02/06/2021 18:00
Ông Cao Văn Năng (người đứng mang kiếng) trong một buổi làm việc của Liên hiệp Nghiệp đoàn tỉnh Vĩnh Bình (Ảnh do người nhà cung cấp).
Chính phong trào này đã tạo dựng nên những tên tuổi (mà cũng chính những tên tuổi này đã góp phần quan trọng tạo dựng nên phong trào) như Thanh Bình, Minh Tâm trong giới học sinh; bà Tạ Thị Bạch Lan, Lâm Thị Ba, Bùi Thị Mè trong giới phụ nữ; thầy Truy Phong, Nguyễn Văn Tố trong giới giáo chức; Maha Thạch Sabut, sư Sơn Sara trong đồng bào và sư sãi Khmer… Trong những nhân vật ấy, người có thời gian hoạt động liên tục gần 17 năm (1956 - 1973) ở vị trí thủ lãnh phong trào thợ thuyền, người lao động thị xã là ông Cao Văn Năng- Chủ tịch Liên hiệp Nghiệp đoàn tỉnh Vĩnh Bình (tên gọi tỉnh Trà Vinh lúc ấy).
Vào thời điểm cuối năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm gấp rút xây dựng các tổ chức chính trị phản động làm chỗ dựa cho chế độ như Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ liên đới, rồi tổ chức Liên hiệp Nghiệp đoàn. Tại tỉnh lỵ Trà Vinh, do có chuẩn bị trước, Bí thư Chi bộ nội ô Nguyễn Văn Cúc (Năm Cúc) trực tiếp vận động một số cán bộ, đảng viên hoặc cơ sở cốt cán cài cắm vào các tổ chức này. Đầu năm 1956, ông Cao Văn Năng (tên thật Phạm Văn Thinh, sinh năm 1913, nguyên cán bộ Công vận huyện Châu Thành thời kháng chiến chống Pháp) đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Liên hiệp Nghiệp đoàn tỉnh, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ nội ô, sau này là Thị xã ủy Trà Vinh.
Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy thông qua Chi bộ nội ô, ông Cao Văn Năng cùng các thành viên Ban Chấp hành Liên hiệp Nghiệp đoàn tỉnh tiến hành xây dựng tổ chức Nghiệp đoàn cấp quận và Nghiệp đoàn các ngành nghề, mà hầu hết đều do cán bộ, đảng viên và cơ sở nòng cốt nắm giữ như Nghiệp đoàn Giáo chức, Nghiệp đoàn Nông dân, Nghiệp đoàn Chài lưới, Nghiệp đoàn Mua gánh bán bưng, Nghiệp đoàn Xe lôi, Nghiệp đoàn Thợ may… Mỗi Nghiệp đoàn ngành nghề đều tổ chức hệ thống cơ sở nòng cốt, cơ sở cảm tình để nắm quần chúng trong giới. Nhờ vậy, Liên hiệp Nghiệp đoàn tỉnh Vĩnh Bình, dưới sự lãnh đạo của thủ lãnh Cao Văn Năng, trở thành tổ chức hợp pháp tập hợp lực lượng, tổ chức đấu tranh chính trị của Thị ủy và Tỉnh ủy Trà Vinh. Nổi bật là những cuộc đấu tranh ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng quần chúng nhân dân thị xã:
Cuộc đấu tranh bãi thị của giới mua gánh bán bưng diễn ra vào tháng 01/1957 tại chợ Trà Vinh. Cuộc đấu tranh xuất phát từ việc đã giáp tết Nguyên đán mà chính quyền tỉnh cho phép cánh thầu Chà Và góp chợ xáo trộn chỗ bán, làm ảnh hưởng đến thu nhập hàng ngày của chị em, Liên hiệp Nghiệp đoàn quyết định tổ chức cuộc biểu tình bảo vệ quyền lợi người lao động. Ban đầu, chỉ vài chị em bán cá đấu tranh nhưng ngay sau đó, được sự vận động của Nghiệp đoàn Mua gánh bán bưng, cả giới mua bán hàng bông, rồi mua bán vải, chạp phô cũng tham gia bãi thị. Nghiệp đoàn Xe lôi cũng vận động anh em tham gia đấu tranh với lý do bạn hàng không mua bán được thì anh em xe lôi cũng mất mối. Khối học sinh trong các nhà trường cũng tham gia đấu tranh bãi khóa vì cha mẹ, gia đình không làm ăn được, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Cả thị xã Trà Vinh xuống đường đấu tranh trực diện với địch.
