30/11/2020 07:00
Điển hình như gia đình ông Thạch Vuông, ấp Nô Pộk, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang từng là hộ nghèo của ấp. Theo ông Vuông, kinh tế gia đình dựa vào sản xuất 0,5ha đất trồng lúa vẫn không khá. Để cải thiện cuộc sống gia đình, 05 năm trước, nhờ địa phương tạo điều kiện tiếp cận vốn vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện đầu tư mua máy cày vừa phục vụ sản xuất vừa cày thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ có máy cày chi phí sản xuất giảm đáng kể, tăng thu nhập. Khi tích lũy được số vốn ông mua đất thêm để canh tác đến nay đã sở hữu 02ha đất chuyên trồng lúa. Không chỉ mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, ông còn thuê thêm 0,4ha ruộng để sản xuất lúa. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng ổn định vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, ông mong được tăng vốn vay để đầu tư máy cày loại lớn hơn để tăng công suất hoạt động thuê, tăng thu nhập.
Gia đình bà Thạch Thị Tân, ấp Bào Mốt, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đầu tư nuôi bò sinh sản. Bà Tân cho biết: 07 năm trước, ngoài việc sản xuất 01 vụ lúa - 01 vụ đậu phộng hoặc bắp trên diện tích 0,3ha, lợi nhuận từ 10 - 15 triệu đồng/năm, những lúc rãnh các thành viên trong gia đình làm thuê kiếm thêm thu nhập. Thời gian này, gia đình bà được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Long Sơn tạo điều kiện tiếp cận vốn vay 10 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư vào sản xuất. Ban đầu, bà nhận thấy nuôi bò nhẹ công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Với suy nghĩ đó, tận dụng phụ phẩm rơm rạ, cây đậu, cây bắp sau thu hoạch bà dự trữ lại và khi nhận vốn vay bà mạnh dạn mua 02 con bò (bê con) về nuôi. Cùng lúc đó, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng xây dựng nhà ở. Nhờ cần cù, siêng năng lao động, 02 con bò nuôi lớn lên sinh sản, bò cái bà để nuôi sinh sản, bò đực bà nuôi thúc mau lớn để bán xoay vốn trong cuộc sống gia đình và trồng trọt.
Bà Thạch Thị Tân, ấp Bào Mốt thoát nghèo nhờ vay vốn.
Nhờ khéo léo dành dụm và chi tiêu hợp lý gia đình bà Tân đã vươn lên thoát nghèo. Ngoài bán 09 con bò để xây dựng lại nhà mới khang trang hơn, hiện bà Tân vẫn duy trì nuôi 05 con bò sinh sản, bò thịt và bê con. Theo bà Tân, so với trước đây, tuy kinh tế gia đình đã khá hơn trước nhưng vẫn còn khó khăn, tiền bán bò lúc trước đủ xây dựng nhà trước, Tết này bà bán thêm con bò để làm thêm nhà sau.
Công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Với những giải pháp thiết thực, cụ thể, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt kết quả đáng khích lệ, tạo cơ hội cho nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Để đạt được kết quả này, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: vay vốn tín dụng ưu đãi, tư vấn hướng dẫn việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo hiểm y tế, trợ cấp cho người cao tuổi, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp khó khăn, đào tạo nghề chuyển đổi ngành nghề, đối tượng bảo trợ xã hội, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền các chính sách về giảm nghèo được các ban ngành đoàn thể huyện quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức và đời sống tinh thần của người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thông vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào Khmer. Đối với con hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí và được hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Các chính sách về nhà ở, hỗ trợ giáp hạt, miễn giảm thuế, miễn giảm các khoản đóng góp khác... được triển khai tích cực.
Tuy nhiên, việc thực hiện giảm nghèo ở một số địa phương trên địa bàn huyện vẫn chưa thực sự đồng đều do công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm lao động nông thôn chưa đạt hiệu quả. Một bộ phận người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Đối với hộ khó thoát nghèo như: già yếu, bệnh tật, neo đơn, hết tuổi lao động hoặc trong một hộ nghèo có nhiều nhân khẩu mà trong đó phần lớn là người già và trẻ em, huyện thực hiện các giải pháp huy động vốn xã hội hóa để giải quyết một phần khó khăn cho các đối tượng này.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cầu Ngang, trong 10 tháng đầu năm 2020, chi nhánh, phòng giao dịch các ngân hàng trên địa bàn huy động vốn 4.452 tỷ đồng, doanh số cho vay 1.692 tỷ đồng. Các quỹ tín dụng nhân dân huy động 242 tỷ đồng, cho vay 305 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm của mình tự lực vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Sắp xếp bố trí và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, chủ yếu cán bộ giảm nghèo ở xã đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, vận động các nhà hảo tâm, người thân họ tộc để giúp đỡ và hỗ trợ hộ nghèo. Đồng thời đề nghị trên hỗ trợ chi phí ban đầu cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và người Khmer khi tham gia xuất khẩu lao động.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Tối 25/11, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Trà Cú (Khóm 5, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú), Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Trà Cú tổ chức khai mạc “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn huyện Trà Cú”.