03/02/2025 05:23
Kháng chiến kết thúc. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiết cùng với Đảng bộ, quân, dân tỉnh Trà Vinh bước sang giai đoạn cách mạng mới. Nửa thế kỷ đã trôi qua.
Ông Nguyễn Văn Tiết có tên khai sinh Nguyễn Văn Chơi, là người con thứ tư trong gia đình có 05 anh em ruột (02 người con đầu mất từ nhỏ), do ông có nước da ngâm đen nên những người quen biết ông trong kháng chiến gọi vui mãi thành danh - ông Ba Trắng, sinh năm 1921 (Tân Dậu) trong một gia đình nông dân nghèo xóm Lộ Đình (nay Ấp 14), làng Long Hữu, quận Cầu Ngang (nay thị xã Duyên Hải). Cha là ông Nguyễn Văn Thơ (1887 - 1949) và Mẹ là bà Đỗ Thị Sen (1890 - 1945), sinh sống bằng nghề làm ruộng. Ông Nguyễn Văn Tiết có vợ là bà Lê Thị Ngợi (1921 - 5/2024), người cùng làng, ông, bà có với nhau 04 người con (có một người con - anh Nguyễn Văn Bé, là liệt sĩ).
Ông Nguyễn Văn Chơi sinh ra trên quê hương Cầu Ngang giàu truyền thống cách mạng. Đảng bộ quận Cầu Ngang cấp Quận ủy được thành lập vào năm 1930. Đầu năm 1945, Bí thư Quận ủy Cầu Ngang lúc bấy giờ, Trương Văn Kỉnh cử cán bộ Quận ủy về các làng trong quận vận động cách mạng, thành lập Chi bộ Đảng cấp xã (lúc đó còn gọi là làng).
Tại làng Long Hữu, quận Cầu Ngang, cán bộ Quận ủy tiếp cận, vận động giác ngộ được 03 người trong Hội đồng Hương chức thuộc Pháp làng Long Hữu vốn là người địa phương và bí mật kết nạp họ vào Đảng, đó là các ông: Xã trưởng Trần Văn Tiệp (Xã Tiệp- 1907), Phạm Văn Thắng (chánh lục bộ) và Phạm Văn Phán (Hương quản). Ông Trần Văn Tiệp được Quận ủy chỉ định giữ chức Bí thư Chi bộ làng Long Hữu (tháng 3/1945).
Trong số nông dân tá điền làng Long Hữu được Chi bộ bí mật vận động làm lực lượng nòng cốt của Chi bộ làng có người thanh niên 24 tuổi Nguyễn Văn Chơi.
Ngày 25/8/1945, lực lượng khởi nghĩa do Tỉnh ủy Trà Vinh lãnh đạo nổi dậy cướp chánh quyền thân Nhật tại thị xã Trà Vinh, thành lập chính quyền Việt Minh.
Sáng ngày 26/8/1945, thanh niên Nguyễn Văn Chơi, còn đang chịu tang mẹ mới hơn một tháng (17/5/1945), được Xã Tiệp báo tin, anh lập tức giao con gái đầu lòng 03 tuổi lại dặn vợ trông coi, ông cùng lực lượng nông dân tá điền nòng cốt cách mạng làng Long Hữu, kéo đến Hội đồng Hương chức làng Long Hữu đặt tại Bến Giá (Khóm 1, Phường 2, thị xã Duyên Hải ngày nay) đòi lật đổ chính quyền thực dân. Chỉ chờ thời cơ này, ông Trần Văn Tiệp (Xã Tiệp) đứng ra tuyên bố nhân danh Bí thư Chi bộ Đảng của Việt Minh, giải tán Hội đồng Hương chức làng Long Hữu, thành lập chính quyền Việt Minh. Ông Nguyễn Văn Chơi được Bí thư Chi bộ Trần Văn Tiệp phân công vào đội tự vệ làng với tên mới: Nguyễn Văn Tiết, tham gia bảo vệ chính quyền Việt Minh non trẻ, tiến hành tịch thu ruộng đất của địa chủ trang cấp cho nông dân tá điền trong làng, mỗi hộ nông dân 05 công ruộng (5.000m²).
