27/10/2023 15:03
Bà Lâm Thị Bách Thảo.
Quê ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, năm 1993, bà Lâm Thị Bách Thảo theo chồng về ấp Chợ. Khi mới ra riêng lập nghiệp, gia đình bà là hộ nghèo, vợ chồng bà đi làm thuê theo thời vụ, để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi 02 đứa con trai còn nhỏ. Lúc đó, bà là hội viên Chi hội Phụ nữ ấp. Với tính tình cởi mở, nhanh nhẹn, năm 2011, bà Lâm Thị Bách Thảo được hội viên phụ nữ ấp tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng.
Những ngày đầu làm Chi hội trưởng, bà Thảo phải đối diện nhiều thử thách, bởi đời sống của hội viên lúc bấy giờ phần lớn là nghèo khó. Lúc đó, Chi hội có 101 hội viên, số hộ nghèo, cận nghèo gần 40 hộ, trong đó, 30% chị là dân tộc Khmer, việc tiếp xúc để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần chị em phụ nữ đều là lao động nông thôn, thu nhập không ổn định, nhiều hội viên phụ nữ có nhu cầu vốn để phát triển kinh tế gia đình nhưng Chi hội không có quỹ để hỗ trợ, kinh nghiệm công tác Hội của bản thân bà khi đó chưa nhiều. Thế nhưng, được sự động viên từ chồng và bằng tâm huyết của mình, bà Thảo dần khắc phục mọi khó khăn, đưa phong trào phụ nữ và công tác Hội của ấp ngày càng đi lên.
Bà Thảo chia sẻ: khi Chi hội hoạt động đi vào nề nếp, mình rất thương hội viên. Chị em dù bận rộn việc mưu sinh, nhưng mỗi khi tôi tổ chức họp là hội viên, chị em đều tranh thủ đến dự. Những chị đi làm thuê không sắp xếp được thời gian thì tranh thủ vào buổi trưa hay tối đến nhà tôi để nghe tôi triển khai các chính sách ưu đãi hỗ trợ hội viên như: vay vốn tín dụng chính sách, tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, hỗ xây dựng nhà tình thương... Nhờ đó, nhiều năm qua, hội viên, phụ nữ trong ấp đều nắm bắt kịp thời các hoạt động, sinh hoạt Hội, được tiếp cận các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế.
Để chi hội hoạt động hiệu quả, bà Thảo cùng với các chị trong Ban Chấp hành Chi hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước do các cấp Hội phát động như: phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình... Đồng thời, tập trung củng cố chi, tổ hội, nắm hoàn cảnh gia đình từng hội viên, lập danh sách các hộ khó khăn nắm nguyên nhân nghèo để có hướng giúp đỡ.
Dần dần, các chị tham gia vào Chi hội ngày càng nhiều, Chi hội hiện có 227 hội viên. Bà vận động hội viên tham gia 03 tổ góp vốn xoay vòng, thực hành tiết kiệm 500.000 đồng/hội viên/tháng. Kết quả, có 72 hội viên phụ nữ trong ấp tham gia đóng góp với số tiền 36 triệu đồng, đã giúp cho 27 lượt chị khó khăn mượn vốn xoay vòng không tính lãi.
Cùng với đó, bà Thảo và Chi hội đã giới thiệu Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trà Cú và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển của Hội cấp trên cho 40 hộ hội viên phụ nữ nghèo được vay vốn với số tiền gần 01 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình; vận động 60 hội viên tham gia mô hình nuôi heo đất gây quỹ giúp phụ nữ nghèo vay vốn sản xuất. Với các hình thức này, các chị em bước đầu đã có thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Hội viên phụ nữ từng bước thoát nghèo hiệu quả, hiện nay, Chi hội còn 03 hội viên nghèo. Dự kiến, cuối năm 2023, Chi hội không còn hội viên nghèo.
Đơn cử như trường hợp bà Thạch Thị Thương, 55 tuổi, thuộc diện hộ nghèo của ấp. Năm 2015, bà được vận động tham gia Chi hội, được xem xét, tạo điều kiện vay vốn 20 triệu đồng để mua 02 con bò sinh sản. Vợ chồng bà Thương chí thú làm ăn, tiết kiệm chi tiêu để nâng cao cuộc sống. Hàng ngày, bà Thương đi giúp việc nhà cho hộ tiểu thương tại chợ Phước Hưng 200.000 đồng/ngày. Chồng bà Thương thuê 10 công đất để trồng lúa, vừa lấy rơm nuôi bò, vừa có lúa để nuôi thêm gà, vịt. Dần dần, gia đình bà Thương thoát nghèo, ổn định cuộc sống, hiện nay là gia đình có mức thu nhập khá của ấp.
Hay hộ bà Trần Thị Nguyên, 48 tuổi, hộ nghèo, vay vốn 20 triệu đồng để mở xưởng mộc và nuôi bò. Hiện nay, gia đình bà Nguyên vươn lên khá giả và đã hoàn trả vốn sau khi thoát nghèo.
Không chỉ là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ nhiệt huyết, bà Lâm Thị Bách Thảo còn là tấm gương trong lao động sản xuất. Từng là hộ nghèo, vợ chồng bà đã vươn lên thoát nghèo hiệu quả tuy chỉ từ 01 công đất ruộng, vợ chồng bà Thảo chăm chỉ trồng màu, nuôi bò, nuôi tôm thẻ chân trắng và đều thành công, mỗi năm thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng. 02 người con trai của bà cũng đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải.
Bà Huỳnh Thị Yến Chi, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phước Hưng cho biết: bà Thảo là Chi hội trưởng phụ nữ gương mẫu, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; luôn quan tâm đời sống hội viên, phụ nữ ở địa phương. Thường xuyên đề xuất Hội cấp trên hỗ trợ, giúp đỡ chị em làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Từ đó, nhận thức của chị em ngày càng nâng cao, phong trào phụ nữ của Chi hội ấp Chợ được nâng lên rõ rệt. Bà là tấm gương để hội viên, phụ nữ noi theo.
Từ những đóng góp trong công tác Hội và phong trào phụ nữ, bà Lâm Thị Bách Thảo được Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, UBND tỉnh tặng bằng khen, góp phần khẳng định hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đất nước “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.