24/08/2023 17:20
Ông Thạch Tha (phải) chăm sóc cây kiểng, tạo vẻ đẹp, thông thoáng cho tuyến đường liên ấp Cà Hom - Đường huyện 12.
Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, những năm qua, ông Thạch Tha, ngụ ấp Cà Hom, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đã phát huy vai trò của mình, thật sự trở thành “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trong công tác vận động, tuyên truyền đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Khmer. Đặc biệt, trong công tác vận động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giảm nghèo, XDNTM; xây dựng phong trào bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương...
Nhận xét về ông Thạch Tha, đồng chí Kim Minh Hải, Phó Ban Tuyên giáo xã Hàm Tân cho biết: ông Thạch Tha là tấm gương điển hình về mọi mặt và có nhiều thành tích trong các phong trào hành động cách mạng ở cơ sở. Bản thân ông Thạch Tha còn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo; vận động người dân trong ấp thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hòa giải ở cơ sở và vận động Nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp hơn 15 năm (năm 2002 - 2018), từ năm 2018 đến nay, ông Thạch Tha được Đảng ủy xã phân công nhiệm vụ Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Cà Hom. Ông Thạch Tha chia sẻ: dù ở vị trí nào, tôi cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ; gương mẫu, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phát huy tốt vai trò người có uy tín trong thôn xóm...
Là ấp có trên 80% đồng bào Khmer sinh sống, kinh tế chủ yếu là trồng mía, năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo của ấp khá cao (trên 30%). Từ năm 2021 thông qua công tác vận động Nhân dân chuyển đổi sản xuất, đến nay, người dân trong ấp đã chuyển đổi sang mô hình lúa kết hợp nuôi thủy sản để phù hợp với điều kiện về nguồn nước. Trong đó, 06 tháng nước ngọt (mưa) trồng lúa và 06 tháng mặn nuôi thủy sản.
Cũng theo ông Thạch Tha, phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong ấp Cà Hom giảm còn 1,42% (tương đương 04 hộ); hộ cận nghèo 6,78% (tương đương 19 hộ). Bình quân giá trị kinh tế mang lại trong mô hình lúa - thủy sản, hàng năm đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Riêng gia đình có 1,5ha, trong đó chuyển đổi 01ha sang lúa - thủy sản; mỗi năm thả nuôi khoảng 20.000 con tôm càng xanh (đạt sản lượng từ 550 - 600kg tôm) và năng suất lúa dao động 5,5 - 06 tấn/ha... trừ chi phí cũng thu được trên 80 triệu đồng/ha/năm.
Điển hình như công trình tuyến đê bao ngăn mặn trong ấp, dài hơn 1,75km; sau khi được xã cho chủ trương xây dựng đường đal. Ông Thạch Tha đã phối hợp với các ngành đoàn thể và Ban nhân dân ấp tổ chức vận động, tuyên truyền và phân tích cho người dân thấy được hiệu quả kinh tế từ việc hiến đất để làm đê bao kết hợp đường đal... từ đó, đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân để Nhà nước đầu tư kinh phí thi công các công trình.
Hay công trình xây dựng Nhà sinh hoạt cộng đồng ở ấp Cà Hom (diện tích 5,5 x 25m) đã hoàn thành vào đầu năm 2023 chính là nhờ vào sự đóng góp không nhỏ từ vai trò người có uy tín Thạch Tha khi tích cực vận động Nhân dân trong ấp đồng ý chuyển đổi điểm xây dựng từ khu vực ngoài dê bao vào trong cụm dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân tham gia sinh hoạt, vui chơi...
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.