15/06/2020 09:26
Tháng 4 năm 1977, Tỉnh ủy Cửu Long quyết định trưng dụng một bộ phận cán bộ chủ chốt của Ban Biên tập và phóng viên của Báo Cửu Long đứng ra thành lập Đài Phát thanh - Truyền hình Cửu Long dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Vân Nam (tức đồng chí Sáu Liêm) - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long kiêm Giám đốc Đài, đồng chí Trương Minh Thuyết (phóng viên Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến) được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long giao nhiệm vụ giữ chức Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Cửu Long đến năm 1981 thì chuyển sang làm nhiệm vụ Quyền Tổng Biên tập Báo Cửu Long đến năm 1983, thay đồng chí Phạm Văn Hướng đi học Trường Chính trị Nguyễn Ái Quốc Hà Nội. Năm 1988, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long phân công đồng chí Lê Minh Khanh, phóng viên Tiểu ban Thông tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến giữ chức vụ Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Cửu Long đến năm 1992.
16 năm (02/1976 - 5/1992) Báo Anh-dũng được hợp nhất và đổi tên thành Báo Vĩnh Trà và sau đó là Báo Cửu Long phát hành 1.560 kỳ báo bằng 02 thứ chữ Việt - Khmer. Ảnh: TRẦN ĐIỀN
Năm 1983, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cửu Long được thành lập, Tỉnh ủy phân công đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long giữ chức Thư ký (như chức danh Chủ tịch Hội ngày nay); đồng chí Phạm Văn Hướng, Tổng Biên tập Báo Cửu Long giữ chức Phó Thư ký Thường trực (như chức danh Phó Chủ tịch Thường trực ngày nay) của Ban Thư ký Hội Nhà báo khóa I.
Từ ngày 06 - 08/10/1986, Đảng bộ tỉnh Cửu Long tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986 - 1990. Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra và khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học.
Trên tinh thần đổi mới từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, được Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Cửu Long lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986 - 1990 soi sáng, Đảng bộ tỉnh Cửu Long tăng cường và đổi mới công tác lãnh đạo báo chí ở địa phương cụ thể như:
Chỉ đạo Báo Cửu Long thay đổi hình thức tờ báo vẫn giữ 04 trang nhưng tăng khổ báo từ 30 x 42cm, giá bán 50 xu lên khổ 38 x 59cm, bắt đầu nhận đăng quảng cáo cho các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân trong tỉnh, đồng thời cũng tăng giá bán báo lên 100 đồng.
Tháng 6/1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long điều động đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long về giữ chức Bí thư Huyện ủy Duyên Hải - huyện nghèo nhất nhì của tỉnh Cửu Long lúc bấy giờ. Sau khi nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Duyên Hải (năm 1987), sang năm 1988, đồng chí Bùi Quang Huy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Ban Biên tập Báo Cửu Long mở chuyên trang “Duyên Hải từng bước đi lên vững chắc” đăng hàng tháng liền bài viết về huyện Duyên Hải trên Báo Cửu Long, góp phần đưa kinh tế - xã hội huyện Duyên Hải phát triển thêm những bước mới.
Thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 05, Kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 905, ngày 26/8/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về đổi mới báo chí, văn hóa, văn nghệ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác báo chí, văn hóa, văn nghệ của tỉnh trong tình hình mới. Thông qua kết luận hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo, Sở Văn hóa Thông tin và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh phối hợp làm tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo lập lại trật tự hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh.
Ngày 25/9/1990, Hội Nhà báo tỉnh Cửu Long khóa I tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 1990 - 1995, Đại hội bầu Ban Chấp hành có 07 đồng chí, đồng chí Phạm Văn Hướng, Tổng Biên tập Báo Cửu Long giữ chức Thư ký Hội Nhà báo tỉnh Cửu Long khóa II.
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương đối với hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh, Báo Cửu Long được Tỉnh ủy chỉ đạo thay đổi trở lại khổ 28 x 41cm, tăng lên 8 trang và vẫn giữ giá bán 100 đồng, tăng cường các hoạt động quảng cáo trên báo nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà và tăng nguồn thu về tài chính khi Báo Cửu Long chập chững bước vào cơ chế thị trường.
Ngày 18/4/1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 68-CT/TW “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer” - Chỉ thị có đoạn viết: Sử dụng tốt tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Đài truyền hình và phát thanh của các tỉnh đông đồng bào Khmer cần tăng thêm thời gian phát sóng bằng tiếng Khmer. Báo Cửu Long chữ Khmer được Tỉnh ủy chỉ đạo nâng cao chất lượng.
Trong vòng 16 năm (02/1976 - 5/1992), Báo Vĩnh Trà và sau đó là Báo Cửu Long phát hành 1.560 kỳ báo bằng 02 thứ chữ Việt - Khmer.
TRẦN ĐIỀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.