28/03/2022 15:47
Một buổi tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người dân về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại huyện Cầu Kè.
Một trong những nguyên nhân chính làm cho số người tham gia BHXH, BHYT giảm là do tác động của việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn nghèo thuộc khu vực nông thôn theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Theo thống kê, số người bị tác động bởi việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn nghèo thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 88% lực lượng đang tham gia BHXH tự nguyện (tương ứng hơn 17.100 người tham gia với mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng). Theo Quyết định số 861, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 17 xã đặc biệt khó khăn, 07 xã bãi ngang và 52 xã khó khăn đã bị cắt giảm thẻ BHYT, tương ứng với khoảng 274.000 người không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT phải chuyển sang tham gia BHYT hộ gia đình. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2022 của đơn vị và ảnh hưởng đến thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Để người dân tiếp tục tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã và đang tăng cường triển khai công tác truyền thông đến người dân về chủ trương, chính sách của Đảng Nhà nước về chính sách BHXH, BHYT.
Bên cạnh nguyên nhân trên, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng đã tác động không nhỏ đến kinh tế, thu nhập, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Không ít trường hợp người đang tham gia BHXH tự nguyện, nhất là những gia đình tham gia BHXH tự nguyện cho 02 hoặc 03 thành viên không còn đủ khả năng cho đầy đủ các thành viên; những hộ có đông nhân khẩu chỉ ưu tiên tham gia BHYT cho những thành viên lớn tuổi, có bệnh nền để được chăm sóc sức khỏe…
Năm 2022, với chỉ tiêu được BHXH Việt Nam giao, BHXH tỉnh Trà Vinh phấn đấu phát triển 28.178 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 45% so với năm 2021 (tương ứng 8.745 người) và 987.763 người tham gia BHYT, tăng 0,74% so với năm 2021 (tương ứng tăng 7.289 người). Đây là khó khăn, thách thức đối với BHXH tỉnh Trà Vinh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022.
Để thực hiện chỉ tiêu được giao, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh Trà Vinh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo công tác BHXH, BHYT; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức sơ, tổng kết các hoạt động phối hợp và bàn các giải pháp tuyên truyền, vận động, thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022. Bên cạnh đó, căn cứ vào từng cấp độ dịch bệnh của địa phương, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã đẩy mạnh tổ chức các cuộc hội nghị tuyên truyền; hội nghị khách hàng tập trung vào từng nhóm đối tượng để vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường hoạt động truyền thông nhóm nhỏ và huy động sự chung tay đóng góp của các mạnh thường quân hỗ trợ mua sổ BHXH tự nguyện, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai và nhân rộng các hoạt động truyền thông hiệu quả năm 2021 như mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện”; mô hình “góp vốn xoay vòng” mua thẻ BHYT trong hội viên các hội - đoàn thể.
Với việc xác định cung cấp thông tin về chính sách BHXH, BHYT đầy đủ, kịp thời đến người dân là một trong những khâu quan trọng để người dân hiểu và tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Vì vậy, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các cuộc hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người dân về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và chỉ đạo BHXH huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức hội nghị đối thoại, cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc cho người dân về việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện theo quy định tại Nghị định số 07 sẽ có lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện bởi mức đóng càng cao, người tham gia sẽ được hưởng quyền lợi càng cao và được Nhà nước hỗ trợ đóng với mức phí cao hơn so với quy định trước đây.
Đối với những xã không còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT theo Quyết định số 861, tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình kịp thời để được chăm sóc sức khỏe, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay việc tham gia BHYT là việc làm rất cần thiết, là chiếc “phao cứu sinh” nếu người dân chẳng may mắc bệnh, phải điều trị với chi phí cao. Đặc biệt, thông tin cho người dân quyền lợi khi tham gia BHYT 05 năm liên tục để người dân mua thẻ kịp thời, tránh gián đoạn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi (theo quy định, người tham gia BHYT phải đóng từ đủ 05 năm liên tục và được phép gián đoạn nhưng tối đa không quá 03 tháng).
Để các hoạt động truyền thông chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đạt hiệu quả, BHXH tỉnh rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là UBND các xã, phường, thị trấn trong việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chính sách và tham gia để được hưởng các chính sách an sinh xã hội, để không ai bị nằm ngoài “lưới an sinh” của Đảng, Nhà nước.
Bài, ảnh: HỒNG ĐẬM
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.