21/12/2021 07:42
Căn nhà âm ở huyện Duyên Hải được ra đời từ ý chí, quyết tâm đó và được thể hiện qua những dòng thơ:
Áp dụng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” trong chiến tranh xâm lược Việt Nam bị thất bại, Tổng thống thứ 36 của Hoa Kỳ, Lyndon Baines Johnson chuyển sang chiến lược chiến tranh mới, gọi là chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
“Chiến tranh cục bộ” là một chiến lược quân sự của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam (giai đoạn 1965 - 1968). Nội dung cơ bản của chiến lược này là tận dụng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lực lượng viễn chinh Mỹ để đè bẹp Quân giải phóng miền Nam, đồng thời điều động lực lượng không quân đánh phá miền Bắc, thiết lập ảnh hưởng lâu dài của Mỹ ở miền Nam Việt Nam thông qua chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đây được đánh giá là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Quy mô của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trong chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ được đẩy lên rất cao với lượng bom đạn được Hoa Kỳ sử dụng nhiều hơn Thế chiến thứ hai, nhưng phạm vi chiến tranh được giới hạn ở mục tiêu "chống nổi dậy" (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
Trước tình hình này, “cuối năm 1965, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ tại xã Dân Thành (huyện Duyên Hải), do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy (đồng chí Nguyễn Đáng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh 1965 - 1969 - NV), chủ trì. Nội dung chính của hội nghị là quán triệt nghị quyết của cấp trên và triển khai nhiệm vụ của Đảng bộ, phát động toàn quân, toàn dân trong tỉnh, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hội nghị đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể:
Phát triển xã, ấp chiến đấu rộng rãi, đều khắp, kết hợp cải tạo với xây dựng địa hình để bảo vệ dân, đảm bảo vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng hầm trú ẩn tránh phi pháo trên khắp địa bàn, thực hiện khẩu hiệu “Hầm chắc hơn nhà tốt”…” (theo: Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập Ba (1954 - 1975) - Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh ấn hành năm 2005).
Cho đến bây giờ và mãi về sau, căn nhà âm chính là cái “hầm chắc…” ấy ở Duyên Hải vẫn luôn là điều bí ẩn - không chỉ bí ẩn đối với người phương xa mà còn bí ẩn với ngay cả người dân huyện Duyên Hải thế hệ sinh sau năm 1975. Tuổi thơ tôi đã từng tham gia xây cất, học hành và lớn lên trong những căn nhà âm như thế đó. Bằng trí nhớ của mình, tôi cố hình dung và phục chế lại căn nhà âm bất khuất này bằng văn bản để chia sẻ niềm tự hào của mình cùng bạn đọc.
Để cất nhà âm, người ta chọn địa thế tốt để đào một hố đất sâu. Diện tích hố đất này rộng hẹp bao nhiêu tùy thuộc vào diện tích căn nhà chủ nhân muốn dựng. Độ sâu hố đất này thông thường phải bằng độ cao căn nhà sắp cất. Có thấp gì cũng phải cao quá đầu người ít nhất một với tay. Tuy sâu nhưng do đào trên động cát cao nên ở độ sâu này nền nhà âm vẫn khô ráo bình thường. Xung quanh hố đất đào xong người ta “trỉ” một lớp cây dày như bàn tay khép. Cây này được đốn từ trong rừng tại địa phương đem về. Cỡ cây phải từ bằng cổ chân người lớn trở lên mới chắc. Loại cây người ta đốn từ rừng đem về trỉ quanh hố đất nhà âm thông thường là hai loại cây chà là và cây mắm. Vì hai loại cây này rất chắc và có nhiều trong rừng. Tuy nhiên rất khó đốn. Nhất là cây chà là - loại cây có vô số gai nhọn. Phía trong lớp cây trỉ dày đặc kia, người ta lót một đến hai hoặc ba lớp lá chầm cho đất không lở đổ ra. Điều kiện kinh tế thời chiến tranh, người ta chưa có nhiều vải ny long hay vải bạc để sử dụng như ngày nay. Từ hố đất này, người ta đào một cái rãnh nhỏ như chiến hào bề ngang độ chừng một đến một mét rưỡi thông ra đường. Đây được xem như đường dẫn từ đường đi vào nhà. Như vậy là người ta đã có được một cái nền của căn nhà âm.
