29/02/2024 10:42
Cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Long Hòa đến thăm bà Phạm Thị Nhân, người được đơn vị hỗ trợ từ mô hình “Hũ gạo nghĩa tình quân dân”.
Mô hình “Hũ gạo nghĩa tình quân dân”
Nhằm hỗ trợ cho những gia đình nghèo, những hộ khó khăn, người già neo đơn trên địa bàn các đơn vị biên phòng trên tuyến biên giới biển của tỉnh đã xây dựng và thực hiện mô hình “Hũ gạo nghĩa tình quân dân”. Với tinh thần tương thân, tương ái “một nắm khi đói bằng một gói khi no”, vào những bữa nấu ăn, cán bộ, chiến sĩ BĐBP ở các đồn, đơn vị biên phòng đã trích một phần gạo để tiết kiệm. Đến cuối tháng, phần gạo tiết kiệm được sẽ được các cán bộ, chiến sĩ mang đến trao tặng gia đình nghèo, gia đình neo đơn trong mô hình, việc làm này đã được cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP duy trì xuyên suốt từ hàng chục năm qua.
Thực hiện mô hình “Hũ gạo nghĩa tình quân dân”, hàng tháng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Trường Long Hòa hỗ trợ gạo cho 03 hộ gia đình khó khăn trên địa bàn đồn phụ trách. Trong số các gia đình được đơn vị hỗ trợ gạo có gia đình ông Trần Văn Cưng, ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa.
Ông Cưng mắc nhiều chứng bệnh viêm não, viêm tụy, bệnh dây thần kinh ngoại biên, viêm cột sống. Vợ ông Cưng là bà Nguyễn Thị Dẽo cũng bị té ngã gãy cột sống sức khỏe rất yếu không thể đi lại, việc chăm sóc bản thân phải nhờ sự giúp đỡ của người khác, cuộc sống gia đình ông bà hết sức khó khăn. Hàng tháng, ngoài việc hỗ trợ gạo cho gia đình ông Cưng, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Trường Long Hòa thường xuyên đến thăm, khám sức khỏe, cấp thuốc cho vợ chồng ông Cưng, bà Dẽo.
Từ nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Long Hòa thực hiện mô hình “Hũ gạo nghĩa tình quân dân”, hiện tại đơn vị đang hỗ trợ cho 02 hộ khó khăn trên địa bàn. Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Long Hòa đến thăm bà Phạm Thị Nhân, ấp Rạch Ngựa, xã Long Hòa, huyện Châu Thành. Gặp các cán bộ Đồn Biên phòng bà Nhân tươi cười, phấn khởi, câu đầu tiên bà Nhân chúc cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng luôn mạnh khỏe để bảo vệ người dân và làm thêm nhiều việc có ích cho địa phương.
Bà Phạm Thị Nhân đã 85 tuổi, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, bà sống neo đơn trong căn nhà tình thương được chính quyền địa phương hỗ trợ từ nhiều năm qua. Được biết, bà Nhân cũng là người có công với cách mạng, bà được UBND tỉnh công nhận “Có thành tích đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ”.
Thiếu tá Lê Minh Luận, Đồn Trưởng Đồn biên phòng Long Hòa cho biết, mô hình “Hũ gạo nghĩa tình quân dân” hỗ trợ cho các hộ nghèo, người già neo đơn, người có công, đồng thời cũng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, góp phần cùng với địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Chương trình “Nâng bước em tới trường”
Chương trình được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay. Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phân công các đơn vị biên phòng trên tuyến biên giới biển phối hợp với địa phương xét chọn những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo nhưng có ý chí vươn lên trong học tập để nhận hỗ trợ.
Qua xét chọn toàn tuyến biên giới biển có 34 học sinh đủ điều kiện được nhận hỗ trợ trong chương trình “Nâng bước em tới trường”, hàng tháng, mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng cho đến khi các em kết thúc chương trình THPT. Tính đến nay, đã có trên 60 học sinh được chương trình “Nâng bước em tới trường” hỗ trợ, với tổng số tiền trên trên 1,6 tỷ đồng, nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP tỉnh đóng góp và trích từ nguồn tăng gia sản xuất của các đơn vị.
Ngoài việc hỗ trợ tiền từ chương trình “Nâng bước em tới trường”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa thường xuyên đến tham hỏi việc học và động viên các em cố gắng học tập.
Em Huỳnh Thị Cẩm Ly, học sinh lớp 5/1 Trường Tiểu học Long Hòa, xã Long Hòa, huyện Châu Thành được Đồn Biên phòng Long Hòa xét chọn hỗ trợ trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Qua thời gian được hỗ trợ em Cẩm Ly có thêm điều kiện để mua sắm sách vở, dụng cụ học tập giúp em an tâm đến trường.
