18/06/2024 08:02
Là huyện có trên 32% đồng bào Khmer, sinh sống tập trung trên địa bàn 08/11 xã, thị trấn. Trong nhiệm kỳ 2019-2024, công tác Dân tộc trên địa bàn huyện Cầu Kè đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện.
Tác động qua các chính sách của Nhà nước đến đồng bào Khmer
Trong 05 năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn huyện được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, bằng nhiều chính sách khác nhau: hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về đời sống, chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng, về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo…
Đồng chí Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cầu Kè (bìa trái) và lãnh đạo xã Tam Ngãi tiếp nhận bảng tượng của Hòa thượng Thích Trí Minh, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phât giáo Việt Nam huyện Cầu Kè và nhà tài trợ hỗ trợ xây dựng công trình chào mừng Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số huyện.
Đồng chí Nguyễn Thị Nhiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: nhờ tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước, qua đó đã giúp cho không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần kéo giảm hộ nghèo đến cuối năm 2023 của huyện còn 180 hộ, chiếm 0,58% và 632 hộ cận nghèo, chiếm 2,03%/dân số chung của huyện, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 58 hộ, chiếm 0,19%/tổng số hộ nghèo của huyện. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt hơn 71 triệu đồng/người/năm; tăng 27,61 triệu đồng/người/năm so với năm 2019.
Toàn huyện Cầu Kè có 215 lượt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được bầu chọn; huyện cũng hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người có uy tín giai đoạn 2023 - 2025, theo Nghị quyết số 19/2022/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Trà Vinh. Thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; trong 05 năm qua đã cấp 51.090 ấn phẩm các loại cho 43 cá nhân, 07 cơ quan đơn vị, trưởng Ban Nhân dân 10 ấp đặc biệt khó khăn, 31 điểm trường và 22 điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
Trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, huyện đã tập trung trọng điểm vào mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, dần hình thành các vùng chuyên canh những cây trồng đặc sản như dừa sáp, cây ăn trái nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc.
Bên cạnh đó, để phát triển toàn diện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong 05 năm qua, huyện Cầu Kè đã thực hiện hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề cho 69 hộ/2,79 tỷ đồng; hỗ trợ kéo nước sinh hoạt cho 49 hộ/73,5 triệu đồng; hỗ trợ đất ở cho 03 hộ nghèo dân tộc kinh vùng đặc biệt khó khăn…
Bà Thạch Thị Sa Phanh, ngụ ấp Giồng Lớn, xã Hòa Ân phấn khởi: gia đình thuộc diện bảo trợ xã hội, vừa rồi, xã đã xây dựng và bàn giao căn nhà cho gia đình từ nguồn vốn theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, tổng kinh phí được hỗ trợ 46 triệu đồng.
Đồng bào dân tộc thiểu số đồng hành trong XDNTM
Đặc biệt, trong triển khai chương trình XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, các vị chức sắc tôn giáo, đồng bào Khmer đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể để làng quê ngày càng phát triển. Từ việc ủng hộ ngày công lao động, ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình giao thông đến việc những hộ dân sẵn sàng hiến đất để thực hiện các công trình, dự án vì lợi ích chung của địa phương. Những việc làm thiết thực, có ý nghĩa lớn và mang tính lan tỏa cao trong cộng đồng.
Đại đức Thạch Monh, Sư cả chùa Kom Bang Bat (ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè) chia sẻ: những năm qua, vai trò của các dân tộc, tôn giáo luôn luôn phát huy truyền thống yêu nước và cùng vượt qua khó khăn, thử thách; khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng xây dựng quê hương Cầu Kè ngày càng phát triển. Trong 05 năm qua, thông qua các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội… Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện đã vận động trên 26 tỷ đồng để góp phần giúp đỡ cho các hộ khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số còn tích cực tham gia thực hiện dọn dẹp cảnh quan môi trường, trồng cây xanh, đóng góp kinh phí xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2022 đến nay, huyện Cầu Kè triển khai thực hiện 05 dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội cải thiện đời sống với tổng kinh phí 58,716 tỷ đồng… nhờ đó, kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cơ bản được hoàn thiện, đáp ứng được cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân địa phương, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Nhiền, xác định người dân nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng là chủ thể trong XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; do đó, huyện chủ động tuyên truyền, vận động để cùng đồng thuận tham gia các phong trào thi đua XDNTM tại địa phương. Đến nay, Cầu Kè đã đạt được những thành tựu đáng kể trong XDNTM.
Cụ thể, toàn huyện có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, có 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2023. Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc, phum sóc được nối liền bằng những tuyến đường giao thông thẳng tắp, đã minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng chung sức, đồng lòng của các vị chức sắc tôn giáo, đồng bào Khmer ở địa phương.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.