13/02/2022 06:01
Ban Chấp hành Xã Đoàn Long Sơn tham quan rẫy đậu bắp giống của đoàn viên Đoàn Tuấn Anh (giữa).
Nổi bật trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế là mô hình hợp tác trồng màu trên đất giồng cát của Chi đoàn ấp Huyền Đức. Anh Huỳnh Văn Lâm, Bí thư Chi đoàn ấp Huyền Đức cho biết: hiện Chi đoàn có 15 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), trong đó, có 10 ĐVTN thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Phần đông điều kiện kinh tế của đoàn viên gặp nhiều khó khăn, không đất canh tác.
Những năm trước, nhiều đoàn viên thường đi làm ăn xa, nên việc tập hợp đoàn viên vào sinh hoạt định kỳ của tổ chức Đoàn còn hạn chế, chất lượng hoạt động của tổ chức sinh hoạt không đảm bảo. Năm 2017, Chi đoàn vận động đoàn viên tham gia trồng màu bằng hình thức mượn đất sản xuất của hộ khá hỗ trợ đoàn viên nghèo không đất sản xuất với diện tích ban đầu 0,5ha đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân trên 15 triệu đồng/ha/vụ. Nhận thấy hiệu quả, Chi đoàn vận động thành lập mô hình “Tổ hợp tác trồng màu trên đất giồng cát”.
Cùng với đó, Tổ hợp tác được địa phương quan tâm tạo điều kiện tiếp cận vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 300 triệu đồng đầu tư vào sản xuất trồng màu mang lại hiệu quả cao. Đến nay, Chi đoàn đã vận động mượn 12ha đất cho ĐVTN nghèo mượn đất trồng màu, sản xuất 10 vụ mùa (dưa hấu, bí đao, khổ qua, củ cải,…) sau khi thu hoạch các thành viên trong tổ thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/thành viên/vụ. Qua 04 năm canh tác có 04 ĐVTN thoát nghèo, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho ĐVTN tại địa phương nhằm cải thiện cuộc sống gia đình, thúc đẩy tinh thần của các thành viên trong tổ an tâm sản xuất.
Đoàn viên Đoàn Tuấn Anh, ấp Huyền Đức là hộ nghèo không đất canh tác, thiếu vốn đầu tư sản xuất. 03 năm trước, anh được Chi đoàn hỗ trợ cho mượn đất sản xuất và hỗ trợ vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng đầu tư vào việc trồng màu đem lại hiệu quả kinh tế cao và vươn lên thoát nghèo trong 02 năm qua. Tuấn Anh cho biết: hiện anh được Chi đoàn hỗ trợ cho mượn 0,5ha đất trồng 02 vụ màu (đậu bắp giống) kết hợp trồng 02 vụ lúa.
Đối với việc trồng đậu bắp giống nếu được mùa được giá lợi nhuận 06 - 07 triệu đồng/1.000m²/vụ. Thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng màu, sau đó anh thuê thêm 0,7ha đất để trồng màu. Với 1,2ha đậu bắp hiện nay sắp thu hoạch, lợi nhuận ước đạt trên 60 triệu đồng. Do chi phí đầu tư vụ màu năm nay tăng cao nên lợi nhuận sẽ giảm so với các vụ trước. Thời gian tới, anh hy vọng được các ngành, các cấp tạo điều kiện tiếp cận thêm vốn vay ưu đãi để đầu tư nuôi bò sinh sản, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống hơn.
Theo anh Huỳnh Văn Lâm, tuy mô hình mượn đất sản xuất góp phần thúc đẩy kinh tế giảm nghèo trong ĐVTN, nhưng vẫn còn khó khăn do giá đầu ra nông sản bấp bênh, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nên thu nhập trong năm 2021 giảm, trong khi đó chi phí đầu tư sản xuất ngày càng tăng cao. Do đó, chi đoàn mong muốn tiếp cận vốn vay để nhân rộng mô hình trồng màu và tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch phát triển thêm mô hình nuôi bò sinh sản tạo việc làm cho đoàn viên, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Anh Dương Quang Phục, Bí thư Xã Đoàn Long Sơn cho biết: xuất phát từ xã nghèo, vùng sâu, có hơn 50% đồng bào Khmer sinh sống. Nhiệm kỳ qua, để hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế lập thân lập nghiệp tại quê hương, Xã Đoàn đã tranh thủ các nguồn vốn của dự án thành lập các mô hình nuôi gà, nuôi bò sinh sản, trồng màu và giải ngân vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 247 ĐVTN vay với tổng số tiền gần 7,5 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 160 ĐVTN; hỗ trợ 05 căn nhà nhân ái cho thanh niên nghèo với số tiền 160 triệu đồng, đưa 03 thanh niên tham gia xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, từ đó góp phần nâng thu nhập của xã lên hơn 52 triệu đồng/người/năm.
Song song đó, Xã Đoàn triển khai thực hiện công tác đào tạo thế hệ trẻ đạt hiệu quả như: mô hình “Nuôi heo đất vì bạn nghèo”, “Đỡ đầu học sinh nghèo hiếu học”… Về XDNTM, Xã Đoàn vận động ĐVTN trong xã tham gia thực hiện nhiều công trình phần việc như: thắp sáng đường quê tại ấp Sơn Lang, Sóc Giụp, Tân Lập, Huyền Đức và Ô Răng với kinh phí 208 triệu đồng. Duy trì đảm nhận các tuyến đường an toàn giao thông, cổng trường an toàn giao thông; các hoạt động đội thanh niên xung kích giữ gìn trật tự, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện 03 công trình thanh niên; phát quang bụi rậm, vệ sinh cảnh quan môi trường;… trong năm 2021, Xã Đoàn tích cực tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kết quả vận động 80 phần quà nhu yếu phẩm và gần 500kg rau, củ, quả tặng cho các hộ dân khu phong tỏa; 417 khẩu trang, kính chống giọt bắn, nước sát khuẩn;…
Nhiệm kỳ tới, Xã Đoàn Long Sơn tiếp tục duy trì các mô hình hình kinh tế hiện có như: trồng màu, nuôi bò sinh sản và nhân rộng sang các ấp Sơn Lang và Long Hanh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ sáng tạo, xung kích bảo vệ Tổ quốc, đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp…
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Thời gian qua, ĐVTN huyện Cầu Kè không ngừng cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, vượt khó thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giàu ở địa phương. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương ĐVTN tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp trong phát triển kinh, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Anh Phạm Thanh Nhiên, Bí thư Chi đoàn ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu vượt khó làm kinh tế giỏi để thoát nghèo.