09/04/2022 06:03
Bà Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (bên phải) kiểm tra tình hình quốc phòng, quân sự tại ấp Phú Khánh.
Phóng viên: Xin bà cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trong thời gian qua, huyện Châu Thành đạt những kết quả gì, kinh tế - xã hội của huyện chuyển biến tích cực như thế nào?
Bà Thạch Thị Sa Thy: Huyện Châu Thành nằm bao quanh thành phố Trà Vinh, diện tích tự nhiên trên 34.900ha, dân số 151.209 người; có 13 xã và 01 thị trấn. Với vị trí tiếp giáp thành phố Trà Vinh và hầu hết các huyện trong tỉnh, có nhiều tuyến giao thông quan trọng đã tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt, giúp cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng lân cận thuận lợi, huyện có đông đồng bào Khmer (chiếm 33,67% dân số) và số ít dân tộc khác, các dân tộc luôn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, vừa giữ gìn được truyền thống văn hóa các dân tộc, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân, vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội và tích cực tham gia XDNTM.
Từ một huyện thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, năm 2011, huyện có 05 xã đặc biệt khó khăn, Đảng bộ và Nhân dân huyện Châu Thành đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng: kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn năm 2010 - 2020 đạt trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; tỷ trọng nông nghiệp gần 44%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trên 30%; tỷ trọng dịch vụ gần 26% trong tổng sản phẩm xã hội. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52,45 triệu đồng/người/năm, tăng 41,35 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 0,7%, giảm 22,55% so với năm 2011.
Ngay từ khi triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (Ban Chỉ đạo) huyện thường xuyên phát động hưởng ứng phong trào thi đua “Châu Thành chung sức xây dựng nông thôn mới”, phát huy dân chủ và vận động, tạo điều kiện để người dân cùng tham gia XDNTM. Kết quả đã huy động được tổng nguồn lực thực hiện cho cả giai đoạn 2011 - 2021 trên 2.968 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách trên 2.346 tỷ đồng, chiếm gần 79%; vốn cộng đồng dân cư và vốn khác trên 622 tỷ đồng, chiếm gần 21%. Hiện huyện có 13/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.
Phóng viên: Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Xin bà cho biết, huyện tập trung những giải pháp nào?
Bà Thạch Thị Sa Thy: Trong thời gian tới, huyện Châu Thành phấn đấu đạt các chỉ tiêu: nâng chất 13/13 xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu có 06 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó có 02 xã đạt xã NTM kiểu mẫu; huyện Châu Thành tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 230/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao, gắn quá trình XDNTM với quá trình đô thị hóa, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Để đạt kế hoạch, huyện tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra; nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo huyện, xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành các tiêu chí; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xã hội về XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Phát huy, huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân chung sức XDNTM, đô thị văn minh.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong các cụm, điểm công nghiệp đã được phê duyệt. Ưu tiên cho các dự án công nghệ cao, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động vào đầu tư sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ở khu vực cá thể hộ gia đình, các làng nghề. Tăng cường công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, hình thành phát triển một số làng nghề gắn kết sản xuất với du lịch nhà vườn, du lịch trải nghiệm. Phát triển các loại hình du lịch tâm linh và du lịch sinh thái.
Tuyến đường NTM ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh.
Bên cạnh việc chỉ đạo, thực hiện tốt những giải pháp đã đề ra, huyện tiếp tục kiến nghị, đề xuất với tỉnh kịp thời có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các xã về đích NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 để sớm hoàn thành các mục tiêu của chương trình, đồng thời hỗ trợ huyện làm tốt công tác đào tạo, tập huấn trong công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với tiêu chí và nâng cao thu nhập cho người dân.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
PHAN TUẤN (thực hiện)
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.