08/02/2023 14:45
Hội viên phụ nữ tham quan các sản phẩm khởi nghiệp tại các buổi hội thảo, tọa đàm về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo.
"Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” là một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ 2022 - 2027 được Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc khóa XIII đề ra. Theo đó, quan điểm của Hội là tăng cường hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Trà Vinh đã triển khai, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giúp phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.
Bà Đồng Thị Mai Linh, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) chia sẻ: sau khi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tôi và thành viên HTX nhất trí phát triển sản phẩm mới “mứt chuối tá quạ”. Chuối tá quạ là một trong những nông sản đặc trưng ở xã An Phú Tân, tôi mong rằng việc phát triển những sản phẩm từ loại chuối này sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, đặc sản địa phương đến nhiều người và gắn kết với du lịch.
Nhờ sự cần cù, vượt khó của thành viên HTX cùng sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, nhất là Hội LHPN tỉnh, vào đầu tháng 10/2022, sản phẩm “mứt chuối tá quạ” ra mắt thị trường và đạt chuẩn OCOP 3 sao. Việc tạo ra sản phẩm mới, nâng tầm giá trị nông sản không chỉ đem lại thu nhập cao cho thành viên mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ địa phương.
Bà Đồng Thị Mai Linh chia sẻ thêm: sản phẩm mứt chuối tá quạ có thành phần từ chuối tươi và sử dụng đường phèn, mè và dầu thực vật rất tốt cho sức khỏe, bởi độ ngọt không có nhiều. Hiện tại, HTX làm thủ công, sắp tới, chúng tôi tìm hiểu và sử dụng nồi chiên không dầu nhằm hạn chế dầu thực vật, tốt hơn cho sức khỏe. Thời gian triển khai làm mứt chuối tá quạ, HTX được ban, ngành xã, huyện và Hội LHPN huyện hỗ trợ thực hiện, thủ tục, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết đến.
Được biết, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ cho hơn 700 phụ nữ sản xuất, kinh doanh, tuyên truyền, vận động 320 phụ nữ đăng ký cơ sở lên doanh nghiệp, nâng tổng số toàn tỉnh có hơn 800 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã ra mắt Câu lạc bộ nữ doanh nhân tỉnh Trà Vinh gồm 31 thành viên, phối hợp cùng Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (SME Trà Vinh) tổ chức chuyến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện mô hình phụ nữ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tại tỉnh Bến Tre. Theo đồng chí Kiên Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, việc tổ chức tham quan, học tập các mô hình hiệu quả của phụ nữ ngoài tỉnh là hoạt động thiết thực của Hội nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Qua đó, học tập các mô hình và áp dụng phù hợp với sự phát triển của Trà Vinh, phát triển năng lực và xây dựng, liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ. Đồng thời tăng cường trao đổi các cơ hội, bài học kinh nghiệm và định hướng hợp tác để thúc đẩy mạnh hơn nữa vai trò phụ nữ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |
Các sản phẩm từ mật hoa dừa của chị Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm đã được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Công ty được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành trong tỉnh, trong đó có Hội LHPN tỉnh. Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ 130 triệu đồng giúp Công ty đầu tư máy cô đặc chân không (Công ty đối ứng 100 triệu đồng). Máy có hiệu quả rất cao trong quá trình sản xuất mật hoa dừa, tiết kiệm được nhân công, kiểm soát được nhiệt độ, thời gian, kiểm soát được màu sắc, sản phẩm sản xuất đạt chất lượng và tiếp cận được với người tiêu dùng ngày càng nhiều, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: Hội LHPN đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển sản phẩm OCOP, bởi đa phần phụ nữ là người quyết định lựa chọn tiêu dùng sản phẩm trong gia đình. Thời gian qua, những đóng góp tích cực của Hội LHPN trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới, đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Trong tham gia chương trình OCOP, phụ nữ vừa là chủ thể tuyên truyền vận động, vừa là chủ thể tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần giúp gia tăng về chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao.
Để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục tranh thủ nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giúp doanh nghiệp nữ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa sản phẩm; bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển bền vững trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Song song đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của phụ nữ, vận động phụ nữ tham gia HTX kiểu mới, tiếp thêm niềm tin, động lực giúp phụ nữ vươn lên.
Bài, ảnh: NX - MT
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.