24/05/2022 05:48
|
|
Ảnh: NX |
Phóng viên: Xin Bác sĩ cho biết, thời điểm đầu mùa mưa, trẻ em thường xảy ra những bệnh gì?
Bác sĩ Trương Văn Dũng: Hàng năm, vào thời điểm mùa hè thời tiết khu vực miền Nam thường vào mùa mưa. Hơn nữa, nùa hè, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, trong khi đó ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một số người chưa tốt, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền. Trong đó, cần lưu ý đến phòng bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Hiện nay, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ do dịch Covid-19 nên có nguy cơ bùng phát và lây lan một số dịch bệnh trong trường học.
Phóng viên: Với những bệnh thường gặp đã nêu, Bác sĩ cho biết những biện pháp nào người dân cần chủ động phòng tránh?
Bác sĩ Trương Văn Dũng: Các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng là những bệnh truyền nhiễm gây dịch chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, người dân cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nhất là cho trẻ em.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chúng ta cần thực hiện diệt muỗi và lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt. Hàng tuần, cần dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, loại bỏ các ổ nước đọng như gáo dừa, lon sữa, mảnh chai vỡ… không để muỗi sinh sản, phát triển. Tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng. Phối hợp tốt với chính quyền trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống dịch. Thực hiện ngủ mùng kể cả ban ngày. Sử dụng nhang muỗi, thuốc xịt muỗi, bôi kem chống muỗi để đề phòng muỗi đốt.
Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo một số biện pháp sau: (1) Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và vệ sinh cho trẻ. (2) Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm, tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. (3) Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. (4) Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. (5) Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. (6) Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Phóng viên: Đối với bệnh sốt xuất huyết, hiện nay ngành y tế tỉnh Trà Vinh có biện pháp gì phòng ngừa dịch bệnh, thưa Bác sĩ ?
Bác sĩ Trương Văn Dũng: Thực hiện phương châm không để dịch chồng dịch, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh ngay từ đầu năm trong đó có bệnh sốt xuất huyết.
Sở Y tế phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân trong cộng đồng. Tiến hành triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để các ổ dịch xảy ra trên địa bàn. Thực hiện phun hóa chất diệt muỗi đúng theo hướng dẫn. Khi xác định có khu vực nguy cơ cao sẽ tổ chức phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh công và tư nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc điều trị, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
Tổ chức công tác tập huấn điều trị sốt xuất huyết cho các cơ sở điều trị theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và điều trị nhằm tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Phóng viên: Trường hợp trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết, cần được xử lý thế nào để đảm bảo sức khỏe cho trẻ?
Bác sĩ Trương Văn Dũng: Bệnh sốt xuất huyết vẫn là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, cha mẹ cần theo dõi trẻ sâu sát nhằm phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Phương pháp chủ yếu sử dụng là điều trị triệu chứng như: hạ sốt, dùng thuốc giảm đau. Trong đó, hạ sốt thường được dùng để kiểm soát các triệu chứng đau nhức cơ và sốt cao là Paracetamol đơn chất, cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều Paracetamol có thể gây ngộ độc, gây viêm gan cấp.
Chú ý không được sử dụng thuốc Aspirin, Ibuprofen để hạ sốt trong bệnh sốt xuất huyết vì thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng. Đồng thời, có thể kết hợp với các phương pháp hạ sốt vật lý như chườm mát ở vị trí nách, bẹn, các nếp gấp, lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để hạ nhiệt.
Đồng thời, uống bù nước như: dung dịch Oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, nước cam, nước chanh...) hoặc nước cháo loãng pha với muối. Nếu trẻ nôn ói, tùy vào tình trạng của trẻ bác sĩ sẽ có chỉ định truyền dịch cho trẻ. Ngoài ra, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cần hợp lý, cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng dạng lỏng như cháo, súp. Tránh các thức ăn, nước uống có màu đỏ sẫm như huyết (heo, bò, gà…), củ dền, xá xị, socola… nhằm hạn chế gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bác sĩ.
NGỌC XOÀN (thực hiện)
Ngày 26/4, tại chùa Sră Nẹt (tọa lạc tại Khóm 8, Phường 8, thành phố Trà Vinh), Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh phối hợp tổ chức lễ ra mắt mô hình “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.