14/07/2021 05:07
Cơm cà ri dê. Ảnh: BÁ THI
Trong quá trình sinh sống, mỗi tộc người có cách ứng xử khác nhau với môi trường tự nhiên, với môi trường xã hội và với chính bản thân, mà qua đó, hình thành sắc thái văn hóa riêng. Một biểu hiện khá tập trung của văn hóa là ẩm thực. Hiểu theo nghĩa đó, ăn uống không còn là nhu cầu sinh học tối thiểu của con người, nghĩa là không chỉ ăn cho no bụng, uống để giải khát nhằm duy trì sự sống, mà ăn uống đã vượt lên theo tiêu chí ngon miệng, đẹp mắt, ấm áp tình người, tức ăn uống có nghệ thuật. Do đó, văn hóa ăn uống - văn hóa ẩm thực thực sự là một phần máu thịt, cốt cách, tâm hồn đặc trưng và là niềm tự hào của mỗi tộc người. Tất nhiên, như mọi thành tố văn hóa khác, văn hóa ẩm thực từng tộc người cũng cần có những điều kiện để có thể dễ dàng thực thi trong thực tế cuộc sống, mà điều kiện tiên quyết nhất là số lượng cá thể của tộc người đó phải đủ đông, quần tụ thành quần cư nhất định - ví dụ, một người phụ nữ gốc Thái Tây Bắc có chồng là cán bộ tập kết, sau giải phóng theo về sinh sống tại Trà Vinh, chắc chắn sẽ không có điều kiện nấu nướng những món ẩm thực đặc trưng, vốn là niềm tự hào của cư dân Điện Biên, Sơn La, Nghĩa Lộ. Đáp ứng điều kiện tiên quyết đó, ở Trà Vinh, văn hóa ẩm thực của cư dân người Việt, người Khmer, người Hoa, người Ấn… thường xuyên được thực hiện trong cộng đồng dân tộc mình như một sắc thái văn hóa riêng biệt, góp vào và định hình bản sắc văn hóa ẩm thực Trà Vinh.
Như một khái niệm khá phổ biến, văn hóa được hiểu là những gì còn đọng lại sau khi chúng ta đã quên đi những điều đã học, đã đọc, đã hiểu. Vậy thì, “những món ăn còn đọng lại” trong tâm trí mỗi người con Trà Vinh xa xứ hay khách du lịch đường xa từng có dịp đến vùng đất này là gì?
Có lẽ, không địa phương nào trên đất nước này mà “thực đơn” ăn sáng tại các quán ăn uống bình dân đến các nhà hàng sang trọng lại phong phú, đa dạng như ở thành phố Trà Vinh. Trong quan hệ công tác, chúng tôi hay đi nhiều tỉnh thành bạn và cũng thường xuyên tiếp đón những người nhà nghiên cứu văn hóa, văn học nghệ thuật, mà sau này gặp lại thì hầu hết trong họ đều ấn tượng sâu đậm với những món ăn, thức uống từng một lần nếm thử dưới bóng cây xanh cổ thụ thành phố Trà Vinh. Càng ngạc nhiên và ấn tượng hơn, khi chúng tôi giới thiệu ngọn ngành đó là những tinh hoa văn hóa ẩm thực của người Khmer, người Hoa, người Ấn… mà các thế hệ cư dân Trà Vinh đã “cộng đồng hóa” xem như tài sản chung của quê hương, xứ sở mình.
Người Hoa là tộc người có nền văn hóa ẩm thực lâu đời và nổi tiếng được cả thế giới thừa nhận, qua câu thành ngữ “cơm Tàu, nhà Tây, vợ Nhựt”. Người Hoa đến Trà Vinh sinh sống, mang theo tinh hoa ẩm thực dân tộc mình, góp vào “thực đơn” ăn sáng Trà Vinh những món được nhiều người ưa thích như: quán Mì vịt tiềm Thanh Phong hay Mì vịt tiềm Ngã ba Đuôi cá; quán cơm Xá xíu và mì vằn thắn, xíu mại Phú Thịnh trên đường Lê Lợi cùng những xe bánh mì thịt quay, bánh mì thịt phá lấu cố định khắp các đường phố.
Tuy nhiên, độc đáo hơn cả là quán cơm Giò heo hầm của bà chủ người Hoa Nguyên Phát. Vào quán, thực khách thích thú với cách bày biện đơn sơ, gợi nhớ thế hệ những Hoa kiều đầu tiên đến vùng đất Nam Bộ, với những khoanh giò heo hầm củ cải trắng mềm, dai và thơm phức đựng trong bộ chén dĩa gốm thô Lái Thiêu, cùng ấm trà to đùng để sẵn trên bàn để khách tự rót vào chính cái chén mình vừa ăn cơm xong. Đơn giản và bình dân đến độ, không thể tìm ra ở bất cứ tỉnh thành nào ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, khi hàng gốm sứ ngoại nhập tinh xảo đã hiện diện khắp mọi nơi.
