các vị khách. Khi khách đến nhà chúc mừng Chôl Chnam Thmây, nếu không tổ chức tiệc tùng mời khách dùng cơm, thì có bánh tét để làm quà. Cắt mời khách miếng bánh tét, xem như cùng chung vui đón năm mới với gia đình.
Ẩm thực dân gian dù trải qua nhiều thăng trầm, có lúc chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập của các món ăn ngoại, thế nhưng gói bánh tét mỗi dịp Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây vẫn được nhiều đồng bào Khmer ở Trà Vinh gìn giữ và phát huy.
Ngày đầu năm mới, những đòn bánh tét được dâng lên các vị sư ở chùa, cúng ông bà tổ tiên và góp mặt trên mâm cơm sum họp gia đình làm cho những món ăn truyền thống thêm phần phong phú. Lúc này, thưởng thức những khoanh bánh tét thơm ngon mới thấy hết giá trị của không khí gia đình truyền thống và ý nghĩa Tết cổ truyền của đồng bào Khmer.
Màu xanh của lá bồ ngót, mùi thơm của nếp mới, vị ngọt bùi của nhân mỡ heo được bao quanh bởi lớp đậu xanh - sẽ là hương vị đậm đà khó quên cho mỗi người - mỗi nhà, nhất là đối với du khách đã một lần ghé thăm Trà Vinh và cùng đón Tết cổ truyền cổ truyền Chôl Chnam Thmây với đồng bào Khmer Nam Bộ.
Những đón bánh tét thơm ngon sau khi nấu chín có màu xanh của lá bồ ngót, mùi thơm của nếp mới, vị ngọt bùi của nhân đậu xanh.
Bài, ảnh: SỐC KHA
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.