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Đại tá Nguyễn Văn Tiết (áo trắng) cùng với đồng chí Nguyễn Đáng (Năm Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh); đồng chí Nguyễn Trường Thọ (Năm Ròm - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh).
Ngày 23/9/1945, quân và dân Trà Vinh cùng Nhân dân Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chiếm đóng, ông Nguyễn Văn Tiết đã cùng với đội tự vệ của làng, dưới sự chỉ huy của Bí thư Chi bộ Trần Văn Tiệp, phối hợp với đơn vị Cộng hòa vệ binh tỉnh, bảo vệ an toàn căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh từ thị xã Trà Vinh di chuyển về bám trụ tại khu vực miếu Cây Dương (lúc đó gọi là ấp Đon).
Tháng 7/1947, ông Nguyễn Văn Tiết được Chi bộ làng Long Hữu kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Do có sự năng nổ trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chi bộ phân công, năm 1948, đảng viên Nguyễn Văn Tiết được Chi bộ phân công giữ chức Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Công an làng Long Hữu.
Vừa mãn tang mẹ thì cha ông Nguyễn Văn Tiết cũng qua đời (1949), ông tiếp tục mang tang cha đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 12/1950, thực dân Pháp ở Đông Dương đưa quân đi đánh chiếm khắp nơi ở Nam Bộ. Đến cuối năm 1951, quân của cái gọi là “Đội bảo vệ thiên chúa giáo” (UMDC), đánh chiếm, đóng đồn bót toàn xã Long Hữu.
Năm 1951, trong trận chỉ huy đội tự vệ xã đánh quân Pháp lấn chiếm, Bí thư Chi bộ, kiêm Xã đội trưởng Trần Văn Tiệp bị giặc Pháp bắn hy sinh.
Hơn một tuần sau, Bí thư Quận (lúc này gọi là Huyện) ủy Cầu Ngang Dương Minh Cảnh xuống làng (lúc này gọi là xã) Long Hữu họp hết đảng viên Chi bộ xã lại lại làm công tác tư tưởng, ổn định tình hình và thông báo quyết định của Huyện ủy phân công ông Nguyễn Văn Tiết, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Công an xã giữ chức Bí thư Chi bộ xã, kiêm Xã đội trưởng dân quân (1951).
Từ anh thanh niên trong một gia đình nông dân nghèo, ông Nguyễn Văn Tiết trở thành cán bộ chủ chốt, vừa lãnh đạo công tác Đảng, vừa chỉ huy lực lượng Dân quân tự vệ và Công an xã, cùng nhân dân xã Long Hữu đẩy mạnh các hoạt động vũ trang đánh địch lấn chiếm, đến ngày có Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7/1954, xã Long Hữu được giải phóng cơ bản.
Chấp hành sự chỉ đạo của tổ chức Đảng cấp trên, ông Nguyễn Văn Tiết vừa tuyển chọn lực lượng đưa đi tập kết ra Bắc theo điều ước của Hiệp định Giơnevơ, vừa chỉ đạo Phó Bí thư Chi bộ Phạm Công (Tư Gòn) và đảng viên Tư Ngưu, bí mật chôn giấu 05 khẩu súng tại cù lao Thẳng (Ấp 16 ngày nay) và Đình Hội Hữu (Ấp 13 ngày nay), đề phòng khi cần thiết, có sẵn vũ khí trong tay đối phó với kẻ thù nếu chúng trở mặt đàn áp phong trào cách mạng.
Cuối năm 1954, Huyện ủy Cầu Ngang điều động Bí thư Chi bộ xã Long Hữu Nguyễn Văn Tiết về huyện nhận công tác khác.
Công tác tại cơ quan Huyện ủy Cầu Ngang, ông Nguyễn Văn Tiết cùng với Huyện ủy Cầu Ngang, lãnh đạo nhân dân trong huyện đấu tranh bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi tổng tuyển cử thống nhất nước nhà vào 20/7/1956, trước lưỡi lê, họng súng khát máu trong “Chiến dịch Tố cộng” của ngụy quyền Sài Gòn. Đầu năm 1956, ông Nguyễn Văn Tiết được Tỉnh ủy Trà Vinh đề bạt chức Phó Bí thư Huyện ủy.
