16/08/2024 08:51
Tiết mục hát múa “Rừng trong thành phố” của đơn vị Trà Vinh.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong lời dẫn của người giới thiệu chương trình đã gây xuyến xao cho nhiều người: “Chẳng biết tự bao giờ, mà nơi đây được gọi là “đất chín rồng”. Bởi nó có chín nhánh sông cùng đổ ra biển cả; nơi có 04 dân tộc cùng sinh sống hòa thuận trên miền đất đầy hào sảng và chan chứa nghĩa tình. Cũng tại nơi đây, người dân đã cùng chung tay đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm, cùng chung nhau giọng nói, điệu hò, chung nhịp điệu chống chèo, nhịp điệu ra khơi kéo lưới, cùng chung nhau thanh âm ngũ cung và những bản đờn ca chan chứa nghĩa tình của miền đất phương Nam trù phú.
Cùng với nhịp sống hiện đại, đồng bằng sông Cửu Long đang vươn lên mãnh liệt, nông thôn mới - sức sống mới, các khu công nghiệp lớn mạnh từng ngày, dịch vụ du lịch càng thêm phát triển, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khẳng định vị trí vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước…”.
Theo đó, tại ngày hội mang chủ đề “Hội tụ đất chín rồng”, người xem như được tận mắt nhìn ngắm một đồng bằng sông Cửu Long thu nhỏ thông qua những bài ca, điệu múa và những bài biểu diễn nhạc cụ. Trong đó, mở đầu ngày hội, đơn vị đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh An Giang đã giới thiệu với người xem những nét độc đáo của vùng đất đồng bằng vừa có núi, vừa có ruộng vườn, sông nước cùng những đặc thù của vùng đất tâm linh với “Huyền tích Vạn Linh” và lễ hội vía bà Chúa Xứ Núi Sam…
Tiếp theo đó, là đơn vị Trà Vinh mang đến hội diễn với 05 tiết mục có chủ đề “Nơi cuối dòng Cửu Long”. Thật ấn tượng với những tiết mục được trình bày là một chuỗi gắn kết đã tạo nên chương trình nghệ thuật hay và giàu tính nghệ thuật. Qua đó, đã giới thiệu được với người xem một Trà Vinh, nơi cuối dòng Cửu Long, nằm nép mình bên dòng Cổ Chiên hiền hòa mát lành mênh mông phóng khoáng. Nơi có những dòng phù sa quanh năm bồi đắp cho hạt nếp thơm lừng hương cốm những mùa trăng. Nơi có một thành phố cây xanh đậm nét kêu sa, tạo sắc xanh vươn dài ra biển cả để thuyền về chở nặng cá tôm, cho một Trà Vinh không ngừng phát triển, không ngừng đi lên.
Đặc biệt, qua các tiết mục như: đơn ca “Khát vọng một Trà Vinh”, múa “Bến Đáy”, tốp ca nam “Vươn khơi” hay tiết mục hát múa “Rừng trong thành phố”… đã khắc họa nên một bức tranh của địa phương có “rừng trong phố”, nơi ao Bà Om lung linh, huyền dịu, có Đền thờ Bác Hồ uy nghiêm sừng sững; nơi có triền cát trải dài bên hàng dương rì rào điện gió, nằm cuối dòng Cửu Long.
Trong khi đó, đến từ vùng đất cực Nam của Tổ quốc, đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau mang đến hội diễn những lời ca, điệu múa có chủ đề “Đất Mũi hòa nhịp đất chín rồng”.
Tại chương trình này, người chỉ đạo nghệ thuật, đồng chí Dương Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau đã giới thiệu một quê hương Cà Mau với đầy ấp những sản vật như tôm, cua và màu xanh của rừng… qua các tiết mục múa độc lập “Giữ mãi màu xanh”, tốp ca nam Tình yêu “Càng bé càng to” hay đơn ca “Gặp nhau nơi cuối con đường”.
Tiết mục giới thiệu nghề làm muối của đơn vị tỉnh Bạc Liêu tại hội diễn.
Với chủ đề “Trăm năm vị ngọt phù sa”, đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Bạc Liêu cũng có 05 tiết mục khá độc đáo. Trong đó, điểm nhấn trong chương trình nghệ thuật đến tư “quê hương công tử” là những bài ca, điệu múa ca ngợi nghề làm muối, một di sản văn hóa vật thể quốc gia. Qua các tiết mục như: “Trăm năm vị ngọt phù sa”, “Muối ngọt tình quê” hay “Đồng trắng”, người xem đã cảm nhận được nghề làm muối ở Bạc Liêu có truyền thống hàng trăm năm. Để làm ra được những hạt muối tưởng chừng như đơn giản, song đó lại là cả một quá trình kỳ công, nhọc nhằn với mồ hôi lẫn nước mắt của những diêm dân.
Không dừng lại ở việc giới thiệu hình ảnh của quê hương mình, đơn vị tỉnh Tiền Giang còn phá cách trình bày nhiều tiết mục có chủ đề về môi trường “Vì một hành tinh xanh”. Đan xen trong từng tiết mục ca, múa của tập thể diễn viên, ca sĩ và nhạc công đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Tiền Giang trình bày đã cảnh báo đến người xem một “Hành tinh xanh” đang cần được bảo vệ, một khát vọng của con người để vươn tới một cuộc sống xanh. Với cách bố trí ánh sáng đầy nghệ thuật và từng động tác múa mềm dẻo của các vũ công trong tiết mục “En nino - La nina” hay bài song ca “Rừng khóc” thật sự là những hồi chuông cảnh tỉnh con người phải biết yêu quý thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông” lần thứ XIX tại Trà Vinh không dừng lại là sự kiện văn hóa cấp khu vực, chào mừng các ngày lễ kỷ niệm của đất nước trong năm 2024. Hội diễn được tổ chức nhằm góp phần lan tỏa sự ghi nhận của UNESCO đối với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời giới thiệu những nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật đặc sắc gắn với đời sống, lao động sản xuất của Nhân dân các dân tộc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.
Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công… được giao lưu, học hỏi, phát triển chuyên môn trong công tác biên tập, dàn dựng và biểu diễn nghệ thuật. Qua đó, góp phần định hướng cho hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc của khu vực - đồng chí Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh cho biết.
Bài, ảnh: BÁ THI
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.