13/04/2022 07:09
Hiện nay, Cầu Kè đã và đang có sự đầu tư lớn về phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước đáp ứng xây dựng vùng du lịch khép kín tại các điểm cù lao ven tuyến Sông Hậu. Phóng viên Báo Trà Vinh có cuộc phỏng vấn ông Trần Phong Ba, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè về phát triển du lịch của huyện.
Phóng viên: Thưa ông, qua 30 năm tái lập tỉnh, kết quả đầu tư và phát triển về hạ tầng của huyện như thế nào ?
Ông Trần Phong Ba: Cầu Kè là huyện thuần nông, kinh tế nông nghiệp là thế mạnh. Sau khi tái lập tỉnh Trà Vinh (năm 1992), kết cấu hạ tầng của huyện còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển giao thương hàng hóa. Trước thực trạng trên, huyện xác định đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những giải pháp để đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh và bền vững.
Vì vậy, huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kết hợp với nguồn lực của địa phương, nhất là sự tham gia đóng góp của người dân… đến nay, huyện đã xây dựng 428 tuyến đường giao thông, dài khoảng 642km (trong đó, 01 tuyến Quốc lộ 54 và 02 tuyến Tỉnh lộ 911 và 915) đáp ứng xe có trọng tải lớn vận chuyển, giao thương hàng hóa; ngoài ra, các tuyến đường huyện, đường trục xã, liên xã, liên ấp, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng, cầu giao thông nông thôn cũng được huyện quan tâm đầu tư xây dựng nhựa hóa, cứng hóa; đầu tư tuyến đường nhựa trục giữa ở cù lao Tân Qui và bến phà tải trọng lớn qua cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân).
Huyện đang triển khai thi công tuyến đê bao khép kín kết hợp lộ giao thông ven tuyến Sông Hậu (qua địa bàn 03 xã Ninh Thới-Hòa Tân - An Phú Tân) và những tuyến đường NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Nhìn chung, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện, phù hợp với nhu cầu phát triển chung sau 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh.
Phóng viên: Huyện Cầu Kè đã triển khai gắn kết phát triển du lịch sinh thái vườn trong thời gian qua như thế nào, thưa ông ?
Ông Trần Phong Ba: Với địa hình nằm ven Sông Hậu, được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế vườn. Xác định tiềm năng lợi thế đó, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển, mở rộng diện tích vườn cây ăn trái đến nay gần 9.000ha, sản lượng đạt trên 130.000 tấn/năm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Hiện nay, huyện đã hình thành nhiều vùng chuyên canh trồng cây ăn trái tập trung như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn xuồng cơm vàng, xoài cát chu, cam sàn... huyện còn gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đến nay, đã hình thành được các địa điểm du lịch sinh thái, trong đó nổi bật là ở 02 ấp cù lao Tân Qui; cù lao ấp An Lộc (xã Hòa Tân).
Hàng năm vào các dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Đoan Ngọ đã thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịch. Cầu Kè còn phát triển du lịch homestay ở xã Hòa Ân; kết hợp với hoạt động tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng, du lịch tâm linh: chùa Xóm Lớn, chùa Ô Mịch (xã Châu Điền); Thánh Tịnh Thanh Long Tràng Võ, Khu Tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út hay Di tích lịch sử nhà cổ Cầu Kè… cùng với 22 ngôi chùa Khmer, với lối kiến trúc cổ xưa mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer.
Về những giá trị văn hóa phi vật thể, với những lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hóa ở Cầu Kè, lễ hội “Vu Lan Thắng Hội” của cộng đồng người Hoa, diễn ra hàng năm (từ ngày 8 - 28/7 âm lịch), qua đó đã thu hút gần 20.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan lễ hội. Trong này, Minh Đức Cung, ở xã Hòa Ân được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Với những yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, tự nhiên, thuyền thống cách mạng, nét văn hóa đặc trưng riêng của bản địa, huyện Cầu Kè đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch và phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương trong tương lai.
Thả lưới bắt cá bông lau trên Sông Hậu - khu vực cù lao An Lộc
Phóng viên: Một số định hướng đầu tư trong phát triển, kết nối các địa điểm du lịch trên địa bàn huyện Cầu Kè trong thời gian tới?
Ông Trần Phong Ba: Để khơi dậy tiềm năng lợi thế du lịch của huyện, năm 2022 và những năm tiếp theo huyện Cầu Kè tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng, trước mắt là đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng tuyến đường nhựa kết hợp đê bao khép kín ven tuyến Sông Hậu, tổng chiều dài trên 17km; mở rộng Đường tỉnh 915, Đường huyện 33, đồng thời nâng cấp mở rộng đê bao kết hợp giao thông liên ấp Tân Qui 1, Tân Qui 2…
Bên cạnh đó, huyện sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức sưu tầm hiện vật để trưng bày và đưa vào hoạt động Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch trong và ngoài tỉnh khảo sát thực tế các cơ sở tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, kết hợp tổ chức “Tọa đàm kết nối và phát triển du lịch”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu về du lịch và các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh tham dự, qua đó nhằm đóng góp giúp cho huyện nhiều giải pháp quan trọng để thu hút nhà đầu tư đến kinh doanh cũng như thu hút khách du lịch đến với Cầu Kè ngày một nhiều hơn, góp phần đưa du lịch của huyện ngày càng phát triển bền vững.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Tối 25/11, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Trà Cú (Khóm 5, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú), Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Trà Cú tổ chức khai mạc “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn huyện Trà Cú”.