02/04/2023 13:20
Khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Sản - Nhi Trà Vinh.
Hiện nay, tuy chưa vào mùa mưa nhưng tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước nói chung, tại tỉnh Trà Vinh nói riêng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022 và có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống SXH và chuẩn bị tốt công tác dự phòng, điều trị SXH được ngành y tế đặc biệt quan tâm.
Theo Bác sĩ Trương Văn Dũng, Quyền Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật: việc tăng cường phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là dịch SXH luôn được ngành y tế đặc biệt quan tâm ngay từ đầu năm. Trong đó, ngành phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường truyền thông phòng, chống SXH trong cộng đồng. Triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH xảy ra trên địa bàn, thực hiện phun hóa chất diệt muỗi đúng theo hướng dẫn.
Đặc biệt, đầu năm 2023, số ca SXH có dấu hiệu tăng so với cùng kỳ các năm trước, đến nay toàn tỉnh có 217 ca bệnh, tăng gần 07 lần so cùng kỳ năm 2022. Có 76 ổ dịch SXH trong khi chưa đến mùa mưa, vì vậy, việc giám sát, phòng bệnh càng được đẩy mạnh. Khi xác định có khu vực nguy cơ cao sẽ tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động để phòng, chống SXH, khuyến cáo người dân quan tâm phòng bệnh SXH cho trẻ nhỏ, hạn chế ca bệnh xảy ra.
Xác định bệnh SXH tập trung nhiều ở trẻ em, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bệnh viện Sản - Nhi Trà Vinh đã chủ động chuẩn bị cơ sở thuốc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, tăng cường các hoạt động điều trị SXH, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ tử vong do SXH.
Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Minh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: tuy chưa bắt đầu mùa mưa nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp, cộng thêm ý thức chủ quan của người dân, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 122 ca nhập viện do SXH, trong đó, 08 ca SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, ca 10 ca diễn biến nặng. So với cùng kỳ năm 2022, số ca SXH Dengue năm nay tăng gấp 05 lần. Tuy tăng nhiều về số ca nhập viện nhưng do nhiều năm kinh nghiệm trong công tác điều trị và chủ động trong việc chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư y tế nên việc điều trị được thực hiện kịp thời và hầu hết các ca bệnh đều đã xuất viện sau khi được điều trị đúng phác đồ.
Được biết, năm 2022, Bệnh viện Sản - Nhi tiếp nhận và điều trị 884 ca SXH, trong đó, 746 ca SXH Dengue, 96 ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo, 42 ca diễn biến nặng.
Tiến sĩ Bác sĩ Lê Minh Dũng cho biết thêm: với chức năng bệnh viện chuyên khoa, ban giám đốc bệnh việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tay nghề đội ngũ y bác sĩ nhằm thực hiện tốt công tác khám, điều trị. Hiện bệnh viện có trên 20 bác sĩ chuyên khoa nhi, được đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề nên cơ bản đáp ứng tốt công tác điều trị cho bệnh nhi trong tỉnh. 05 năm gần đây, công tác điều trị SXH trẻ em được bệnh viện thực hiện tốt, tỷ lệ tử vong do SXH rất thấp, nhất là từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi Trà Vinh không để xảy ra trường hợp tử vong do SXH. Có được kết quả trên, ngoài đội ngũ y bác sĩ có tay nghề, năng lực điều trị SXH, Bệnh viện Sản - Nhi còn phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Nhi đồng 1, thông qua hệ thống chẩn đoán từ xa (Telemedicine), khi có ca bệnh diễn biến nặng, bệnh viện sẽ kết nối ngay với bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm của Bệnh viện Nhi đồng 1 và được hướng dẫn điều trị phù hợp, hạn chế thấp nhất tử vong.
Chị Nguyễn Thị Cương, ngụ xã Bình Phú, huyện Càng Long chăm bé Phạm Thị Ngọc Anh (09 tuổi) điều trị SXH tại Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: thấy con sốt liên tục 03 ngày nên đưa đến bệnh viện khám và được bác sĩ xác định mắc SXH, sau vài ngày điều trị, cháu đã hết sốt, sức khỏe ổn định. Về nhà, tôi cẩn thận hơn trong thực hiện vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng và tuyên truyền đến nhiều người xung quanh thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không để xảy ra bệnh SXH.
Đối với bệnh SXH Dengue nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng theo phác đồ sẽ hạn chế tối đa tử vong. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bệnh viện Sản - Nhi, số ca SXH nhập viên từ đầu năm 2023 đến nay diễn biến nặng tăng khoảng 06 lần so cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân tăng số ca bệnh diễn biến nặng có thể do “tuýp” bệnh, một phần do chủ quan trong công tác phòng bệnh vì nghĩ thời điểm này ít khả năng xảy ra SXH nên khi trẻ sốt chỉ nghĩ là sốt thông thường. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần nâng cao tinh thần cảnh giác, khi trẻ có hiện tượng sốt nên đến cơ sở y tế gần nhất theo dõi, tránh để kéo dài nhiều ngày và tự mua thuốc hạ sốt cho con uống sẽ rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ, nên được theo dõi, điều trị ở bệnh viện chuyên khoa.
Thuốc, vật tư y tế được Bệnh viện Sản - Nhi chủ động trang bị đáp ứng yêu cầu điều trị. Tuy nhiên, dự báo năm nay bệnh SXH khả năng tăng nhiều nên sắp tới bệnh viện sẽ tranh thủ thực hiện các giải pháp, trang bị thuốc, vật tư, dịch truyền theo danh mục để phục vụ điều trị SXH. Đồng thời, tạo điều kiện cho y, bác sĩ tham gia các lớp tập huấn chuyên môn nhằm nâng cao khả năng khám và điều trị, chủ động trong điều trị bệnh liên cầu lợn, tay chân miệng và các loại bệnh khác, hạn chế nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Đồng thời, phối hợp với ngành liên quan và bệnh viện tuyến dưới thực hiện điều trị kịp thời nếu xảy ra dịch bệnh.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.