Bún nước lèo Trà Vinh. Ảnh: BT
Người Khmer gắn bó với ruộng đồng, rẫy bái, quen ăn no chắc bụng nên những món ăn đặc trưng của họ ít khi có mặt ở các nhà hàng sang trọng. Lần vào những ngôi chợ lớn nhỏ, thường thấy những dì Khmer đầu quấn khăn rằn, ngồi tỉ mẩn giữ lửa cho đều dưới chiếc trã đất, lấy hơi nước thiệt sôi làm chín hai chiếc “nụm tầm phộng” bên trên. “Nụm tầm phộng” là bánh ống của người Khmer làm bằng bột, dừa nạo và đường trộn đều vào nhau, khi hấp chín ăn ngọt, thơm, bùi bùi… no và rẻ. Tuy nhiên, món ăn đặc trưng của người Khmer mang tính phổ biến nhất trong thực đơn ăn sáng của cư dân Trà Vinh là món “Nậm chóc tức plọ” - bún nước lèo. Rất đơn giản, nước lèo được nấu từ loại mắm Prồhốc và cá kèo tạo ra mùi vị vô cùng đặc trưng, ăn với bún và rau ghém (bắp chuối, bông súng, giá hẹ…). Có thể nói, bún nước lèo có mặt khắp các đường phố, chợ búa, làng mạc, được mọi tầng lớp cư dân Trà Vinh ưa chuộng bởi những ưu thế không món ăn nào sánh bằng là no và rẻ.
Người Ấn ở Trà Vinh không đông, tổng cộng cũng chỉ vài trăm người, nhưng văn hóa ẩm thực người Ấn ảnh hưởng lên ẩm thực cộng đồng cũng như bản sắc văn hóa ẩm thực Trà Vinh là khá mạnh mẽ. Điển hình là món cơm cà ri dê. Nhiều thực khách lần đầu tới Trà Vinh, nhất là khách đến từ các tỉnh phía Bắc, rất ngạc nhiên và thích thú với món ăn độc đáo này, bởi nó lạ từ cách chế biến tới hương vị, khẩu vị.
Thực ra, món cà ri tuy xuất phát từ Ấn Độ và các nước Nam Á đã được Việt hóa từ rất lâu và phổ biến khắp các tỉnh Nam bộ. Nhưng đó là món cà ri béo, nấu bằng thịt gà, thịt vịt, nước cốt dừa, cho thêm vài loại củ xắt to như khoai môn, khoai lang hoặc cầu kỳ hơn là khoai mì bào nhuyễn rồi vắt lại thành viên cỡ nắm tay. Nồi cà ri Việt nước nhiều, ăn với bánh mì hoặc bún. Cũng món cà ri nhưng cà ri Ấn tại Trà Vinh được những gia đình Ấn kiều nấu bằng thịt dê, nước sệt, rất cay và độc đáo nhất là ăn với cơm như các quán Ja ở đường Điện Biên Phủ, quán Fatima ở đường Kiên Thị Nhẫn… Trên dĩa cơm trắng tại các quán này có một chút cơm màu vàng, hạt cơm mướt óng ánh, nhìn khá hấp dẫn. Thực ra, đây không phải là sự trang trí cho bắt mắt, mà chút cơm vàng ấy là một phần tinh hoa ẩm thực mà các thế hệ kiều dân Ấn Độ luôn trân trọng giữ gìn.
Nếu người Việt, người Hoa (cả Hàn và Nhật) dùng đũa, người phương Tây dùng muỗng nĩa thì người Ấn và các nước Nam Á truyền thống khi ăn uống vẫn bốc tay. Do vậy, cơm của người Ấn thường nấu với nghệ và nước cốt dừa, cho dễ dùng tay se lại thành viên, trước khi cho vào miệng. Cơm nấu theo kiểu đó, người Ấn gọi là “nị” - cho nên món cà ri ăn với cơm, theo kiểu Ấn, được gọi là “cà ri nị”. Cà ri nị, mới dùng vài lần hơi khó ăn bởi vị béo và quá cay, nhưng dần dần lại đâm ghiền. Bởi vậy, vài năm gần đây, ở thành phố Trà Vinh, xuất hiện hàng chục quán cơm cà ri kiểu Ấn nhưng lại là cà ri gà, cà ri vịt, thậm chí cà ri ếch dễ ăn và rẻ tiền hơn món cà ri dê Ấn Độ chính hiệu.