Tháng 5/1961, hơn 50 công nhân nhà máy xay xát Thới Hòa nổi lên đấu tranh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Nghiệp đoàn Bốc vác. Ban đầu, anh em đấu tranh đòi tăng lương, chống sa thải công nhân vô cớ. Nhưng sau đó, khi cánh chủ dựa thế chính quyền, đưa cảnh sát đến đàn áp, anh em công nhân kiên quyết chiếm giữ kho lúa trong suốt hai tháng trời, phản đối chính quyền độc tài đàn áp người lao động. Bên ngoài, Chủ tịch Liên hiệp Nghiệp đoàn tỉnh Cao Văn Năng, huy động hàng trăm quần chúng thuộc các Nghiệp đoàn Xe lôi, Bốc vác… kéo đến hỗ trợ. Song song đó, Nghiệp đoàn Mua gánh bán bưng vận động chị em bạn hàng chợ Trà Vinh bãi khóa, kéo đến hỗ trợ cuộc đấu tranh. Cuối cùng, cánh chủ phải xuống nước, chấp nhận các yêu sách.
Được công nhân Thới Hòa tiếp lửa, công nhân lò bánh mì, xưởng cưa, công nhân các hãng xe đò cũng liên tục đấu tranh, đòi cải thiện đời sống.
Năm 1964, cảnh sát bắt quả tang học sinh Đỗ Điền Phong, với hai quả thủ pháo trong người, chuẩn bị cho một trận đánh. Giới học sinh các trường trung học nội ô tỉnh lỵ sôi sục đấu tranh đòi chính quyền trả tự do cho Đỗ Điền Phong. Thị xã ủy chỉ đạo Liên hiệp Nghiệp đoàn cùng các Nghiệp đoàn Mua gánh bán bưng, Bốc vác, Xe lôi … sẵn sàng xuống đường, ủng hộ cuộc đấu tranh của học sinh, tạo thành cuộc tổng biểu dương lực lượng, đối mặt với kẻ thù.
Đúng 07 giờ ngày 10/9/1964, gần 50 học sinh Phật tử cùng đông đảo học sinh các trường trung học mang nhiều biểu ngữ đến biểu tình ngồi tại đầu chợ Trà Vinh, nơi luôn tấp nập người xe qua lại. Lực lượng học sinh dùng loa giấy yêu cầu chính quyền không được chụp mũ, vu khống và đàn áp học sinh, đòi thả Đỗ Điền Phong… và tuyên bố tuyệt thực vô thời hạn.
Một đại đội cảnh sát cùng hai đại đội cảnh sát dã chiến trang bị dùi cui, ba trắc, lựu đạn cay, vòi rồng đến giải tán cuộc biểu tình. Song, lực lượng học sinh vẫn giữ vững đội ngũ, kiên quyết ngồi yên dưới mưa dùi cui, ba trắc và hơi cay. Bên ngoài, hơn 2.000 học sinh từ khắp các trường trung học đổ về la ó phản đối đàn áp học sinh tay không.
Tin học sinh tay không bị đàn áp đến ngất xỉu lan nhanh khắp nội ô, làm chấn động lòng người. Theo phương án mà Thị xã ủy đã chỉ đạo trước đó, Chủ tịch Liên hiệp Nghiệp đoàn Cao Văn Năng đứng lên kêu gọi đồng bào các giới: “Học sinh là con em chúng ta. Hãy cứu lấy chúng nó!”. Lời kêu gọi nhanh chóng được hưởng ứng. Cả chợ Trà Vinh ngưng hoạt động, các cơ sở nòng cốt trong Nghiệp đoàn Mua gánh bán bưng dẫn đầu đoàn bạn hành xếp thành 04 hàng từ chợ cá kéo lên đầu chợ trái cây, vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Học sinh là con em của chị em mua bán!”, “Phản đối đàn áp học sinh!”… Cảnh sát dã chiến dùng báng súng đánh các chị ngã xuống và định bắt đi nhưng chị em bạn hàng đã giải cứu được, đưa ra tuyến sau. Hàng ngàn quả cam, phần bán được các chị tiếp tế cho lực lượng đấu tranh. Anh em xe lôi ngưng chạy. Anh em bốc vác ngưng hàng… Tất cả hành động để cứu lấy học sinh. Nhiều trí thức, bác sĩ, y tá, nhà sư trực tiếp tham gia thuốc men, chăm sóc học sinh bị đàn áp. Các cơ sở trong binh lính chủ lực, bảo an cũng vận động số binh sĩ có lương tâm trong Sư đoàn 9, trong các đại đội bảo an đến hỗ trợ khi học sinh bị cảnh sát đàn áp. Lực lượng tham gia đấu tranh mỗi lúc một đông, quy tụ mọi giới, mọi thành phần xã hội.