Thầy Phạm Văn Luân, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Long Hòa cho biết, trường có 02 em học sinh được Đồn Biên phòng Long Hòa hỗ trợ từ chương trình “Nâng bước em tới trường”. Qua thời gian được hỗ trợ các em có nhiều tiến bộ trong học tập, rèn luyện, có đạo đức tốt. Mô hình có ý nghĩa thiết thực, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa đã cùng với các trường, địa phương thực hiện tốt công tác khuyến học, chăm lo cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện tiếp tục đến trường, vươn lên trong cuộc sống.
Qua gần 08 năm thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” của BĐBP Trà Vinh đã có trên 60 học sinh đã và đang được hỗ trợ, trong số đó, một số em đã được hỗ trợ vượt qua khó khăn, có điều kiện học hành và bắt đầu bước qua những ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Em Võ Minh Thành, ấp Bà Tình, xã Long Hòa được chương trình hỗ trợ từ năm 2019 đến năm 2022. Hiện nay, em là sinh viên năm thứ hai ngành Công nghệ ô-tô Trường Cao đẳng nghề An Giang.
Một trường hợp khác là em Lâm Triệu Dĩ, ấp Khoán Tiều, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải được chương trình “Nâng bước em tới trường” Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Trường Long Hòa hỗ trợ từ năm 2018 đến năm 2022. Nhờ sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời từ chương trình đã giúp Lâm Triệu Dĩ an tâm học tập. Hiện nay, Lâm Triệu Dĩ đã thi đậu vào Trường Đại học Sĩ quan Pháo binh và đang học năm thứ hai tại trường.
“Con nuôi đồn biên phòng”
Từ năm 2019, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” nhằm tìm nhận, đưa những em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi về các đơn vị để chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi các em học hết cấp THCS.
Khi triển khai, hai đơn vị là Đồn Biên phòng Mỹ Long và Đồn Biên phòng Long Hòa phối hợp với địa phương nhận 03 em về làm con nuôi tại đơn vị (Đồn Biên phòng Mỹ Long 02 em, Đồn Biên phòng Long Hòa 01 em).
Khi sống tại đơn vị, các em được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt tại đồn với những người cha nuôi, ngoài giờ học tập tại trường, các em còn được những người cha nuôi dạy làm việc nhà và tham gia các hoạt động tập thể thể dục, thể thao. Từ khi triển khai mô hình đến nay, có những con nuôi đã trưởng thành và được quay trở lại sum họp với gia đình.
Cha nuôi Trung úy Thạch Thành Công hướng dẫn con nuôi Nguyễn Văn Tài học tập.
Em Trần Quốc Thịnh, ở ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, được Đồn Biên phòng Mỹ Long nhận nuôi từ năm 2019. Khi về làm con nuôi Đồn Biên phòng Mỹ Long, Thịnh đang học lớp 7, trong thời gian làm con nuôi tại đồn, Thịnh được những người cha tận tình nuôi dạy và chăm sóc, đáp lại những tình cảm đó, Thịnh nỗ lực học tập và luôn đạt học lực giỏi. Đầu năm học 2021 - 2022, Thịnh đã hoàn thành chương trình THCS và được đưa trở lại gia đình, để ủng hộ và động viên Thịnh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Long đã trao tặng em sổ tiết kiệm 27 triệu đồng, cùng nhiều sách, vở và dụng cụ học tập.
Gần đây nhất, vào tháng 8/2023, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Trường Long Hòa đón nhận em Lê Trọng Phú, sinh năm 2011, ngụ ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải làm con nuôi. Được biết, gia đình em Lê Trọng Phú thuộc diện hộ nghèo, em đang sống cùng bà ngoại đã cao tuổi. Hiện tại, em Phú đang học lớp 7 tại trường THCS Trường Long Hòa. Sau gần một năm là con nuôi đồn biên phòng, em Phú đã có bước phát triển về chiều cao, thể chất, em chăm ngoan và có nhiều tiến bộ trong học tập.
Trong quá trình cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển của tỉnh đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ và tin yêu của người dân nơi dây nên những phần việc “Hũ gạo nghĩa tình quân dân”, “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” của BĐBP Trà Vinh đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sự tri ân của người chiến sĩ quân hàm xanh trên tuyến biên giới biển của tỉnh.
Không chỉ đơn thuần là hỗ trợ cho những hoàn cảnh cảnh khó khăn mà đây còn là những phần việc của trái tim, tình yêu thương của những chiến sĩ quân hàm xanh đối với Nhân dân trên địa bàn biên giới biển. Qua những việc làm, các mô hình làm cho hình ảnh người chiến sĩ quân hàm xanh càng in đậm trong lòng người dân nơi tuyến biên giới biển, làm ấm thêm tình quân - dân cá - nước.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.