10/12/2024 10:11
Đồng chí Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh (bên phải) giới thiệu các sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh.
Phát huy văn hóa bản địa trong du lịch
ĐBSCL nằm ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông, có diện tích khoảng 40.640km², chiếm khoảng 12,3% diện tích cả nước, dân số hơn 17 triệu người, với 01 thành phố và 12 tỉnh: thành phố Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. ĐBSCL thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước.
Đây còn là “vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát triển ĐBSCL như: Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Cùng với nỗ lực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác, những năm gầy đây ĐBSCL đã có bước phát triển khá, đạt được nhiều thành tựu trên các mặt trong phát triển kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
ĐBSCL có cảnh quan sinh thái đặc trưng là vùng đồng bằng và biển đảo, một vùng sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, kết hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Với những đặc trưng riêng, ngành du lịch ĐBSCL từng bước được đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa giúp cho du khách có nhiều trải nghiệm và thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, mice (kết hợp du lịch với sự kiện, hội thảo, khen thưởng…), văn hóa - lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp… là những sản phẩm đặc trưng và thu hút khách du lịch đến với vùng ĐBSCL. Cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, du lịch vùng ĐBSCL đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh tại khu vực nói riêng và của cả nước nói chung.
Theo số liệu từ Hiệp hội du lịch ĐBSCL, trong 06 tháng đầu năm 2024, tổng số khách đến ĐBSCL gần 30 triệu lượt, tăng 11,20% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế trên 1,3 triệu lượt, tăng 38,72% so với cùng kỳ 2023; khách nội địa trên 28,6 triệu lượt, tăng 10,22% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch trong 06 tháng đầu năm 2024 đạt trên 34.800 tỷ đồng, tăng 33,02% so với cùng kỳ 2023.
Với mong muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để du khách lựa chọn ĐBSCL là điểm đến trong hành trình về vùng đất phương Nam. Tại hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh phía Bắc diễn ra chiều ngày 21/11, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị quản lý du lịch và các doanh nghiệp làm du lịch đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng. Trong đó, từ địa phương cực Nam của Tổ quốc, du lịch Cà Mau “trình làng” các sản phẩm như: các điểm đến rừng U Minh Hạ, mũi Cà Mau, biển Khai Long hay đầm Thị Tường và hệ thống rừng ngập mặn…
Đối với du lịch Trà Vinh, là vùng đất gắn bó lâu đời của 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa và các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm. Đặc biệt, Trà Vinh được xếp hạng thứ 3 trong top 15 thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất Đông Nam Á. Đây chính là lợi thế để Trà Vinh phát huy và xây dựng nhiều sản phẩm du lịch theo hướng du lịch xanh dựa trên 02 yếu tố thiên nhiên và văn hóa. Bên cạnh, ẩm thực tại Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú với nhiều món ngon nổi tiếng như: dừa sáp Cầu Kè, bánh tét Trà Cuôn, bánh canh Bến Có, bún suông… góp phần tạo thêm sự khác biệt cho du khách khi đến Trà Vinh.
Đẩy mạnh hợp tác cùng phát triển
Trên cơ sở những thế mạnh đặc trưng và lợi thế về du lịch của 02 vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Bắc, đa số đại biểu tham dự Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch của 02 vùng đều khẳng định sẽ cùng nhau đẩy mạnh hợp tác để cùng phát triển.
Đoàn khảo sát của Hiệp hội du lịch ĐBSCL tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, thành phố Hải Phòng.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Bắc Giang, Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL tại tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc là cơ hội quý để Bắc Ninh và vùng ĐBSCL, nơi được mệnh danh là “vùng đất chín rồng” cùng trao đổi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác để cùng nhau phát triển bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thị Nga khẳng định, ĐBSCL nổi tiếng là vùng đất trù phú, đa dạng về sinh thái và văn hóa. Các sản phẩm du lịch nổi tiếng như: chợ nổi, miệt vườn, khu du lịch sinh thái đã thể hiện nét đặc trưng độc đáo về văn hóa sông nước Nam Bộ. ĐBSCL có hệ sinh thái tự nhiên phong phú và nền ẩm thực đa dạng. Đây là điểm đến lý tưởng không chỉ cho du khách trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Hy vọng thời gian tới sự liên kết về du lịch giữa các vùng sẽ đưa ngành du lịch Việt Nam không ngừng vươn xa và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết, Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch lần này là hoạt động giúp các doanh nghiệp có thể kết nối với các công ty lữ hành của 02 vùng để tăng cường đưa đón khách đến với ĐBSCL, đồng thời đưa khách vùng ĐBSCL đến với các tỉnh phía Bắc.
Cùng với Hội nghị, Hiệp hội du lịch ĐBSCL kết hợp tổ chức chuyến khảo sát các điểm đến tại 02 địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, các hộ làm du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung có thể giao lưu, học tập những cách làm hay, hiệu quả. Để từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra các sản phẩm mới phù hợp hơn để thu hút du khách đến với ĐBSCL trong thời gian tới.
Sau Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch lần này cơ quan quản lý du lịch Trà Vinh sẽ định hướng, thúc đẩy các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh tăng cường mối quan hệ, liên kết với các công ty lữ hành phía Bắc nói chung và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng nói riêng để đưa khách đến ĐBSCL, đến Trà Vinh và ngược lại. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh sẽ tranh thủ tham mưu lãnh đạo tỉnh tiếp tục có những cơ chế đặc thù để phát triển ngành du lịch cũng như các chính sách khuyến khích các công ty lữ hành và doanh nghiệp, các hộ làm du lịch tạo ra các sản phẩm riêng biệt của mình để đón các dòng khách từ các tỉnh phía Bắc đến với ĐBSCL và đến với Trà Vinh trong thời gian tới.
Bài, ảnh: BÁ THI
Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Trà Vinh phối hợp với huyện Tiểu Cần tổ chức trao tặng 300 phần quà cho trẻ khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. đây là hoạt động nhân kỷ niệm 32 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật (03/12/1992- 03/12/2024).