Trong quá trình chung sống qua mấy thế kỷ, sự tiếp biến (tiếp nhận để biến đổi) văn hóa giữa các tộc người cộng cư trên một vùng đất là tất nhiên, không thể tránh khỏi. Nhiều người ví von một cách hình tượng: Đời sống văn hóa như đời sống một dòng sông. Có chảy, sông mới sống; đứng yên, sông sẽ chết. Trên dòng chảy của mình, sông văn hóa sẽ tự đào thải cái cũ lạc hậu, không còn phù hợp và đồng thời tiếp nhận, dung hòa thêm những cái hay, cái đẹp. Bản sắc văn hóa một vùng đất là hợp lưu các dòng chảy sắc thái văn hóa của từng tộc người. Văn hóa ẩm thực cũng không ngoài quY luật đó.
Muốn được cộng đồng thừa nhận, trước hết với tư cách là một món hàng mang ra bán có nhiều khách quan tâm lựa chọn, thì những món ăn mang tính đặc trưng của người Khmer (bún nước lèo), người Ấn (cà ri nị) khi chế biến phải có sự gia giảm nhất định, vừa giữ được sắc thái riêng vừa tiếp nhận và chiều theo thị hiếu khẩu vị chung.
Nói không quá đáng, trong vô vàn các món ăn, thức uống của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh, bún nước lèo chiếm một vị trí quan trọng trên thực tiễn thị trường cũng như trong tâm hồn người dân Trà Vinh. Từ món ăn bình dân - no và rẻ - dần dần, bún nước lèo trở thành món ăn đặc sản, thành đặc trưng văn hóa ẩm thực của vùng đất này, với những địa điểm vừa là quán ăn vừa là nơi check in du lịch tỉnh nhà như quán Cô Ba Trà Vinh trên đường Mười chín tháng Năm nối dài hay quán Thanh Trà trên đường Phạm Ngũ Lão hoặc quán Cây Sung gần Công viên Tượng đài… Ở đây, trên mâm bàn bún nước lèo, thực khách sẽ nhận ra ngay sự hiện diện của đại diện văn hóa ẩm thực truyền thống của người Khmer, người Việt, người Hoa cùng tồn tại, hòa quyện và cùng tôn vinh nhau. Bún là tài sản chung của văn hóa ba dân tộc và nồi nước lèo đặc trưng của tộc người Khmer đã được gia giảm lượng mắm Prồhốc để thêm một chút mắm sặc, mắm cá linh Châu Đốc cho hấp dẫn hơn cả thính giác, vị giác và khứu giác. Cạnh đó, là dĩa bánh cống (người Trà Vinh gọi là bánh giá) hoặc chả giò đặc trưng của tộc người Việt và dĩa thịt heo quay đặc trưng của người Hoa. Điều thú vị là chiếc bánh giá hay miếng thịt quay trong tô bún nước lèo khi ăn vào sẽ khác hẳn với miếng bánh giá gói rau chấm nước mắm chua hay miếng thịt quay ăn kèm bánh hỏi, tạo thành món ăn lạ và cách ăn lạ nhưng hài hòa một cách lạ lùng. Và, tô bún nước lèo kèm bánh giá, thịt quay cũng đã tách khỏi tô bún nước lèo bình dân, lấy no và rẻ làm chính, để trở thành món ăn đặc sản số một Trà Vinh, đường hoàng bước vào những quán ăn, nhà hàng sang trọng, được cư dân Trà Vinh tự hào khi tiếp đãi khách đường xa.
Qua mấy thế kỷ cùng chung lưng đấu cật vượt qua bao khó khăn thách thức của cuộc sống, từ buổi khai phá lấn rừng lập ấp ban đầu, từ hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc đã qua, đến giai đoạn lao động xây dựng cuộc sống văn minh, giàu đẹp hiện nay, tình đoàn kết đã trở thành tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh. Tình đoàn kết thể hiện ở nhiều lĩnh vực đời sống vật chất lẫn tinh thần, tạo nên bản sắc văn hóa chung của cả vùng đất nhưng cũng tạo điều kiện để giữ gìn và phát huy sắc thái văn hóa riêng của từng tộc người. Buổi sáng, hãy đưa cả gia đình đến một quán ăn, bên tô bún nước lèo nồng nàn hương vị, cùng ngẫm nghĩ tận cùng các giá trị văn hóa chung và riêng cũng như thấm nhuần lời di huấn về sự đoàn kết chung lòng mà các thế hệ đi trước gởi lại đời đời cháu con sau này.
TRẦN DŨNG
Tối 25/11, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Trà Cú (Khóm 5, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú), Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Trà Cú tổ chức khai mạc “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn huyện Trà Cú”.