Xác định ngụy quyền Sài Gòn sẽ không cùng chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam vào ngày 20/7/1956 theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, cuối năm 1956, các tổ chức Đảng ở huyện Cầu Ngang được Tỉnh ủy chỉ đạo củng cố lại; Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Tiết được Tỉnh ủy chỉ định giữ chức Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang thay ông Dương Quang Danh (Năm Nhọn - 1916 - 1986), Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, được Tỉnh ủy điều động về tỉnh nhận công tác khác.
Tháng 4/1957, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang Nguyễn Văn Tiết tổ chức hội nghị triển khai đến Ban chấp hành Đảng bộ huyện: Đề cương cách mạng miền Nam, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ biên soạn. Dựa vào tu thơ do Tỉnh ủy biên soạn, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Tiết chỉ đạo Bí thư Chi bộ các xã, tùy vào tình hình thực tế từng xã, phổ biến nội dung cơ bản Đề cương cách mạng miền Nam đến cán bộ đảng viên và nhân dân trong huyện trong thời gian sớm nhất.
Tháng 7/1957, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang Nguyễn Văn Tiết được đề bạt vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh và được Tỉnh ủy điều động sang giữ chức Bí thư Huyện ủy Châu Thành, thay đồng chí Đỗ Phú Hữu (Tám Bung), Bí thư Huyện ủy Châu Thành được Tỉnh ủy phân công công tác khác.
Với trách nhiệm là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, ông Nguyễn Văn Tiết đã cùng với Đảng bộ huyện Châu Thành tăng cường công tác chính trị, tư tưởng với đảng viên, kiên quyết bám dân trong mọi tình huống, thậm chí trong lúc căn cứ cơ quan Huyện ủy, Xã ủy liên tiếp bị địch đánh phá không còn bám trụ được, ông Nguyễn Văn Tiết cùng cơ quan Huyện ủy kiên quyết không xa dân, bí mật bám trụ làm việc ngay trong nhà dân ở Long Hòa, Nguyệt Hóa, Phước Hảo, Hưng Mỹ, nhân dân bất chấp hiểm nguy nuôi chứa, đùm bọc, bảo vệ cán bộ, cùng với cơ quan Huyện ủy, Xã ủy áp dụng nhiều biện pháp thích hợp để cho cán bộ của ta vừa hoạt động cách mạng trước lưỡi lê, họng súng của quân thù, vừa bảo tồn được thực lực.
Đến năm 1958, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Thành có 09 đồng chí. Chi bộ 09 xã của huyện đều có Bí thư Chi bộ và có từ 06 đảng viên trở lên.
Ngày 12/9/1960, tại căn cứ Huyện ủy ấp Bà Tình, xã Long Hòa, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Tiết tổ chức cuộc hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ và Bí thư Chi bộ 09 xã, nghe ông Phạm Văn Kiết (Năm Vận, 1929 - 1996), Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, triển khai Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, mở đường cho cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau hội nghị, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Tiết giao nhiệm vụ cho từng Huyện ủy viên và Bí thư Chi bộ 09 xã nhanh chóng trở vể địa phương bám địa bàn, sử dụng lực lượng vũ trang và vũ khí thô sơ làm “đòn xeo”, hỗ trợ Nhân dân, đồng loạt nổi dậy làm cuộc đồng khởi vào ngày 14/9/1960, lật đổ chánh quyền độc tài phát xít Ngô Đình Diệm, giải phóng nông thôn.
Cuộc đồng khởi 14/9/1960 tại huyện Châu Thành dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Tiết, đã làm cho bộ máy chính quyền cơ sở của Ngô Đình Diệm ở huyện Châu Thành, một huyện bao quanh thị xã tỉnh lỵ của địch bị lung lay.
Năm 1961, ông Nguyễn Văn Tiết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành được đề bạt vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh giai đoạn 1961 - 1965, có 09 người do ông Trần Văn Long (Mười Dài - 1925 - 2008), giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Ngày 14/6/1961, tại căn cứ kháng chiến ấp Giồng Giếng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (nay là ấp Đông Thành, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải), Tỉnh ủy Trà Vinh thành lập Ban An ninh tỉnh theo Nghị quyết của Xứ ủy Nam bộ. Ông Hồ Nam (Hồ Lộc - Năm Đạt - 1927 - 1995), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè, được Tỉnh ủy điều động, chỉ định giữ chức Trưởng Ban An ninh tỉnh.
