10/06/2020 05:20
Tháng 01/1959, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng mở Hội nghị lần thứ 15, ra Nghị quyết (gọi tắt là Nghị quyết số 15), đã xác định con đường phát triển của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam; nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Ðình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; đưa phong trào cách mạng ở miền Nam thoát khỏi tình thế hiểm nghèo được ví như “ngàn cân treo sợi tóc” lúc đó, phát triển đi lên, dự kiến xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của Nhân dân tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ.
Ấn phẩm đầu tiên của báo chí Trà Vinh được in ấn tại căn cứ kháng chiến xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải và được phát hành vào ngày 27/7/1960 (Tựa bản tin được viết tay chứ không phải đánh máy).
Thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Trà Vinh, đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trà Văn Long (Mười Dài), chỉ đạo các ngành, các địa phương trong tỉnh, bí mật quyết tâm chuẩn bị thực lực cách mạng làm cuộc Đồng khởi. Thực hiện quyết tâm đó của Tỉnh ủy, ngày 15/4/1959, tại vùng rừng lá dừa nước xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, Tỉnh đội Trà Vinh thành lập một đơn vị vũ trang mang tên ngụy trang “Tiểu đội giáo phái” (tiền thân của Tiểu đoàn Bộ binh 501, bộ đội địa phương tỉnh Trà Vinh ngày nay) để làm “đòn xeo” cho Phong trào Đồng khởi của tỉnh.
Trung tuần tháng 7/1960, Ban Tuyên huấn tỉnh in ấn, phát hành một số truyền đơn tố cáo tội ác quân đội Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm thuộc Đại đội 135 từ miền Trung mới đưa vào, do Trung sĩ Dược chỉ huy vào ngày 02/7/1960, đã đốt phá ghe cộ, cướp gà, vịt, trâu, bò, đồ nữ trang, mùng, chiếu của đồng bào ấp Đon, xã Long Hữu (quận Long Toàn), ấp Tư, ấp Năm, xã Mỹ Long, ấp Bào Bèo, xã Hiệp Mỹ (quận Cầu Ngang). 25 ngày sau, ngày 27/7/1960, bản tin được đánh máy trên giấy sáp và in bằng máy Roneo quay tay, được phát hành đến một số xã do giặc tạm chiếm ở một số nơi trong quận Cầu Ngang và Càng Long.
Ấn phẩm báo chí, tuyên truyền của Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh xuất hiện, như một luồng gió mới thổi vào niềm khát khao thống nhất nước nhà, làm nức lòng “cán bộ nằm vùng” và Nhân dân Việt - Khmer trong tỉnh Trà Vinh dưới chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm.
Mặc dù có trong tay máy chém từ Luật 10/59 của Tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng chánh quyền Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm ở Vĩnh Bình (Trà Vinh) vẫn vô cùng nao núng. Trong Công văn số 1509/P4/A/M có dấu “MẬT” đề ngày 01 tháng 8 năm 1960 của Trưởng Ty Công an Vĩnh Bình đệ trình Tỉnh trưởng Vĩnh Bình và Tổng Giám đốc cảnh sát và Công an Việt Nam cộng hòa, Sài Gòn và Giám đốc cơ quan đại diện Cảnh sát và Công an miền Tây - Phong Dinh, đã tham chiếu báo cáo thường nhật của Ty số 120/BC-M, ngày 27/7/1960 về việc Việt Cộng vũ trang tuyên truyền và rải truyền đơn, có đoạn viết: “Cũng trong đêm nói trên, tại các xã Mỹ Cẩm, Phương Thạnh, Đức Mỹ và xung quanh khu trù mật Lo Co, xã An Trường (Càng Long - Vĩnh Bình), bọn Việt Cộng rải một số truyền đơn chống đối và xuyên tạc chánh phủ ta. Sau khi hay tin, chánh quyền ta đến nơi thâu lượm hết số truyền đơn Việt Cộng nói trên đem về Nha quận Càng Long để nghiên cứu và truy nã Việt Cộng.
Kính đính hậu để tường trình lên qúy tòa, quý Tổng Nha và quý cơ quan 9 loại truyền đơn Việt Cộng nói trên...”.
Sự xuất hiện các ấn phẩm của truyền đơn, báo chí vào ngày 27/7/1960 tại Trà Vinh đã thêm một chiến sĩ xung kích, đồng hành cùng “cán bộ nằm vùng”, lực lượng vũ trang và Nhân dân Việt - Khmer trong tỉnh đứng lên làm cuộc Đồng khởi 14/9/1960, giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn 12 xã, 14 ấp, giải phóng cơ bản 06 xã và 15 ấp khác của tỉnh.
Phong trào Đồng khởi 14/9/1960 ở miền Nam giành thắng lợi, làm cho bộ máy chính quyền Việt Nam cộng hòa ở cơ sở trên toàn miền Nam bị lung lay. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, ngày 20/12/1960, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, các cơ quan báo chí kháng chiến ở miền Nam như: Báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng cũng được thành lập từ Trung ương Cục đến các tỉnh trên toàn miền Nam.
Ở Trà Vinh, sau khi Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh được thành lập, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh cũng thành lập Tiểu ban Thông tấn Báo chí do đồng chí Bùi Duy Quang, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh phụ trách và giao nhiệm vụ: Chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất xuất bản tờ báo địa phương, làm nhiệm vụ chi nhánh Phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại Trà Vinh, đảm trách nhiệm vụ cộng tác viên bắt buộc với Đài Phát thanh Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam bằng phương tiện máy vô tuyến điện tự chế và được phát đi bằng tín hiệu Mooc-sơ (Morse).
TRẦN ĐIỀN
(Biên khảo theo các nguồn tài liệu lưu trữ tại Báo Vĩnh Long, Đài PT - TH Vĩnh Long, Báo Trà Vinh, Đài PT - TH Trà Vinh, Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh, “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 1930 - 2000” - Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long ấn hành năm 2005, “Kỷ yếu Đài PT - TH Vĩnh Long 2007”, “Thương nhớ một thời gian khó” - Nhà báo Nguyễn Xuân Thủy - Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Long ấn hành năm 2008 và với sự đóng góp tư liệu của Nhà báo Bùi Quang Huy (nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh), Nhà báo Nguyễn Chiến Thắng (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long), Nhà báo Trần Điền, Nhà báo Ngô Thanh Hòa, Nhà báo Lê Minh Khanh, Nhà báo Lương Việt Phương, ông Trầm Hồng Sang, ông Nguyễn Trọng Lai, bà Phạm Thị Dẫn (nguyên cán bộ, phóng viên Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến).
Bà Phạm Thị Thanh Phương, Tổng Biên tập Báo Trà Vinh trao học bổng cho học sinh nghèo Trường THCS An Trường A, xã An Trường, huyện Càng Long năm học 2019-2020. Ảnh: KIM LOAN |
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.