06/06/2023 10:14
Giải đấu diễn ra tại Sân vận động trung tâm huyện Bắc Hà.
Cũng như những mùa giải trước, Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà lần thứ 16 được tổ chức 3 vòng: Vòng đấu loại, bán kết và chung kết.
7 giờ 30 phút ngày 03/6, tại sân trước của Dinh thự Hoàng A Tưởng, người dân và du khách đã đứng kín chờ đợi chương trình nghi lễ chuẩn bị cho giải đua. Theo truyền thống xa xưa, trước khi tổ chức đua ngựa, thầy cúng sẽ thực hiện nghi lễ cầu thần linh trên trời, thổ địa bảo vệ cho đoàn người, ngựa được an lành trong suốt chặng đường đua. Hoàn tất các thủ tục tâm linh, các nài ngựa cùng với chú ngựa đua của mình diễu hành quanh đường phố Bắc Hà về Sân vận động trung tâm huyện trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân và du khách.
Tiết trời trước giờ đua rất mát mẻ, có mưa, gió nhẹ, theo kinh nghiệm của những nài ngựa chuyên nghiệp, đây là tiết trời lý tưởng cho cuộc đua.
Đúng 9 giờ sáng, sau hiệu lệnh xuất phát, 104 nài ngựa đến từ huyện chủ nhà Bắc Hà và các huyện Si Ma Cai, Bát Xát chia làm 21 lượt bước vào tranh tài trên đường đua. Trong đó, Bắc Hà có 92 nài ngựa, huyện Si Ma Cai và Bát Xát mỗi huyện có 6 nài ngựa. Các nài ngựa sẽ tranh giải cá nhân và đồng đội theo nội dung đăng ký với Ban Tổ chức. Cự ly tranh tài tại vòng loại là 1.900 m. Kết thúc vòng loại, 32 nài ngựa có thời gian thi đấu ít nhất, không phạm quy trong quá trình thi sẽ được lựa chọn vào vòng bán kết và tiếp tục thi đấu ở vòng chung kết.
Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà có sự tham gia của những kỵ sỹ vùng cao dùng ngựa thồ của nhà nông, vốn quen việc chuyên chở hàng hóa ra ruộng vườn hoặc lên nương rẫy làm ngựa đua. Đặc biệt, những kỵ sỹ nông dân chân đất đích thực của các dân tộc Mông, Tày, Nùng và nhiều dân tộc khác còn thể hiện bản lĩnh và tài nghệ cưỡi ngựa không có yên cương của người dân vùng cao, đem đến cho người xem những bước ngựa phi đầy kịch tính trong vũ hội cao nguyên.
Không như các giải chuyên nghiệp khác, đến với giải đua, khán giả sẽ được dịp mãn nhãn với pha tung vó của những chú ngựa đã tham gia các mùa giải trước, vốn đã quen với chặng đua; đồng thời cũng được dịp thú vị với những chú ngựa lần đầu tiên tham gia giải, lạ lẫm từ đường đua đến khung cảnh náo nhiệt chốn đông người, nên trở thành “bất kham” trên đường chạy khi không theo điều khiển của chủ nhân. Đây chính là điều thú vị của giải đua trên vùng “cao nguyên trắng”.
Ông Phùng Văn Kỳ, du khách đến từ Phú Thọ không ngừng reo hò, cổ vũ cho các nài ngựa cho biết: Tôi đã đi xem nhiều giải đua ngựa, nhưng quả thực Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà rất đặc biệt, từ kỵ sỹ là nông dân chân chất đến những chú ngựa thồ đậm chất vùng cao. Giải không mang tính chuyên nghiệp, nhưng đã mang đến cho du khách những nụ cười sảng khoái bởi những chú ngựa đua “vụng về”. Tôi sẽ về kể cho bạn bè nghe và sẽ trở lại cùng họ vào mùa giải sau.
Những cuộc rượt đuổi gay cấn trên đường đua.
Tham dự giải năm nay, bên cạnh các gương mặt quen thuộc của các mùa giải trước xuất hiện rất nhiều gương mặt mới. Anh Sùng A Chu, thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù (huyện Bát Xát) lần đầu tham gia Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà cho biết: Những mùa giải trước được xem các bạn bè đua ngựa, tôi thấy rất ấn tượng và mong muốn được trở thành nài ngựa tham gia thi đấu. Từ năm ngoái, tôi bắt đầu tự huấn luyện ngựa của mình để tham gia giải. Lần đầu tiên tham gia nên tôi cũng không đặt mục tiêu cao, chỉ mong cho người và ngựa làm quen với giải để thi tiếp vào những mùa sau.
Trải qua 21 lượt đua, 32 nài ngựa có thành tích cao nhất đã được gọi tên vào vòng thi bán kết. Theo kế hoạch, vòng thi bán kết và chung kết sẽ được tổ chức vào sáng 10/6 tại Sân vận động trung tâm huyện Bắc Hà. Căn cứ vào kết quả thi đấu vòng chung kết, Ban Tổ chức sẽ trao các giải Nhất, Nhì, Ba, Tư cho các nội dung cá nhân, đồng đội.
NGUYỄN LINH (tổng hợp)
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.