29/04/2021 09:04
Quê hương Khánh Lộc ngày nay.
Địa chỉ đỏ Khánh Lộc (xã Song Lộc, huyện Châu Thành) là nơi tôi từng nhiều lần - một mình một xe máy - tìm đến, bởi đây là căn cứ Tỉnh ủy, Tỉnh đội và Ban Chỉ huy Chiến dịch giải phóng tỉnh lỵ Trà Vinh trong những ngày cuối tháng Tư lịch sử, với những cuộc hội nghị mang tính quyết định cho chiến thắng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Nhớ những chuyến đi đầu tiên, hồi thập niên 1990, giao thông vẫn còn gian nan vất vả, từ tỉnh lỵ, tôi xuôi theo Quốc lộ 60 hướng về huyện Tiểu Cần. Ra khỏi nội ô một đỗi, vừa qua cầu Ô Chát, rẻ phải thêm chừng hai cây số: Khánh Lộc! Tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi trong tâm trí cứ đinh ninh rằng đã là căn cứ cấp tỉnh thì chắc hẳn là nơi hiểm địa, mà muốn tới đó, phải vượt qua những cánh đồng mênh mông, những con sông cách trở, giữa cánh rừng cây cối rậm rạp, để mọi khả năng tác chiến của tiểu khu Vĩnh Bình khó mà vươn tới. Nay, đứng giữa căn cứ Khánh Lộc, ngoái đầu nhìn lại nơi mình xuất phát qua chừng mười lăm phút đường xe, vẫn còn trông thấy khá rõ ràng ngọn antene Bưu điện Trà Vinh sừng sững với lá Quốc kỳ cao chót vót.
Suốt buổi chiều hôm đó, tôi được sự hướng dẫn tận tình của chú Chín Thôi, một cán bộ cơ sở mà cuộc đời gắn bó với Khánh Lộc từ trong kháng chiến đến giai đoạn hòa bình. Ở tuổi gần tám mươi, trông chú vẫn rắn rỏi, trí nhớ vẫn đâu ra đấy. Chú bảo:
- Hồi kháng chiến, Khánh Lộc như một ốc đảo rậm rịt vườn hoang, chung quanh là những cánh đồng trống trải. Từ đây, có thể nghe thấy tiếng trực thăng cất cánh hay tiếng đề pa của pháo binh từ sân bay Trà Vinh. Ban đêm, tiếng súng vu vơ trong ấp chiến lược kiểu mẫu Trà Nóc hay tiếng cự cãi của lính dân vệ say xỉn trong đồn tề xã Huyền Hội đều nghe rõ mồn một. Vậy mà căn cứ Khánh Lộc vẫn hiên ngang đứng vững. Phụ nữ, người già, trẻ con tạm thời lánh ra đồng trống hay vào ấp chiến lược, còn lại, mỗi người dân Khánh Lộc đều là người lính thực sự, tay cầm súng tay phá đường ngăn sông, đào hào đắp lũy, chiến đấu bảo vệ quê hương. Những năm bình định, chi khu Châu Thành cố sống cố chết cắm vào Khánh Lộc hai đồn lính, vừa bảo an vừa dân vệ, trang bị đến tận răng. Vậy mà chỉ với năm ba tay súng như chú Chín và bạn bè chú, hai đồn Khánh Lộc trở thành hai nấm mồ hoang, đứng đó mà không hoạt động được gì, cuối cùng phải chọn con đường rút chạy. Kể từ đó, “ốc đảo xanh” Khánh Lộc trở thành vùng “tự do tác xạ” mà tiểu khu Vĩnh Bình, chi khu Châu Thành huy động mọi khả năng, bắn phá, giết chóc một cách vô tội vạ.
