07/02/2024 11:03
Người lao động đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất tại sơ sở sản xuất bánh kẹo Minh Lợi.
Thực hiện Kế hoạch số 27/KH-BCĐ, ngày 18/12/2023 của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Trà Vinh, Sở Y tế và các ngành liên quan đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Trong đó, từ ngày 02/01/2024 đến hết ngày 20/3/2024, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống... tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội khác như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, phụ gia thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống…
Được biết, trong tháng 01/2024, toàn tỉnh có 118 đoàn thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, 03 đoàn cấp tỉnh, 09 đoàn cấp huyện, 106 đoàn cấp xã. Qua đó, thực hiện thanh, kiểm tra 1.076 cơ sở, chủ yếu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Kết quả, có 918 cơ sở đủ điều kiện, đạt 85,32%, 58 cơ sở chưa đạt (chiếm 14,68%).
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế): các đoàn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống… Qua thanh, kiểm tra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cơ bản thực hiện tốt các quy trình, thủ tục, nơi chế biến thực phẩm và các điều kiện sản xuất đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, còn một số cơ sở hạn chế về thủ tục, hồ sơ như: chưa có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho người lao động, chưa lưu đủ hồ sơ theo yêu cầu, bao bì sản phẩm chưa khớp với công bố… Qua đó, thành viên đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện hồ sơ, thủ tục đúng yêu cầu.
Cơ sở sản xuất pa-tê, chả lụa Sáu Thùy (Phường 4, thành phố Trà Vinh) sản xuất các loại pa-tê, chả lụa, chả hoa, chả nhồi, pa-tê trứng muối. Bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 50 - 60kg sản phẩm các loại, dịp tết tăng hơn khoảng 02 lần. Các sản phẩm đều có phiếu kết quả kiểm nghiệm, đảm bảo các yêu cầu theo quy định.
Bà Phan Thị Thu Thúy, chủ cơ sở sản xuất pa-tê, chả lụa Sáu Thùy cho biết: nhiều năm sản xuất thực phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong tỉnh, được hướng dẫn của cơ quan chức năng, quy trình sản xuất được thực hiện 01 chiều, không để thực phẩm sống, chín lẫn lộn, người lao động được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm… tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Tại cơ sở sản xuất lạp xưởng Vạn Thành (Phường 6, thành phố Trà Vinh), ông Thái Phúc Thành, chủ cơ sở cho biết: nhiều năm làm nghề, cơ sở rất chú trọng chất lượng sản phẩm, quá trình chế biến luôn chọn thịt tươi ngon, ướp gia vị gia truyền, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm lạp xưởng Vạn Thành được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, cơ sở rất quan tâm thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo uy tín, thương hiệu.
Gần 40 năm sản xuất các loại kẹo từ đậu phộng, cơ sở sản xuất bánh kẹo Minh Lợi (Phường 6, thành phố Trà Vinh) luôn chú trọng nâng chất lượng sản phẩm, quan tâm đầu tư máy móc phục vụ sản xuất và đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng đã tin tưởng, sử dụng sản phẩm nhiều năm qua.
Ông Văn Hùng, chủ cơ sở cho biết: sản phẩm của cơ sở là thèo lèo, kẹo đậu phộng mè được người tiêu dùng ưa chuộng nhiều năm qua. Ngày thường, các sản phẩm được bỏ mối chủ yếu ở chợ Trà Vinh và các huyện, riêng dịp Tết hàng năm được siêu thị Coop Mart hợp đồng mua khoảng 20 tấn sản phẩm. Vì vậy, cơ sở rất chú trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn một số trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm như: hàng hóa thực phẩm chưa được xếp theo nhóm, ngành thực phẩm; khu vực sản xuất, chế biến thực phẩm không được vệ sinh thường xuyên; kinh doanh bày bán thực phẩm không tách biệt các hóa chất tẩy rửa; không mang đầy đủ bảo hộ lao động khi tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm; nhãn hàng hóa chưa phù hợp với hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm…
Vì vậy, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, công tác thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm tiếp tục duy trì và được đẩy mạnh, góp phần chuyển đổi nhận thức và thực hành về bảo đảm an toàn thực phẩm của các đối tượng tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong đó, chú trọng việc chấp hành các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến thực phẩm, các quy định về lưu mẫu thức ăn, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, chế biến thực phẩm… nhất là các dịp lễ, tết, mỗi người hãy chung tay góp phần tạo nên một cái Tết Cổ truyền ấm áp, hạnh phúc, an toàn.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.