12/06/2020 07:34
Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Xuân Thủy (sách đã dẫn): Mùa khô ở rừng Long Vĩnh, các kênh, rạch, nước mặn ngập tràn, kéo dài. Cơ quan Tiểu ban Thông tấn Báo chí - Ban Tuyên huấn tỉnh ở sâu trong rừng Lá, từ đó phải dùng xuồng, ghe, lên tận giồng Cái Cối chở nước ngọt về dùng. Nước ngọt trở nên nguồn quí hiếm vô cùng. Mọi sự tắm, giặt đều dùng nước mặn. Nước mặn tắm không bao giờ sạch, không dùng xà bông được... đến lúc đó, Tiểu ban Thông tấn Báo chí Trà Vinh vẫn còn phôi thai lắm, đến tháng 8/1964, Tiểu ban rời căn cứ rừng Lá Long Vĩnh, mới bắt đầu “nở nồi” ra.
Sau hơn 03 năm chuẩn bị nhân sự, cơ sở vất chất ngành in trong điều kiện kháng chiến cực kỳ khó khăn, tháng 8/1964, Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh xuất bản tờ báo Báo Anh-dũng với danh xưng Cơ quan Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh và ghi số năm phát hành là năm thứ nhứt. Báo Anh-dũng tỉnh Trà Vinh lúc mới phát hành in bằng chữ chì, tại nhà in thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh được ghi trên ấn phẩm của mình là Nhà in Anh-dũng.
Nguyên vẹn tờ báo Anh - dũng tỉnh Trà Vinh năm thứ tư, số 26, ra ngày 15/6/1968.
Trong vùng căn cứ kháng chiến lúc bấy giờ, việc mua vật liệu ngành in như máy in, giấy in, mực in và nhiều thứ khác nữa từ vùng giặc kiểm soát đem về, không phải chuyện dễ dàng mà là cả sự gan dạ, dũng cảm, thông minh, có khi còn phải chấp nhận tù đày, hoặc phải đánh đổi sự hy sinh bằng tính mạng của người làm công tác tiếp liệu nữa.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân tỉnh Trà Vinh xuân Mậu Thân 1968, bên cạnh tờ báo Anh-dũng, Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh cho phát hành thêm ấn phẩm, tờ “Tin Khởi nghĩa tỉnh Trà Vinh”. Tờ “Tin Khởi nghĩa tỉnh Trà Vinh” trong ảnh kèm theo đây là tờ “Tin Khởi nghĩa” thứ 36 phát hành tháng 7/1968. Nội dung tờ tin cho thấy: Từ ngày 30/01 đến ngày 20/6/1968, tỉnh Trà Vinh có 5.000 thanh niên đi tòng quân, nhiều địa phương có đến 90% thanh niên thoát ly gia đình đi kháng chiến, sư sãi đang tu cũng sất ra đi bộ đội, 50.000 lượt nam, nữ thanh niên đi dân công hỏa tuyến hoặc sẵn sàng trực chiến phục vụ chiến trường, tải chiến thương, súng ống đạn dược cho bộ đội, đào 23.000 công sự, 2.300 hầm chông chống giặc vào vùng giải phóng.
Tờ “Tin khởi nghĩa tỉnh Trà Vinh” số 36, ra ngày 05/7/1968 là ấn phẩm linh hoạt của Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Từ ngày 06 đến ngày 08/6/1969, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam ở miền Nam cùng các lực lượng yêu nước khác đã họp Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam, nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ, từ đó, Báo Anh-dũng tỉnh Trà Vinh cũng thay đổi danh xưng là cơ quan Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Trà Vinh.
Từ tháng 6/1969, Báo Anh-dũng tỉnh Trà Vinh thay đổi danh xưng là “Cơ quan Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Trà Vinh”.
Việc khan hiếm giấy, mực in báo là chuyện thường xuyên đối với hoạt động in ấn, phát hành Báo Anh-dũng tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến. Làm thế nào trong hoàn cảnh thiếu giấy, thiếu mực mà tờ báo vẫn được phát hành phục vụ cho Nhân dân và bộ đội trên chiến trường đánh Mỹ - ngụy là quyết tâm cao nhất của những người làm báo của Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh lúc bấy giờ. Bức ảnh kèm theo đây là bài Ghi nhanh “Giải phóng xã Tập Sơn” của phóng viên chiến trường Trần Điền được Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh đăng trên trang 11 và 12, Báo Anh-dũng phát hành năm 1974, cả tờ báo đều được in trên giấy học trò bằng máy Roneo.
Những lúc giặc đánh phá vào căn cứ cơ quan báo chí quá ác liệt, Báo Anh-dũng tỉnh Trà Vinh được in bằng máy Roneo trên giấy học trò.
Do yêu cầu phục vụ công tác tuyên truyền cho kháng chiến, từ năm 1970, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo Ban Tuyên huấn tỉnh bằng mọi cách đưa Báo Anh - dũng vào cho đồng bào và cơ sở binh vận của ta trong vùng địch kiểm soát, chủ yếu là thị xã Trà Vinh. Chấp hành ý kiến chỉ đạo đó, Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh được Ban Tuyên huấn tỉnh giao nhiệm vụ mua một số tờ báo phát hành ở Sài Gòn đang có nhiều độc giả lúc bấy giờ đem về để chọn làm tờ báo ngụy trang.
Sau khi chọn được tờ báo ngụy trang, công việc tiếp theo, Nhà in Anh Dũng của Ban Tuyên huấn tỉnh cho sắp chữ chì y chang như “maket” và co chữ của tờ báo đó. Đồng chí Lâm Ngọc Quang, Phó Tiểu ban Thông tấn Báo chí được lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh kín đáo giao nhiệm vụ chọn những bản tin chiến sự, hay bài viết có tựa đề “giật gân” đang thu hút độc giả, vẫn giữ tựa đề, “tít” giật gân của bản tin hay bài viết của tờ báo đó, nhưng rút ruột tin (hoặc bài) trên tờ báo ngụy trang ra, đưa toàn nội dung tin (hoặc bài viết) của Báo Anh-dũng vào, đúng co và được cắt gọt lại cho đúng số chữ. Nhọc công lắm.
TRẦN ĐIỀN
(Biên khảo theo các nguồn tài liệu lưu trữ tại Báo Vĩnh Long, Đài PT - TH Vĩnh Long, Báo Trà Vinh, Đài PT - TH Trà Vinh, Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh, “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 1930 - 2000” - Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long ấn hành năm 2005, “Kỷ yếu Đài PT - TH Vĩnh Long 2007”, “Thương nhớ một thời gian khó” - Nhà báo Nguyễn Xuân Thủy - Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Long ấn hành năm 2008 và với sự đóng góp tư liệu của Nhà báo Bùi Quang Huy (nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh), Nhà báo Nguyễn Chiến Thắng (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long), Nhà báo Trần Điền, Nhà báo Ngô Thanh Hòa, Nhà báo Lê Minh Khanh, Nhà báo Lương Việt Phương, ông Trầm Hồng Sang, ông Nguyễn Trọng Lai, bà Phạm Thị Dẫn (nguyên cán bộ, phóng viên Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến).
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.