Ngày 19/9/1962, Trung ương Cục miền Nam, thành lập Đoàn vận tải 962, làm nhiệm vụ trực tiếp tổ chức các bến tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vũ khí chở từ miền Bắc về miền Nam bằng đường biển.
Cuối năm 1962, Tỉnh ủy điều động ông Nguyễn Văn Tiết, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Châu Thành về tham gia công tác chỉ đạo hoạt động Ban An ninh tỉnh.
Nhận nhiệm vụ mới tại Ban An ninh tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Văn Tiết được Tỉnh ủy phân công trực tiếp chỉ đạo lực lượng Ban An ninh tỉnh tăng cường các hoạt động quản lý đối tượng, làm trong sạch địa bàn, vận động, lựa chọn quần chúng tốt tham gia bảo vệ bí mật nơi cất giấu vũ khí vận chuyển bằng đường biển từ miền Bắc về Nam, đồng thời bảo vệ an toàn cho các lực lượng đến bến nhận vũ khí.
Hai năm 1964 - 1965, ông Nguyễn Văn Tiết cùng đồng chí Trưởng Ban Hồ Nam, chỉ đạo Ban An ninh tỉnh phá 02 vụ án đặc biệt nghiêm trọng - Vụ án thứ nhất: Năm 1964, Ban An ninh tỉnh trinh sát điều tra phát hiện bắt được một nhóm “người nhái” của địch do tên Võ Hiệp cầm đầu, xâm nhập bằng đường biển vào vùng giải phóng huyện Duyên Hải, tìm kiếm địa điểm cất giấu vũ khí của ta từ miền Bắc chỡ về; Năm 1965, Ban An ninh tỉnh phối hợp với Ban chỉ huy Tỉnh đội, bóc gỡ một mạng lưới “nội gián” của địch do tên Hồ Hải cầm đầu, bí mật chui vào làm đến chức phó tham mưu trưởng, phụ trách công tác quân báo Tỉnh đội, góp phần làm trong sạch chính trị trong nội bộ lực lượng vũ trang ta.
Cuối tháng 1/1968, ông Nguyễn Văn Tiết, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, được Tỉnh ủy phân công về căn cứ ấp Ba Trạch, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, triệu tập hội nghị Huyện ủy hai huyện Cầu Ngang và Trà Cú, triển khai tinh thần chỉ đạo của Khu ủy về công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968.
Ngày 07/02/1968, nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968), ông Nguyễn Văn Tiết, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, được Tỉnh ủy phân trở lại căn cứ ấp Ba Trạch, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, triệu tập hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trà Cú, uốn nắn tình hình, thay đổi phương án tác chiến và trực tiếp cùng Đảng bộ huyện Trà Cú chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968.
Năm 1972, ông Nguyễn Văn Tiết được Khu ủy đề bạt giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh.
Gần 03 năm (1972 - 10/1974), giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Văn Tiết đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân tỉnh Trà Vinh liên tiếp lập nên những chiến công vẻ vang, cùng quân dân miền Nam đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, buộc chánh phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973), rút quân Mỹ về nước.
Tháng 10/1974, ông Nguyễn Văn Tiết được Khu ủy đề bạt giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, thay ông Nguyễn Tấn Liềng (Bảy Sách - 1929 - 1980), Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, được Khu ủy điều động về Khu ủy nhận công tác khác.
Giữa tháng 3/1975, Khu ủy, Quân khu ủy chỉ đạo Tỉnh ủy và Tỉnh đội Trà Vinh thành lập Ban chỉ đạo TCKTKN, giải phóng tỉnh Trà Vinh trước mùa mưa năm 1975.
Ngày 17/4/1975, cơ quan Thường trực Tỉnh ủy tại ấp Ngãi Thuận, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Tiết, Bí thư Tỉnh ủy, triệu tập cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo TCKTKN, toàn bộ cán bộ quân sự chủ chốt của tỉnh, thông qua phương án TCKTKN và làm lễ tuyên thệ dưới Đảng kỳ, Quân kỳ: “Thề quyết tử, giải phóng tỉnh Trà Vinh”.
