05/11/2024 07:54
Đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cùng các nghệ sĩ trên đêm nhạc Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu, trọn đời nghiệp cầm ca.
Chương trình do Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện, nhằm giới thiệu chân dung cố Nghệ sĩ Nhân dân - Soạn giả Viễn Châu nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1924 - 2024).
Đêm nhạc có sự góp mặt của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lệ Thủy, NSND Minh Vương, NSND Thanh Nam, NSND Thoại Miêu, NSND Trọng Phúc, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Kim Tử Long, NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Cẩm Tiên, NSƯT Vân Khánh, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lam Tuyền, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Thu Vân, NS Điền Trung, NS Hà Như, NS Nhã Thy,…
Ông Hoàng Thanh, con trai NSND, soạn giả Viễn Châu.
"Ba tôi hài hước lắm, trong đầu ba lúc nào cũng chuẩn bị nói một cái gì đó khiến cho người khác cười. Tôi thích ở ba sự dí dỏm, ba tôi nhìn vào cái vui của một sự việc để pha trò mang niềm vui cho người khác" - ông Hoàng Thanh chia sẻ.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh nhận định chương trình "NSND Viễn Châu, trọn đời nghiệp cầm ca" góp phần tôn vinh một nghệ sĩ mà cuộc đời ông đã dành trọn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương, cho công cuộc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa nghệ thuật đặc trưng của Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
"Với những cống hiến của NSND Viễn Châu cho nền nghệ thuật truyền thống nước nhà, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng, huân chương cao quý. Và những giá trị ông để lại cho đời sẽ được chúng ta tiếp nối và gìn giữ, phát huy.
Công chúng mê vọng cổ yêu mến NSND Viễn Châu nên phong tặng ông nhiều danh xưng thân thương như "Ông vua vọng cổ, "Danh cầm"...và tác phẩm của ông vì thế đã có sức sống rất lâu bền trong lòng khán giả. Các tác phẩm ấy không chỉ được trình diễn trang trọng ở các sân khấu lớn mà cả trong những sinh hoạt văn nghệ dân dã; những câu ca vọng cổ, trích đoạn cải lương kinh điển do ông sáng tác vẫn được người dân các lứa tuổi ngân nga, như một cách góp phần dưỡng nuôi kho tàng nghệ thuật giá trị và giữ gìn tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống nhân dân" - ông Thuận cho hay.
NSND Thoại Miêu, NSUT Quỳnh Hương, Lam Tuyền thể hiện bài ca Người mẹ miền Nam.
Theo đó, tại chương trình đại biểu là lãnh đạo 02 địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và Trà Vinh cùng các văn nghệ sĩ, gia đình cố Nghệ sĩ nhân dân - Soạn giả Viễn Châu… được thưởng thức nhiều bài ca cổ, trích đoạn cải lương vang bóng một thời do cố Nghệ sĩ nhân dân - Soạn giả Viễn Châu sáng tác. Trong đó, có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: bài ca cổ “Tình anh bán chiếu”, “Lá trầu xanh”, tân cổ “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”, nhạc cảnh “Chuyện tình Hàn Mạc Tử” và bài ca cổ “Giây phút ngậm ngùi”…
NSUT Kim Tử Long trong vở Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà.
NSND Trọng Phúc (thứ 2 từ phải sang) cùng các nghệ sĩ thể hiện Bài ca đất phương Nam.
NSND Thanh Nam, Mỹ Hằng thể hiện vọng cổ hài ông Trượng Tiên Bửu.
NSND Minh Vương thể hiện bài ca cổ Giây phút ngậm ngùi.
NSND Trọng Hữu và NSND Lệ Thuỷ trong nhạc cảnh "Chuyện tình Hàn Mặc Tử".
Bên cạnh, tại chương trình đại biểu còn được theo dõi phóng sự tài liệu “Nghệ sĩ nhân dân - Soạn giả Viễn Châu, trăm năm tiếng đờn lời ca”. Nội dung phóng sự nêu bật những sáng tác của ông đã đáp ứng được cả 02 nhu cầu về thưởng thức tân nhạc và cổ nhạc trong cùng một bài tân cổ giao duyên.
NSND, soạn giả Viễn Châu (1924 - 2016) tên thật Huỳnh Trí Bá là con thứ sáu của một gia đình vọng tộc giàu có ở Trà Vinh nhưng lại ham mê đàn ca tài tử. Trong suốt hành trình phát triển 200 năm của đờn ca tài tử, hơn 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, NSND, soạn giả Viễn Châu được xem là "cổ thụ của nghiệp đờn ca". Giới chuyên môn ghi nhận NSND, soạn giả Viễn Châu có đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển bản vọng cổ, đó là ông là một trong những người khởi xướng và thành công với thể loại "Tân cổ giao duyên". Hoạ sĩ Lê Sa Long tặng bức tranh vẽ cố soạn giả Viễn Châu cho tỉnh Trà Vinh.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, NSND, soạn giả Viễn Châu có nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng rất tiêu biểu. Ông còn hướng ngòi bút của mình đến chữ tình, nhưng ở đó, không chỉ có tình yêu đôi lứa biển hẹn non thề, mà còn là cái tình đối với quê hương trên mọi miền đất nước. Ngoài ra, ông cũng là người có công lớn trong việc biến đổi bài bản vọng cổ truyền thống mang âm hưởng buồn của điệu oán trở thành bản vọng cổ hài hước, mang lại tiếng cười, sự lạc quan, đáp ứng cho nhu cầu trong đời sống hàng ngày… Soạn giả Viễn Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1988, và năm 2012 ông được phong tặng NSND. Năm 2014, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho những đóng góp xuất sắc đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
|
Tin, ảnh: VĂN HÀ - THUẬN VĂN
Có trên 200 người dân xã Đại An được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.Pharm, BHXH huyện Trà Cú và địa phương vận động tặng 68 thẻ BHYT cho người dân hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 60 triệu đồng.