18/07/2021 10:29
Cán bộ BHXH tỉnh tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện đến với người dân.
Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 đã chỉ rõ: “BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội;…”. Tiếp theo là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH lại một lần nữa khẳng định: “BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước”.
Việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng, có sự chia sẻ giữa các thành viên. Cụ thể là người lao động khi có việc làm và khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập để hỗ trợ bản thân hoặc người khác khi ốm đau; tai nạn; lúc sinh đẻ, chăm sóc con cái và lúc tuổi già để duy trì và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình theo phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Đồng thời, thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT đảm bảo sự bình đẳng về vị trí xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển. Xóa bỏ nhận thức trước đây cho rằng chỉ có làm việc trong khu vực nhà nước, là công nhân viên chức nhà nước mới được gọi là có việc làm và được hưởng các chính sách BHXH, BHTN, BHYT.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN nhằm ổn định cuộc sống người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro. Người lao động tham gia BHXH, BHTN, BHYT khi ốm đau sẽ được khám, chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả chi phí và được trợ cấp ốm đau, được nghỉ chăm con khi con ốm; khi thai sản được nghỉ khám thai, được nghỉ khi sinh và nuôi con, được nhận trợ cấp khi sinh con và trợ cấp thai sản; khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ nhận được phần trợ cấp do giảm khả năng lao động do tai nạn, bệnh nghề nghiệp gây ra; được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sinh đẻ hay điều trị thương tật; khi mất việc làm, được hưởng trợ cấp thất nghiệp và được giới thiệu việc làm hoặc được học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Bên cạnh đó, quyền lợi của các chế độ BHXH, BHYT, BHTN không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và mức sống chung toàn xã hội tại từng thời điểm, đảm bảo cuộc sống của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đặc biệt là người hưởng lương hưu khi về già không còn khả năng lao động.
Song song với số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng lên thì số người được hưởng các chế độ từ chính sách BHXH, BHYT, BHTN cũng tăng tỷ lệ thuận với số người tham gia. Cụ thể, năm 2020, số người hưởng các chế độ BHXH là 30.131 người, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 43,48% với tổng số tiền chi là 1.180,437 tỷ đồng, (tăng 218,969 tỷ đồng so năm 2019). Trong đó, số người hưởng BHXH hàng tháng là 1.004 người; số lượt người hưởng trợ cấp một lần là 15.375 lượt người; số lượt người hưởng trợ cấp BHTN là 13.752 lượt người. Ngoài ra, còn giải quyết 03 chế độ ngắn hạn ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 14.544 lượt người. Trong năm 2020, có 1.996.249 lượt đi khám, chữa bệnh được chi trả với số tiền 712,716 tỷ đồng (tăng so với năm 2019 là 77 triệu đồng).
Trong 06 tháng đầu năm 2021, số người hưởng chế độ BHXH là 21.768 người, với tổng số tiền chi 704,222 tỷ đồng (tăng 65,094 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020), trong đó chi từ nguồn ngân sách là 20,678 tỷ đồng (giảm 1,357 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020) và chi từ quỹ BHXH là 683,544 tỷ đồng (tăng 66,451 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, giải quyết chế độ BHXH hàng tháng cho 189 người; chế độ trợ cấp 01 lần cho 8.335 người; trợ cấp thất nghiệp cho 7.369 người (tăng 3.259 người so với cùng kỳ năm 2020) và trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 5.875 lượt người. 06 tháng đầu năm 2021 có 887.706 lượt khám, chữa bệnh BHYT được chi trả với số tiền khoảng 338,310 tỷ đồng (tăng 12,796 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020).
Từ số liệu trên cho thấy, BHXH, BHYT, BHTN đã chi một khoản tiền rất lớn và ngày càng tăng cao để hỗ trợ, bù đắp cho người tham gia trong thời gian mất nguồn thu nhập. Nhất là trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19 như hiện nay, chính sách BHTN lại càng trở nên quan trọng, là “phao cứu sinh” và là “điểm tựa” cho người lao động mất việc làm, mất thu nhập để giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Bên cạnh đó, chính sách BHYT giữ vai trò hết sức quan trọng trong thời điểm dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp; là thiết chế tài chính bảo vệ người tham gia tránh những nguy cơ phải chi trả chi phí y tế quá cao nếu chẳng may mắc bệnh. Nếu không tham gia BHYT thì người dân không nằm trong vòng bảo vệ của quỹ BHYT và có nguy cơ rơi vào “bẫy nghèo” do phải chi trả các chi phí điều trị.
Như vậy, có thể nói rằng BHXH, BHYT, BHTN giữ vai trò trụ cột, bền vững trong hệ thống an sinh xã hội cho mọi người, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm gánh nặng đối với các doanh nghiệp và đối với ngân sách địa phương trong việc chăm lo đời sống của người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bài, ảnh: HỒNG ĐẬM
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.