01/08/2020 09:36
Gia đình bà Thạch Thị Nương, ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long chăm sóc hoa màu.
Huyện Càng Long có 10 ấp đặc biệt khó khăn tập trung trên địa bàn 03 xã Huyền Hội, Bình Phú và Phương Thạnh. Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, huyện được trên phân bổ kinh phí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và duy tu bảo dưỡng, bao gồm đầu tư xây dựng mới 19 công trình, trong đó có 17 công trình giao thông, 02 công trình nhà văn hóa cộng đồng, kinh phí 8,408 tỷ đồng; duy tu, sửa chữa 02 công trình, gồm đường đal ấp Trà On và hệ thống cống thoát nước khu vực chợ xã Huyền Hội, kinh phí 189 triệu đồng. Trong hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các ấp đặc biệt khó khăn, huyện được đầu tư hỗ trợ 15 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn 10 ấp đặc biệt khó khăn, có 188 hộ nghèo tham gia thực hiện dự án, trong đó có 13 dự án nuôi bò, 02 dự án nuôi heo, tổng kinh phí thực hiện 1,802 tỷ đồng.
Huyền Hội là 01 trong 14 xã, thị trấn của huyện Càng Long có đông đồng bào Khmer sinh sống. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã Huyền Hội tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo tại địa phương, qua 05 năm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,21% (năm 2015) đến nay còn 2,84%.
Một trong những giải pháp mà xã Huyền Hội thực hiện tốt công tác giảm nghèo, là nhờ Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo UBND, các hội đoàn thể trên địa bàn xã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia vào các chi, tổ hội của ấp, vận dụng sáng tạo, linh hoạt những chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng, đơn cử như dự án phát triển sản xuất trong đồng bào dân tộc, dự án chăn nuôi heo, nuôi bò sinh sản, nuôi gà và các dự án của Chương trình 135 đầu tư cho ấp… tạo điều kiện cho người dân có công ăn, việc làm ổn định, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Út Nhất, Chủ tịch UBND xã Huyền Hội cho biết: ngay từ đầu nhiệm kỳ, trên cơ sở nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm tập trung triển khai thực hiện. Nhờ áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, qua từng năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Huyền Hội được kéo giảm đáng kể. Nếu như năm 2016, xã Huyền Hội có 505 hộ nghèo, thì đến năm 2017 giảm còn 372 hộ, năm 2018 còn 220 hộ, năm 2019 còn 116 hộ và dự kiến trong năm 2020 sẽ có 65 hộ thoát nghèo.
Ông Thạch Nhỏ, ngụ ấp Sóc là hộ Khmer nghèo, nhờ chí thú làm ăn và được hỗ trợ từ dự án phát triển sản xuất trong đồng bào dân tộc, đến nay gia đình ông xây dựng được cơ ngơi kha khá. Ông Thạch Nhỏ chia sẻ: năm 2010 tôi lập gia đình, khi đó vợ chồng tôi rất vất vả với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Ban đầu do không có điều kiện phát triển sản xuất, trong khi bản thân rất cần vốn để đầu tư. Cũng nhờ chính quyền địa phương, các cấp, các ngành quan tâm, hiểu được nguyện vọng của tôi, nên đã xem xét hỗ trợ 50 triệu đồng từ dự án phát triển sản xuất trong đồng bào dân tộc. Với số tiền này, tôi đầu tư nuôi bò sinh sản, qua từng năm, vợ chồng siêng năng, chí thú làm ăn, tiết kiệm chi tiêu nên tích lũy được số vốn, mua được 05 công đất. Lúc đầu thấy trồng lúa kém hiệu quả nên tôi chuyển sang trồng cây đậu phộng khoảng 02 năm nay cho thu nhập khá ổn định, khoảng 100 triệu đồng/năm.
Bà Thạch Thị Nương, ngụ cùng ấp cũng phấn khởi: gia đình tôi đã thoát nghèo hơn 04 năm nay. Cuộc sống trước đây khó khăn lắm! vợ chồng tôi không có nghề nghiệp ổn định, không có điều kiện sản xuất, làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Nhờ nguồn vốn vay 10 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, tôi đầu tư nuôi bò sinh sản, ban đầu từ 01 con bò mẹ, đến nay đàn bò của tôi có 03 con sinh sản, lúc đầu gia đình tôi không có đất để trồng trọt, sản xuất, nhờ nuôi bò tích lũy, đến nay tôi mua được 02 công đất để trồng rau muống, cải ngọt, mướp, đậu bún... Hiện tại, cuộc sống của gia đình tôi tuy chưa phải là giàu sang hay dư giả, nhưng cũng khá ổn định. Hàng ngày, tôi bán rau cải thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng, bản thân tôi thấy phấn khởi.
Từ năm 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Càng Long được kéo giảm đáng kể, từ 7,24% đầu năm 2016 còn 1,73% cuối năm 2019 (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc giảm từ 25,66% đầu năm 2016 còn 5,94% cuối năm 2019), ước đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,67%, đạt 97,5% so kế hoạch giai đoạn.
Kết quả thực hiện một số chính sách của chương trình giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020:
(1) chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ 152,260 tỷ đồng cho 7.050 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
(2) chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, in và cấp 98.015 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, ấp đặc biệt khó khăn, kinh phí trên 61,213 tỷ đồng.
(3) chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ cho 376 hộ nghèo khó khăn về nhà ở, kinh phí 9,4 tỷ đồng. Cùng với đó, địa phương còn vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng trên 464 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, góp phần cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
(4) chính sách hỗ trợ đất ở, đã tìm được quỹ đất bố trí cho 188/188 hộ nghèo không có đất ở và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 188/188 hộ (đạt 100%), kinh phí 6,105 tỷ đồng; hỗ trợ chuộc đất sản xuất cho 06 hộ, kinh phí 141 triệu đồng.
(5) chính sách giáo dục, miễn, giảm học phí cho 11.183 lượt học sinh, thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số; hỗ trợ gạo cho học sinh 06 trường tiểu học, 03 trường trung học cơ sở; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh 09 trường tiểu học và trung học cơ sở; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo bán trú; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, tổng kinh phí trên 31,638 tỷ đồng.
(6) chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 1.215 hộ vay và hỗ trợ vay vốn xuất khẩu 111 lao động, kinh phí trên 27 tỷ đồng; giới thiệu tạo việc làm mới cho trên 15.390 lao động; giới thiệu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 266 người...
Có nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Càng Long, trong đó, cần đổi mới tư duy xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo; phân cấp quản lý, tăng cường vai trò của địa phương, chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng. Bởi đây là điều kiện hết sức cần thiết, vì trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần gắn với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, áp dụng các tiếp cận tăng trưởng bao trùm toàn diện. Các chính sách cần được thiết kế bảo đảm sự thống nhất về cơ chế hỗ trợ, mức hỗ trợ giống nhau đối với các đối tượng giống nhau, tránh trùng lắp cũng như bỏ sót đối tượng…
Bài, ảnh: KIM LOAN
Tối 25/11, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Trà Cú (Khóm 5, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú), Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Trà Cú tổ chức khai mạc “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn huyện Trà Cú”.