25/12/2022 13:12
Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện được chị em phụ nữ Khóm 3, Phường 1 tích cực hưởng ứng.
Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh do tác động của việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn nghèo thuộc khu vực nông thôn quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 từ 0,7 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng và Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2022 của ngành BHXH tỉnh Trà Vinh và ảnh hưởng đến thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao, ngay từ đầu năm 2022, BHXH tỉnh Trà Vinh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo công tác BHXH, BHYT; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức sơ, tổng kết các hoạt động phối hợp và trao đổi các giải pháp tuyên truyền, vận động, thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022.
Đồng thời, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã đẩy mạnh tổ chức các cuộc hội nghị tuyên truyền; hội nghị khách hàng tập trung vào từng nhóm đối tượng để vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường hoạt động truyền thông nhóm nhỏ và huy động sự chung tay đóng góp của các nhà hảo tâm hỗ trợ mua sổ BHXH tự nguyện, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình truyền thông hiệu quả năm 2021. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể đã giúp cho công tác truyền thông chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được nhiều thuận lợi và mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các đơn vị liên quan tổ chức được 604 hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại, hội nghị khách hàng,... với khoảng 24.772 lượt người tham dự; hoạt động truyền thông nhóm nhỏ được xem là mang lại hiệu quả đã được duy trì và tăng cường tổ chức với khoảng 1.136 cuộc với khoảng 3.439 lượt người được truyền thông.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã tổ chức các đợt truyền thông trực quan theo văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Đồng thời, phát hành các tờ rơi, tờ gấp,... truyền thông về BHXH, BHYT với tổng số sản phẩm truyền thông đã in ấn, phát hành khoảng 86.656 bản ấn phẩm; tổ chức 02 cuộc ra quân cấp tỉnh, cấp huyện và 02 cuộc ra quân toàn quốc nhân Tháng Vận động triển khai BHXH toàn dân và Ngày BHYT Việt Nam (01/7); tăng cường truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở với khoảng 1.369 lượt; tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí địa phương đăng tải, phát sóng trên 65 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục về BHXH, BHYT; truyền thông trên Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh với khoảng 911 tin, bài, văn bản, video, infographic,... được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử BHXH các tỉnh; đẩy mạnh truyền thông trên môi trường internet, mạng xã hội như Facebook, zalo,… với khoảng 1.089 sản phẩm truyền thông (tin, bài, video, phóng sự...) được đăng tải, chia sẻ trên trang fanpage, zalo, youtube của BHXH các tỉnh và công chức, viên chức và người lao động.
Đặc biệt, trong năm 2022, BHXH tỉnh đã tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) triển khai và nhân rộng hình thức hùn vốn xoay vòng mua BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; mô hình “Phụ nữ tiết kiệm nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh.
Tính đến nay, đã thành lập trên 60 tổ “Phụ nữ tiết kiệm nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện” với hơn 800 thành viên; 70 tổ tiết kiệm mua BHYT với gần 900 thành viên. Ra mắt nhiều mô hình mới như mô hình “1+1” vận động hội viên phụ nữ và hộ dân tham gia BHXH tự nguyện tại các xã, thị trấn với ý nghĩa là một chi hội trưởng, chi hội phó tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân và vận động thêm một người thân tham gia BHXH tự nguyện của Hội LHPN huyện Tiểu Cần, theo đó đã tổ chức 08 cuộc với 120 người tham gia BHXH tự nguyện; ra mắt mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm” hỗ trợ phụ nữ yếu thế và người dân có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHXH tự nguyện, BHYT của Hội LHPN huyện Càng Long, sau 05 tháng triển khai đã hỗ trợ 10 thẻ BHYT và hơn 01 triệu đồng tiền mặt cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Để tiến tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trong việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chính sách BHXH, BHYT và tích cực tham gia để được hưởng các chính sách an sinh xã hội, nhằm không để ai bị nằm ngoài “lưới an sinh” của Đảng, Nhà nước.
Bài, ảnh: HỒNG ĐẬM
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.