01/08/2023 14:41
Kinh tế gia đình phát triển ổn định, ngoài chăm lo sản xuất, ông Trịnh Văn Chẹ vừa dành thời gian chăm sóc cây kiểng.
Trà Cú có 11.351 người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tôn vinh. Trong đó, có 225 Mẹ Việt Nam anh hùng (07 mẹ còn sống); 15 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (lão thành cách mạng); 41 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước ngày tổng khởi nghĩa 19/8/1945 (tiền khởi nghĩa); 05 Anh hùng Lực lượng vũ trang; 02 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 7.622 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 368 người được tặng bằng khen trong kháng chiến của Trung ương, tỉnh; 549 thương binh, bệnh binh; 363 thân nhân liệt sĩ; 416 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 54 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 1.684 liệt sĩ, 07 quân nhân kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện toàn huyện có 832 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chính quyền các cấp trong huyện luôn gắn kết, động viên các gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định trật tự xã hội.
Theo ông Nguyễn Vũ Phương, Phó Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trà Cú: thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể huyện đã tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công, tổ chức chi trả đúng quy định cho các đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Riêng về xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, từ năm 1993 đến nay, Trà Cú xây dựng 3.730 căn nhà tình nghĩa, tổng kinh phí 79,745 tỷ đồng (xây mới 2.289 căn, kinh phí 68,72 tỷ đồng, sửa chữa 441 căn, kinh phí trên 11 tỷ đồng) tặng cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng đang gặp khó khăn về nhà ở. Các cơ quan, ban, ngành, trong và ngoài huyện nhận phụng dưỡng 07 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đến cuối đời, cấp thẻ bảo hiểm y tế và thực hiện chế độ điều dưỡng cho người có công và thân nhân người có công đúng quy định.
Hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công luôn được cấp ủy, chính quyền trong huyện đặc biệt quan tâm và trở thành một nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách không ngừng cải thiện. Đến nay, các gia đình chính sách đều có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống bình quân của người dân địa phương.
Tại xã Tập Sơn, 109 gia đình người có công hiện nay được quan tâm thực hiện tốt các chính sách. Ông Trịnh Văn Chẹ, ấp Bà Tây C là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Xuất thân từ nông dân, tham gia cách mạng năm 1969, sau giải phóng, ông công tác tại địa phương, đến năm 1985 về nghỉ làm kinh tế gia đình.
Ông Chẹ cho biết: thời gian khi mới giải phóng, cuộc sống rất khó khăn, bản thân tôi luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực vươn lên. Qua nhiều năm nỗ lực, nay 72 tuổi, cuộc sống gia đình được nâng lên, tôi cùng con sản xuất 08ha lúa, nuôi thêm heo, bò… Hiện tôi là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp, luôn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của địa phương.
Đề cập việc chăm lo gia đình chính sách, ông Trịnh Văn Chẹ cho biết thêm: Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm chăm lo gia đình chính sách, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, quan tâm đời sống gia đình chính sách, đảm bảo không còn hộ chính sách nghèo, cuộc sống không ngừng nâng lên. Vào các dịp lễ, tết, chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, giúp gia đình chính sách ấm lòng, gắn kết với địa phương, vận động con cháu tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Ông Dương Công Truyền chăm sóc bò.
Cũng như ông Trịnh Văn Chẹ, ông Dương Công Truyền, ấp Bến Trị cũng là đối tượng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, có người con bị ảnh hưởng khá nặng bởi di chứng của chất độc hóa học. Nhiều năm phấn đấu, kinh tế gia đình phát triển ổn định, với khoảng 02ha đất trồng lúa, 0,6ha dừa và khoảng 20 con bò… là tấm gương sản xuất giỏi để nhiều người noi theo.
Ông Truyền chia sẻ: đất nước độc lập, tự do, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân cũng nâng lên. Gia đình tôi cũng được chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện các chế độ chính sách cho tôi và đứa con bị nhiễm chất độc hóa học. Là cựu quân nhân, tôi luôn giáo dục các con phát huy truyền thống gia đình, chăm lo học tập, lao động, vươn lên trong cuộc sống, có những đóng góp thiết thực cho địa phương, chung tay thực hiện các tiêu chí XDNTM tại địa phương.
Dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm, công tác chăm gia đình chính sách càng được đặc biệt quan tâm. Tin rằng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự nỗ lực của các gia đình chính sách, kinh tế các gia đình ngày càng phát triển ổn định, đời sống vật chất tinh thần ngày càng nâng lên, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng tại địa phương.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.