Tôi nhớ, trong chuyến thăm Chiến khu D và căn cứ Trung ương cục ở Mã Đà (Đồng Nai), người thuyết minh bảo rằng từ thực tế lửa đạn, giữa sống và chết, cán bộ và nhân dân miền Đông hiểu rằng khi bị pháo Mỹ chụp, cứ nhào xuống hố pháo cũ mà nằm, vì không bao giờ hai viên pháo có thể rơi cùng một chỗ. Kinh nghiệm ấy đối với Khánh Lộc, không tác dụng. Chú Chín dẫn tôi ra sau vườn nhà chú, nơi ấy vẫn còn cái ao nuôi cá từng hai lần bị pháo vét cộng với một lần bom đào. Căn cứ Khánh Lộc rộng chưa tới ba cây số vuông, lại nằm trong “vùng phủ sóng” của cả trận địa pháo tiểu khu lẫn hai cụm pháo từ chi khu Càng Long và chi khu Tiểu Cần. Chưa kể, máy bay có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Có lẽ, chưa có vuông vườn rộng vài tầm đất nào mà chưa từng bị bom cày pháo xới. Không có chiếc khạp đựng nước, cái nồi nấu ăn nào không mang vết đạn. Không có người dân bám trụ nào của Khánh Lộc mà chưa từng lâm vào cảnh máu chảy xương rơi…
Trong các cuộc tọa đàm, hội thảo, Đại tá Nguyễn Trường Thọ - trong kháng chiến là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Trà Vinh - khẳng định: Sau Hội nghị ngày 17/4/1975 tại căn cứ Vĩnh Hưng (Tập Ngãi, Tiểu Cần), Thường trực Tỉnh ủy cùng Chỉ huy Tỉnh đội di chuyển về căn cứ Tân Trung (Tân An, Càng Long), rồi về căn cứ Khánh Lộc ngày 24/4/1975. Tại nền gạch kiền chân đá xanh của một ngôi nhà cổ, ngày 25/4/1975, Thường trực Tỉnh ủy (gồm Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiết, Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Quang Danh, Phó Bí thư kiêm Chính trị viên Nguyễn Trường Thọ) liên tục làm việc, lắng nghe các báo cáo thực tế từ mũi quân sự của Tỉnh đội trưởng Nguyễn Phước Dợt, Thị đội trưởng Võ Văn Luông đến mũi chính trị, binh vận của Bí thư Thị ủy Võ Văn Triệu, Thường vụ Thị ủy Thạch Minh Mẫn... Từ đó, bổ sung, điều chỉnh để hoàn chỉnh phương án chung, kế hoạch chi tiết chiến dịch Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa giải phóng tỉnh lỵ Trà Vinh. Ngày 26/4/1975, tại nền gạch ngôi nhà cổ Khánh Lộc, đại diện Khu ủy Khu Tây Nam bộ và Ban Chỉ huy Tiền phương Vĩnh Trà của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 trao lệnh cho Đảng bộ, quân dân Trà Vinh đi vào trận đánh cuối cùng. Sau khi nhận lệnh, Tỉnh ủy Trà Vinh công bố thành lập Ban Chỉ huy Chiến dịch, Ban Chỉ huy tiền phương và Chỉ huy các mũi công kích (quân sự), khởi nghĩa (chính trị, binh vận) giải phóng tỉnh lỵ Trà Vinh.
Ngày 27/4/1975, Ban Chỉ huy tiền phương cùng Chỉ huy mũi công kích di chuyển về Tân Hạnh (Đại Phước, Càng Long), rồi áp sát nội ô theo hướng Sóc Ruộng, Thanh Lệ. Trong khi đó, Chỉ huy mũi khởi nghĩa di chuyển về căn cứ Đai Tèn (Lương Hòa, Châu Thành), rồi áp sát nội ô theo hướng Tri Tân B (nay là Phường 6, thành Phố Trà Vinh).