Lực lượng quần chúng hỗ trợ học sinh kéo thành đoàn đến Dinh Tỉnh trưởng. Đi đầu là 200 anh em công nhân bốc vác, với khẩu hiệu “Đả đảo khủng bố. Học sinh là con em của công nhân!”. Mỗi công nhân tự trang bị cho mình những thứ vũ khí vốn là công cụ lao động hàng ngày như móc bao, đòn gánh…
Sau hơn 02 giờ giằng co, cuối cùng viên Tỉnh trưởng buộc phải nhượng bộ, chấp nhận kiến nghị, hứa sẽ xem xét lại vụ án Đỗ Điền Phong.
Sau chiến dịch Mùa hè 1972, qua những nguồn tin mật báo, tiểu khu Vĩnh Bình biết rõ ông Cao Văn Năng là cơ sở nòng cốt cài cắm vào để lãnh đạo phong trào công nhân, lao động trong tổ chức Liên hiệp Nghiệp đoàn tỉnh. Do đó, nhân chuẩn bị cho đại hội bầu lại nhân sự của tổ chức này, chính quyền Sài Gòn ra sức rúng ép, mua chuộc ông; đồng thời, thanh lọc bắt bớ, đưa ra khỏi tổ chức các cơ sở khác. Trước tình hình đó, Thị xã ủy chủ trương xây dựng danh sách Ban Chấp hành mới, sao cho chính quyền Sài Gòn có thể chấp nhận được mà ông Cao Văn Năng không rơi vào thế bị cô lập hoặc nếu bị thay ra thì vẫn có người kế tiếp lãnh đạo phong trào. Biết không thể mua chuộc, tháng 01/1973, chính quyền cho tay chân ám sát vị thủ lãnh Liên hiệp Nghiệp đoàn tại khu vực cầu Long Bình, rồi vu “Việt cộng ám sát” và âm mưu tổ chức đám tang thật lớn để “tố cáo tội ác Cộng sản”. Nắm chắc ý đồ này, ngay vừa có tin thủ lãnh Cao Văn Năng hy sinh, Thị ủy phân công cán bộ bí mật tiếp xúc với bà Võ Thị Mạnh (vợ đồng chí Cao Văn Năng) và gia đình vừa làm công tác tư tưởng, vừa định hướng đối phó và đấu tranh với địch.
Đúng dự đoán, chính quyền Sài Gòn ra lệnh cho bọn tay chân đưa bà Võ Thị Mạnh đến Dinh Tỉnh trưởng, yêu cầu ký tên vào đơn tố cáo “tội ác Cộng sản” được chuẩn bị sẵn. Bà Mạnh kiên quyết từ chối ký tên với lý do: “Giữa thanh thiên bạch nhật mà mấy ông còn không bảo vệ được chồng tôi. Giờ tôi ký vào đơn này, nếu Việt cộng tổ chức trả thù, thì ai bảo vệ tôi?”…
Ngày đưa tang, Thị xã ủy chỉ đạo Liên hiệp Nghiệp đoàn huy động quần chúng lao động tham gia đông đảo, nhằm biến cuộc biểu tình của chính quyền Sài Gòn thành cuộc phản biểu tình tố cáo tội ác. Sau lễ tang, tiểu khu Vĩnh Bình vẫn tiếp tục đến nhà rúng ép bà Võ Thị Mạnh ký tên vào đơn mà chúng chuẩn bị. Lấy cớ buồn rầu, không còn tinh thần, thậm chí có lúc phải viện cớ “đau khổ đến hóa điên”, bà Mạnh và gia đình kiên quyết không làm theo.
Nhân dân thành phố Trà Vinh tự hào có một phong trào đấu tranh chính trị nội ô sôi động và một vị thủ lãnh giới thợ thuyền, người lao động kiên cường, dũng cảm như thế!
TRẦN DŨNG
Tối 25/11, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Trà Cú (Khóm 5, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú), Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Trà Cú tổ chức khai mạc “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn huyện Trà Cú”.