19/06/2020 07:21
Được xem bài biên khảo lịch sử Báo Trà Vinh đăng trên Báo Trà Vinh, đồng chí Bùi Quang Huy, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Thư ký, Chủ tịch Danh dự Hội Nhà báo tỉnh Trà Vinh trò chuyện với phóng viên. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên: Trước hết, chúng cháu xin nói lời cảm ơn chú Bùi Quang Huy đã nhận lời trò chuyện với chúng cháu - những phóng viên trẻ của Báo Trà Vinh nhân dịp 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020).
Thưa chú! Năm nay, giới báo chí cả nước kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, cũng là lúc Báo Trà Vinh, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Trà Vinh tròn 60 năm kể từ ngày cơ quan báo chí tỉnh nhà được thành lập (1960 – 2020). Nhân dịp này, Báo Trà Vinh vừa cho đăng loạt bài của tác giả Trần Điền, biên khảo tư liệu lịch sử quá trình 60 năm hình thành và phát triển của Báo Trà Vinh. Là người đã có thời gian rất dài tham gia công tác lãnh đạo và trực tiếp hoạt động báo chí ở tỉnh nhà, Chú có cảm tưởng gì về qua trình 60 năm hình thành và phát triển của Báo Trà Vinh qua loạt bài biên khảo tư liệu lịch sử vừa đăng trên Báo Trà Vinh?
Đồng chí Bùi Quang Huy
Tôi rất hoan nghênh các đồng chí lãnh đạo Báo Trà Vinh, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh cũng như các đồng chí phóng viên đã có sáng kiến hay, tổ chức buổi trò chuyện có ý nghĩa hôm nay về chủ đề lịch sử hình thành và phát triển của báo chí tỉnh nhà. Cuộc trò chuyện còn có ý nghĩa hơn vì nó được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam - 21/6.
Không phải đến bây giờ mới biết, mà trong cuộc đời hơn 60 năm làm cách mạng, công việc của tôi luôn gắn bó với công tác Tuyên huấn và hoạt động báo chí tỉnh nhà. Năm 1964, tôi được điều động về công tác tại Ban Tuyên huấn tỉnh, cơ quan lúc này còn đóng tại căn cứ rừng Long Vĩnh, huyện Duyên Hải.
Qua loạt bài biên khảo đã đăng giới thiệu về 60 năm hình thành và phát triển của Báo Trà Vinh vừa rồi cho chúng ta thấy, Tỉnh ủy Trà Vinh đã xem công tác báo chí và các hình thức thông tin, tuyên truyền khác là loại vũ khí sắc bén, vận động, tập hợp và tổ chức các tầng lớp Nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cụ thể, để chuẩn bị phát động phong trào Nhân dân nổi dậy làm cuộc Đồng khởi, giải phóng miền Nam theo tinh thần Nghị quyết số 15, tháng 01/1959 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo Tỉnh Đội Trà Vinh thành lập đơn vị vũ trang của tỉnh ra đời vào ngày 15/4/1959 tại rừng Long Vĩnh. Cùng lúc đó, Tỉnh ủy Trà Vinh cũng chỉ đạo các huyện, thị, ban, ngành, đoàn thể chuẩn bị mọi mặt, đồng loạt nổi dậy lật đổ chế độ Mỹ - Diệm, trong đó có nhiều hình thức tuyên truyền, như truyền đơn, áp phích do các đồng chí được phân công phụ trách công tác Tuyên huấn chuẩn bị.
Như các đồng chí đã thấy, tờ truyền đơn mà đồng chí Trần Điền sưu tầm được trong hồ sơ lưu trữ của địch, chúng tôi coi đó là ấn phẩm đầu tiên của báo chí Trà Vinh ra đời tại rừng Long Vĩnh vào tháng 7/1960 được cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân phấn khởi công nhận. Các ấn phẩm báo chí đầu tiên ấy đã cùng với lực lượng vũ trang non trẻ của tỉnh Trà Vinh, đồng hành làm cuộc vũ trang tuyên truyền, cùng với lực lượng cán bộ nằm vùng trong tỉnh, kêu gọi Nhân dân Việt - Khmer đứng lên làm cuộc Đồng khởi ngày 14/9/1960 giành thắng lợi vô cùng có ý nghĩa trên địa bàn tỉnh. Rõ ràng, khi bước vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 15/1959 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Trà Vinh đã đánh giá vai trò của công tác báo chí, tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng và sắc bén, còn kẻ thù của cách mạng ở tỉnh Trà Vinh lúc bấy giờ thì vô cùng nao núng và lo sợ. Sau thắng lợi Đồng khởi năm 1960, cùng với sự phát triển của báo chí, Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ đạo Ban Tuyên huấn tỉnh thành lập Tiểu ban Văn nghệ, cho ra đời tập san văn nghệ “Lửa Hồng”, thành lập Đoàn Văn công Ánh Hồng, góp phần rất lớn trong việc cổ vũ phong trào cách mạng trong tỉnh.
Phóng viên: Cho đến nay, xã hội vẫn đề cao người làm công tác báo chí như chúng cháu bây giờ là chiến sĩ xung kích trên mặt chính trị, tư tưởng của Đảng. Có điều, chúng cháu vẫn chưa hình dung được những ngày đầu mới thành lập cách đây 60 năm, các bác, các cô chú làm công tác báo chí thời đó được đào tạo như thế nào mà những ấn phẩm báo chí của các bác, các cô chú, thời sơ khai ấy, chúng cháu vừa có dịp xem trên báo Trà Vinh mấy ngày qua, nó lại sắc bén đến vậy, thưa Chú?