- Hồi đó… - chú Chín Thôi kể tiếp: Việc các vị lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy, Tỉnh đội và cả Quân khu có mặt tại Khánh Lộc được bảo mật ở mức cao nhất, nhưng với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, tiểu khu Vĩnh Bình vẫn dò ra được. Không biết chính xác là việc gì đang diễn ra nhưng họ hiểu cái nút thắt của chiếc thòng lọng đang thít chặt vào cơ quan đầu não tiểu khu, đang nằm tại Khánh Lộc. Buổi sáng ngày 26/4/1975, một phi đội chiến đấu cơ từ sân bay Trà Nóc bổ nhào vào địa bàn Khánh Lộc, khi cuộc họp lịch sử đang diễn ra. Trong tình thế nguy cấp, một chiến sĩ đơn vị phòng thủ Tỉnh ủy nổ súng lên trời, rồi cầm cờ chạy ngược ra đồng, kéo theo cả phi đội hung hăng. Giữa đồng trống, người chiến sĩ dũng cảm hy sinh, phi đội chiến đấu cơ hể hả quay mũi về Cần Thơ, còn nút thắt chiếc thòng lọng vẫn mỗi lúc một siết chặt hơn vào số phận của chế độ Sài Gòn tại Trà Vinh.
Bốn mươi sáu năm đã đi qua. Khánh Lộc đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang trước lịch sử. Trên mảnh đất một thời bom cày đạn xới ấy đang rộn ràng sức sống mới. Trên cánh đồng trống mà người chiến sĩ cảm tử quần nhau không cân sức với phi đội chiến đấu cơ, giờ ngan ngát màu xanh cây lúa ba vụ. Trong những chân vườn rậm rì ô rô, cóc kèn của những năm tháng máu lửa, đang vươn lên những ngọn dừa trĩu trái. Không biết vị hạt phù sa ngọt ngào của dòng sông Khánh Lộc hay vì được bom pháo nhiều lần cày đi xới lại, mà cũng có thể do mỗi tấc đất đều thấm máu xương mà đồng đất Khánh Lộc hôm nay tươi tốt lạ thường. Người đã sống chết cùng đất thì đất cũng đang trở mình dâng hết mầm xuân cho cuộc đời ngày mai no ấm.
- Có một chi tiết thú vị mà thế hệ trẻ Khánh Lộc hôm nay ít người biết! - Chú Chín Thôi lại lên tiếng, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi: Cái nền gạch ngôi nhà cổ từng chứng kiến những giây phút quyết định lịch sử, hơn trăm năm trước chính là nơi sanh ra, lớn lên của một danh nhân - Tiến sĩ Bạch!
- Tiến sĩ Bạch? Có phải là Tiến sĩ Luật học Phạm Văn Bạch, nguyên Chánh án Tòa án Tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?
- Đúng rồi! - Chú Chín xác nhận: Khánh Lộc là quê ngoại của Tiến sĩ Bạch. Ngôi nhà cổ ấy là của vị Hội đồng hàng tỉnh, ông ngoại của Tiến sĩ Bạch. Sau hồi “tiêu thổ kháng chiến” đầu chống Pháp, ngôi nhà bị phá hủy chỉ còn cái nền gạch kiền chân bằng đá xanh cho tới ngày nay…
Khánh Lộc trên bước đường điền dã tư liệu đã cho tôi những phát hiện thú vị. Lịch sử có những trùng hợp ngẫu nhiên của nó. Những ngày cuối cùng của đất nước còn trong hoàn cảnh chia cắt, giữa thủ đô Hà Nội, chắc chắn vị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao không thể hình dung được cái nền gạch của ngôi nhà thân yêu của mình đang diễn ra những cuộc họp mang tính quyết định. Và, những vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Trà Vinh hồi ấy, khi chọn cái nền gạch hoang vu làm chỗ đứng chân chỉ đạo chiến dịch giải phóng quê hương cũng chắc chắn không biết rằng ấy là nơi từng phát tích một danh nhân mà tên tuổi và sự nghiệp đã góp phần làm rạng danh cho quê hương Trà Vinh.
Giữ gìn cái nền gạch ấy như một chứng tích lịch sử cho đời đời con cháu sau này! - Ý nghĩ ấy cứ bám lấy tôi trên suốt chặng đường rời Khánh Lộc.
Bài, ảnh: TRẦN DŨNG
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.