Công việc đào hố làm nền nhà âm của mỗi gia đình phải được nhiều người trong xóm chung tay làm giúp và chỉ mất độ năm bảy hôm mới xong. Sau đó, người ta bắt đầu trồng cột, gát kèo, thả đòn tay, lợp lá một căn nhà bình thường, nhưng lại là trên nền của một cái hố đất vừa âm và trỉ cây chắc chắn. Nóc nhà âm phải cao hơn mặt đất chừng năm tấc và có rãnh thoát để nước mưa không đổ vào nhà. Cây cỏ được chủ nhà nguỵ trang kín đáo trên nóc nhà và cả đường dẫn vào nhà. Cả ngàn hộ dân bám đất ở trong vùng giải phóng kháng chiến huyện Duyên Hải thời đó người ta đều cất nhà như vậy để ở. Máy bay Mỹ trên trời có căng mắt soi mói cũng không thấy xóm làng dân chúng ở đâu mà bắn. Nếu chỉ ném bom chà mù theo tọa độ thì quả bom nào rơi đúng nóc nhà âm người ta mới chịu xem như đó là chuyện “cò ỉa miệng ve”. Còn chi bằng quả bom rơi cách nhà âm từ vài mươi mét trở lên, thì trời có kêu, những người trong nhà âm cũng không thèm dạ.
Bên cạnh nhà âm còn có căn hầm tránh bom kiên cố liền kề. Căn hầm tránh bom có diện tích nhỏ hơn căn nhà âm. Thông thường căn hầm tránh bom người ta đào sâu hơn nền nhà âm, có diện tích từ 08 - 12m² hoặc rộng hẹp tùy theo số người có trong gia đình nhiều hay ít. Lớp cây trỉ dày như bàn tay, trong nhà âm thay vì đứng thẳng thì trong hầm tránh bom lại chụm đầu vào nhau trên cây đòn dông thành hình tam giác. Nóc hầm tránh bom thường sâu hơn mặt đất từ năm tấc đến một mét. Trên nóc hầm tránh bom người ta lại đắp đất cao thêm một thậm chí vài ba mét nữa. Nhờ độ dày của lớp đất đắp trên nóc và cái đỉnh của tam giác trên nóc căn hầm khi lót cây mà cái hầm tránh bom có độ chắc rất cao. Quả bom nhỏ hay trái đạn đại bác cỡ 155 ly rơi xuống cách đỉnh tam giác nóc hầm chừng năm đến mười mét, những người ở trong hầm có khả năng bình yên vô sự rất cao. Ở huyện Duyên Hải trong kháng chiến, gia đình người dân nào quyết tâm bám đất giữ làng cũng đều phải có căn nhà âm và cái hầm tránh bom kiên cố như thế. Chẳng những thế mà người ta còn cất cả căn nhà âm rộng hơn để làm trường học cho trẻ em và nhốt gia súc.
Rất tiếc, ngày nay ở huyện và thị xã Duyên Hải người ta chưa có điều kiện phục chế được căn nhà âm và căn hầm tránh bom kiên cường ấy để cho du khách tham quan và thế hệ người dân huyện Duyên Hải hôm nay tự hào về ý chí đánh giặc kiên cường bất khuất của cha ông mình.
Một ngọn động cát còn lại hiếm hoi ở thị xã Duyên Hải - Nơi thích hợp cho người dân huyện Duyên Hải làm nhà âm tránh bom trong kháng chiến.
Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.