Ngày 26/4/1975, tại căn cứ Tỉnh ủy ở ấp Khánh Lộc, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, ông Nguyễn Văn Tiết, Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ đao, Ban chỉ huy TCKTKN, Bí thư các Huyện ủy, nghe ông Phan Ngọc Sến (Mười Kỷ, 1919 - 1993), Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Trưởng Ban Chỉ huy TCKTKN chiến trường Vĩnh Long -Trà Vinh và ông Nguyễn Đệ (Ba Trung, 1928 - 1998), Phó Tư lệnh Quân khu 9, truyền đạt mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương: TCKTKN trên phạm vi toàn miền Nam và thông qua phương án hợp đồng TCKTKN với toàn miền Nam của quân dân tỉnh Trà Vinh được ấn định thống nhất vào 0 giờ đêm 29 rạng ngày 30/4/1975. Mục tiêu cao nhất chiến dịch TCKTKN là tỉnh Trà Vinh tự lực giải phóng tỉnh trong ngày 30/4/1975.
Được Khu ủy giao nhiệm vụ tự lực giải phóng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Nguyễn Văn Tiết giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Trường Thọ (Năm Ròm, 1927 - 2012), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội, giữ chức Chỉ huy trưởng chiến dịch TCKTKN, tự lực giải phóng thị xã tỉnh lỵ. Bí thư Huyện ủy, Huyện đội trưởng các huyện, thành lập Ban chỉ đạo, chỉ huy TCKTKN, tự lực giải phóng huyện.
11 giờ 30, ngày 30/4/1975, ông Nguyễn Văn Tiết, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo TCKTKN, giải phóng tỉnh Trà Vinh, báo cáo với Khu ủy, Quân khu ủy và thông báo cho toàn thể quân, dân tỉnh Trà Vinh: Cuộc TCKTKN giải phóng tỉnh Trà Vinh, đã kết thúc thắng lợi.
Từ ngày thành lập (Mùa thu 1930) đến năm 1975, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh có 23 cán bộ được Đảng chỉ định, đề bạt giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh - ông Nguyễn Văn Tiết là người Bí thư Tỉnh ủy thứ 23 - Người Bí thư Tỉnh ủy sau cùng trong kháng chiến.
Với công lao, thành tích 30 năm (1945 - 1975), chống ngoại xâm và phục vụ trong ngành Công an nhân dân, ông Nguyễn Văn Tiết, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh được Bộ trưởng Bộ Công an phong quân hàm Đại tá; Chủ tịch Chánh phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhì ; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Ngày 31/12/1996 (nhằm ngày 22/11 năm Bính Tý 1996), Đại tá Nguyễn Văn Tiết mãn phần sau cơn bạo bệnh, hưởng thọ 76 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô biên cho gia đình!
Người viết bài này có thời gian hoạt động nghiệp vụ báo chí bên cạnh Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiết trong kháng chiến chống Mỹ. Các bản tin chiến sự từ Trà Vinh lúc bấy giờ đều được thường trực Tỉnh ủy nghe qua trước khi điện tín về Thông Tấn xã giải phóng, Đài Phát thanh giải phóng.
Chiến tranh kết thúc tròn 50 năm. Nhiều thứ có thể bị lãng quên. Bài viết như nén nhang lòng chúng ta tưởng nhớ ông - Người Bí thư Tỉnh ủy mà cuộc đời hoạt động cách mạng của ông có những khúc quanh nghiệt ngã.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bí thư Tỉnh ủy - Đại tá Nguyễn Văn Tiết (Ảnh: Trần Điền chụp lại từ tư liệu do gia đình cung cấp).
Bài, ảnh: TRẦN VĂN ĐIỀN
Ngày Tết, các gia đình thường mua quất cảnh để trang trí trong nhà. Cây quất trĩu quả tượng trưng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn, sum vầy trong năm mới. Cây quất còn mang đến tài lộc, công việc thuận lợi. Tuy nhiên, việc ăn quả quất từ cây quất cảnh có thể không an toàn.