Đồng chí Bùi Quang Huy
Quan tâm đặt câu hỏi này là các đồng chí có ý cầu tiến. Thế hệ các đồng chí làm báo ở trong tỉnh mình hiện nay được đào tạo chính quy về chuyên môn, nghiệp vụ, được sử dụng phương tiện kỹ thuật làm báo tiên tiến, được hoạt động báo chí trong một môi trường xã hội hiện đại. Còn các đồng chí tiên phong trong sự nghiệp báo chí tỉnh nhà cách đây 60 năm có trình độ văn hóa cũng như chuyên môn, nghiệp vụ không nhiều, chỉ có một số đồng chí như đồng chí Năm Lang, đồng chí Minh Thuyết, đồng chí Thanh Vân, đồng chí Tư Hậu, đồng chí Xuân Thủy, đồng chí Sao Vàng là học sinh, thoát ly gia đình ra căn cứ tham gia kháng chiến được Đảng phân công làm công tác báo chí còn lại đều rất ít chữ nghĩa. Các đồng chí làm báo thời bấy giờ bằng quyết tâm giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà được Đảng nung nấu trong ý chí của mỗi con người, qua công tác, các đồng chí vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nâng dần trình độ nghiệp vụ, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20/12/1960), rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập (tháng 6/1969), Ban Tuyên huấn miền Tây Nam Bộ, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, mới có mở những lớp đào tạo cán bộ báo chí, các đồng chí mới có dịp đi học trong điều kiện chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn vô cùng, mỗi khóa học, thời gian cả đi và về có khi tốn cả năm trời, nhưng số người được đi học cũng không nhiều. Các đồng chí được làm báo trong điều kiện đất nước ta đang trên đường hội nhập quốc tế như hiện nay là điều tốt và hạnh phúc lắm rồi. Nhưng, như các đồng chí đã biết, hoạt động báo chí là một công tác khoa học, đối tượng của báo chí là con người, nên các đồng chí cần phải phấn đấu nhiều hơn, làm tốt hơn nữa công tác của mình để xứng đáng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng.
Phóng viên: Thưa chú! Trong điều kiện vô cùng khó khăn thời chiến tranh, báo chí Trà Vinh được in ấn và phát hành như thế nào?
Đồng chí Bùi Quang Huy
Trong chiến tranh, vật tư phục vụ in ấn báo chí ở Trà Vinh như máy in, chữ chì, giấy, mực in báo đều phải mua từ vùng giặc kiểm soát đem về căn cứ, rất nguy hiểm, Bộ phận tiếp liệu của Ban Tuyên huấn tỉnh và các đồng chí ở Nhà in Anh Dũng đã cùng với sự giúp đỡ của Nhân dân các vùng cơ quan Tuyên huấn tỉnh đóng quân đã không ngại bị địch bắt bớ, tù đày, đã làm rất tốt việc này. Công tác phát hành báo Anh-dũng Trà Vinh trong kháng chiến đều do Ban Giao bưu vận tỉnh đảm trách, các đồng chí giao liên phải mang, vác, đi bộ cả ngày lẫn đêm, băng qua sông, rạch, bưng biền, qua cả vùng giặc chiếm đóng để đưa báo in Anh-dũng Trà Vinh đến người đọc khắp các chiến trường trong tỉnh, báo còn linh hoạt ngụy trang dưới maket báo công khai ở Sài Gòn để bạn đọc lưu hành trong vùng giặc chiếm đóng, như các đồng chí đã xem trong bài biên khảo.
Và một điều đáng tự hào nữa là, tuy trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nhưng do tỉnh Trà Vinh của chúng ta là tỉnh có đông đồng bào Khmer, nên Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo thực hiện song song với tờ báo chữ Việt là tờ báo chữ Khmer, cũng phát hành rộng khắp như tờ báo chữ Việt.
Từ ngày miền Nam giải phóng 30/4/1975 đến nay, trong môi trường hoạt động mới, báo chí Trà Vinh nói chung, trong đó có Báo Trà Vinh đã không ngừng phát triển, hoàn thành tốt chức năng là cơ quan tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh Đảng bộ, như các đồng chí đã xem qua bài biên khảo đăng trên báo.
Với tư cách là người vừa là đồng chí, vừa là đồng nghiệp, với kinh nghiệm bản thân, tôi thấy hoạt động báo chí không có tuổi nghỉ hưu, miễn mình còn yêu nghề, còn đủ sức khỏe, còn quan tâm đến vấn đề thời sự của đất nước, còn xác định được viết báo để phục vụ cho ai, viết để làm gì, là mình còn tham gia hoạt động báo chí. Nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, tôi chúc các đồng chí làm công tác báo chí tỉnh nhà có nhiều thành tựu hơn trong thời kỳ báo chí hội nhập, chúc mừng Báo Trà Vinh tròn 60 năm.
Phóng viên: Xin cảm ơn chú Bùi Quang Huy đã dành cho chúng cháu buổi trao đổi bổ ích nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay
Nhóm phóng viên Báo Trà Vinh (thực hiện)
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.