02/08/2024 14:06
Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Công thương Trà Vinh và Huyện ủy Cầu Kè tham quan và tìm hiểu tình hình sản xuất tại Công ty TNHH thực phẩm An Phước (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè).
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 18/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị năm 2023”, Quyết định số 1039/QĐ-UBND, ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh “Ban hành Bộ tiêu chí huyện NTM; quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM và Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025”, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề “Xây dựng huyện Cầu Kè đạt chuẩn NTM nâng cao”.
Đồng chí Trần Phong Ba, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: để tạo được sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của Nhân dân trong huyện về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM; thông qua đó, ban chỉ đạo từ huyện đến cấp xã, có sự phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trong thực hiện kế hoạch; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các tiêu chí và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện.
Xác định XDNTM là việc làm thường xuyên, không có điểm dừng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cầu Kè đã tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao, trong đó tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong công tác tuyên truyền, thông qua vai trò của các ngành đoàn thể, cán bộ đảng viên, các vị chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... kịp thời phổ biến các nội dung tuyên truyền và thực hiện thường xuyên, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, khơi dậy phong trào chung của toàn xã hội đồng tình hưởng ứng tự giác tham gia XDNTM.
Với cách làm đó, huyện đã thực hiện đạt được những kết quả đáng ghi nhận: từ năm 2019 - 2023, huyện đã huy động các nguồn lực trong dân và vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh để đồng bộ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu NTM nâng cao. Tổng vốn huy động 3.039,63 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2019 là 1.153,71 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2024 là 1.885,92 tỷ đồng); trong đó, vốn dân đóng góp (hiến đất, hiến cây, ngày công lao động) quy ra tiền 168 tỷ đồng, chiếm 5,52%. Qua đó, triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản với tổng nguồn vốn 1.614,382 tỷ đồng: giai đoạn 2011 - 2019, thực hiện 426 công trình/745,483 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2024, thực hiện 230 công trình/906,36 tỷ đồng.
Đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân, đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa với đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa 105,08km, (đạt 100%); đường trục ấp, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa 137,69 (đạt 100%) và đường ngõ, xóm được cứng hóa không lầy lội vào mùa mưa 361,70km (đạt 91,56%). Đường trục chính nội đồng được cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm 25,91km (đạt 94,52%).
Sự hài lòng của Nhân dân về chương trình XDNTM rất cao; ai cũng hồ hởi, phấn khởi khẳng định XDNTM đã làm khởi sắc quê hương và tự hào rằng chính mình, gia đình mình đã góp một phần sức lực, của cải để làm nên thành công ấy. Sự đổi thay trong từng khu dân cư, thôn xóm… đều mang một diện mạo mới “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Nhân dân phấn khởi, hài lòng không chỉ bởi những thay đổi về diện mạo nông thôn mà còn đổi thay từ suy nghĩ, hành động và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Trẻ em vui vẻ chơi đùa ở vùng quê yên bình ở xã nông thôn mới nâng cao Hòa Ân.
Hòa thượng Thạch Thảo, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè, Sư cả chùa Kành-Đa (xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè) chia sẻ: huyện được công nhận huyện NTM nâng cao, các công trình, kết cấu hạ tầng được sự quan tâm đầu tư. Sư thấy rất vui mừng và đồng bào Phật tử cũng vậy khi đường nông thôn được nâng cấp, mở rộng; đời sống từng bước được nâng lên… và sự tham gia của đồng bào Khmer nói riêng, đều hưởng ứng tốt để chung tay cùng với Đảng, Nhà nước XDNTM.
Về đời sống của người dân, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện đạt 71,02 triệu đồng/năm. Các xã trên địa bàn huyện đều có mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 68,24 - 76,53 triệu đồng/người/năm, tăng từ 09 - 16,5 triệu đồng/năm so với năm 2020. Hộ nghèo còn 0,58%/tổng số hộ dân cư trên địa bàn; hộ cận nghèo còn 2,03% và toàn huyện có 10/10 xã có hộ nghèo đa chiều dưới 2,5%.
Ngày 20/6/2024, huyện Cầu Kè được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM nâng cao năm 2023 tại Quyết định số 547/QĐ-TTg; cùng với đó, năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển; các công trình, dự án được hoàn thành, đưa vào sử dụng; tiềm năng, lợi thế của địa phương đang phát huy đúng hướng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn ngày càng vững mạnh... là nền tảng quan trọng, mang tính quyết định trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cũng theo đồng chí Trần Phong Ba, qua các tiêu chí đạt huyện NTM nâng cao, trong đó có một số tiêu chí so với kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến năm 2024 đều đạt và vượt như: chỉ tiêu số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (10/10 xã); huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 (chỉ tiêu Nghị quyết trước năm 2025). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 là 0,58%; vượt chỉ tiêu Nghị quyết 0,32% (chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 0,9%)...
Năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của toàn huyện đạt 75,68% và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng, chỉ trên địa bàn huyện đạt 45,22% (chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến ngày 31/12/2023 có 93.709/96.997 người tham gia, đạt 96,61% (chỉ tiêu Nghị quyết đạt trên 95%).
Sản xuất nông nghiệp đang được nông dân huyện Cầu Kè từng bước cơ giới hóa và ứng dụng kỹ thuật vào thâm canh sản xuất.
Là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái; sau khi Cầu Kè được công nhận huyện NTM nâng cao, những loại hình phát triển kinh tế được huyện tập trung hướng đến: triển khai sản xuất nông nghiệp, thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa, sản xuất sạch - an toàn để phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tận dụng và phát huy lợi thế của địa phương về kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái cặp tuyến Sông Hậu tại cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân), cồn Bần Chát (xã Hòa Tân) và du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, các di tích lịch sử giàu truyền thống cách mạng đặc biệt Khu tưởng niệm Nguyễn Thị Út (Út Tịch) ở ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi; là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho người dân, đặc biệt thu hút thanh niên, học sinh thực hiện các hoạt động về nguồn.
Triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện; thành lập hợp tác xã du lịch; tiếp tục thực hiện mô hình cù lao Tân Qui không rác thải nhựa; hướng dẫn người dân đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, để trái cây trên cù lao Tân Qui có quanh năm, thu hút khách du lịch. Tăng cường quảng bá phát triển du lịch. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hợp tác xã; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã; phát triển doanh nghiệp làm nòng cốt trong liên kết chuỗi giá trị sản xuất; tăng cường vận động nhân dân ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, phát triển bền vững.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Có trên 200 người dân xã Đại An được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.Pharm, BHXH huyện Trà Cú và địa phương vận động tặng 68 thẻ BHYT cho người dân hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 60 triệu đồng.