31/10/2020 07:36
Bài 2:
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Nhân dân trồng hoa tuyến đường nông thôn xã Long Thới. |
|
Cách làm hay
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động giúp nâng cao nhận thức của Nhân dân về XDNTM. Theo đó, các địa phương đã tập trung huy động sức người, sức của trong dân để triển khai, cùng thực hiện hoàn thành nhiều tiêu chí khó, như về thu nhập, nhà ở dân cư, giao thông, hộ nghèo, y tế, môi trường, an toàn thực phẩm…
Tại xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2012, kết cấu hạ tầng nông thôn còn hạn chế, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 18%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 16,2 triệu đồng/người/năm, toàn xã chỉ đạt 07/19 tiêu chí XDNTM. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đã cố gắng, tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM. Hiện xã Thanh Mỹ đã đạt chuẩn xã NTM.
Ông Nguyễn Chí Hiệp, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành cho biết: khi tiến hành triển khai, thực hiện XDNTM, xã cũng gặp không ít khó khăn, như chưa được đầu tư vốn kịp thời, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong XDNTM nên còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Do vậy, Đảng bộ, chính quyền xã Thanh Mỹ quán triệt trong hệ thống chính trị và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã làm tốt công tác “Dân vận khéo” trong vận động, tuyên truyền, phổ biến ra dân hiểu đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm XDNTM. Nhờ vậy, đã nhanh chóng huy động sự chung sức, đồng lòng của quần chúng Nhân dân cùng vào cuộc. Xã Thanh Mỹ xác định rõ các tiêu chí NTM nào là trọng tâm thực hiện trước, đồng thời xác định làm đến đâu chắc đến đó, quyết tâm không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tập trung hoàn thiện những tiêu chí ít cần vốn trước.
Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xã đã huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, huyện đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là vận động sự tham gia đóng góp tích cực của người dân, từ năm 2012 đến nay, toàn xã có 471 hộ tự nguyện hiến đất làm đường, thủy lợi nội đồng,… với diện tích 101.308m² đất, trong đó có 74.224m² đất nông nghiệp và 27.084m² đất cây lâu năm, tổng kinh phí khoảng 07 tỷ đồng; xây dựng 415 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà nhân ái, tổng kinh phí 820 triệu đồng… thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, xã chuyển đổi được gần 53ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trồng dừa,… có hiệu quả, diện tích đất chuyển đổi sản xuất cho thu nhập tăng gấp 02-03 lần so với chưa chuyển đổi cơ cấu sản xuất; xã còn xây dựng được mô hình cánh đồng lớn lúa tại ấp An Chay, Ô Tre Nhỏ và Kinh Xuôi với diện tích 205ha.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã An Trường vui hơn và tự hào hơn, bởi An Trường được công nhận xã NTM. Cách làm hay của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Trường trong XDNTM là sự đồng lòng, chung sức; Đảng ủy, UBND thực hiện rà soát, phân loại từng tiêu chí nào đạt và chưa đạt để có đánh giá chính xác và có giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu XDNTM.
Ông Nguyễn Văn Ấm, ngụ Ấp 7A cho biết: nhờ Chương trình XDNTM, hiện nay bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi vượt bậc. Ông Ấm nhớ lại: trước kia chưa XDNTM kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, năm 2011 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, xã tận dụng nhiều nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất đối với những vùng đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng màu, trồng cỏ nuôi bò, trồng cây ăn trái… cho thu nhập cao, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.
Không chỉ riêng xã Thanh Mỹ của huyện Châu Thành và xã An Trường, huyện Càng Long có những cách làm hay về XDNTM mà còn nhiều xã trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện tốt việc XDNTM, như tranh thủ các nguồn lực đầu tư, trong những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp trong công tác hỗ trợ người dân có điều kiện tiếp cận vốn tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, hoa màu, cây trái, kể cả công sức, tiền của để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trường học… đạt chuẩn xã NTM.
Khơi dậy tinh thần trách nhiệm
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư hoàn thiện, thông thoáng từ nguồn ngân sách Nhà nước và sự đóng góp của Nhân dân. Đến nay, nhiều tuyến đường nông thôn càng trở nên sáng-xanh-sạch- đẹp hơn nhờ hàng rào cây xanh, cột cờ, cặp 02 bên lề các tuyến đường được trồng hoa đầy màu sắc.
Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Tiểu Cần thực hiện có hiệu quả công trình tuyến đường “sáng-xanh-sạch-đẹp”, tạo cảnh quan môi trường trên các tuyến đường của huyện, góp phần tô đẹp thêm bộ mặt nông thôn của 09/09 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông Lê Văn Bài, Chủ tịch LĐLĐ huyện Tiểu Cần cho biết: thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, năm 2018, LĐLĐ huyện đã phối hợp giữa các ngành, đoàn thể có liên quan vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên thanh niên, mạnh thường quân hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến đường “sáng-xanh-sạch-đẹp”, LĐLĐ vận động được 114 cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân trong và ngoài huyện đóng góp ủng hộ số tiền trên 342 triệu đồng để mua 18.400 cây mai hoàng yến, 3.000 cây nguyệt quế, 200 cây bông trang trồng ven tuyến Quốc lộ 60, Quốc lộ 54, Tỉnh lộ 912 và các hương lộ thuộc địa bàn các xã, tổng chiều dài trên 41km. Nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình, hiện chính quyền các địa phương trên địa bàn xã đã nhân rộng mô hình ra nhiều tuyến đường nông thôn trên địa bàn.
Điển hình tuyến đường nhựa ấp Ô Chích A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành (công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện) với chiều dài 3,6km, tổng vốn đầu tư 14,2 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp cây trái, hoa màu, hiến đất khoảng 1,2 tỷ đồng. Hiện công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ngoài ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện, công trình còn tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân vận chuyển lưu thông hàng hóa dễ dàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Mười, ngụ ấp Ô Chích A phấn khởi nói: khi chính quyền địa phương vận động thực hiện tuyến đường nhựa ấp Ô Chích A để chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện, Nhân dân ở đây đồng tình và hiến đất xây dựng. Ngoài ra, kể từ khi chính quyền địa phương phát động phong trào XDNTM, ý thức của Nhân dân trong việc giữ gìn, tạo cảnh quan môi trường thông thoáng được nâng lên rõ rệt. Giờ nhìn thấy đường quê sạch đẹp, lòng cảm thấy vui.
Hưởng ứng phong trào XDNTM, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phát động thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với XDNTM, đô thị văn minh. Qua triển khai, thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật là trong XDNTM. Điều đó còn cho thấy công tác dân vận của Đảng tiếp tục được quan tâm đổi mới nội dung, phương thức, hướng về cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, nhất là XDNTM, đô thị văn minh bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần củng cố vững chắc mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.