15/04/2022 15:40
Hòa chung không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây của đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh, thời khắc đón chào năm mới ai ai cũng đều háo hức. Vào thời khắc đó, mọi sự âu lo, toan tính thường ngày dường như được gác lại để nhường chỗ cho khoảnh khắc sum vầy bên bữa cơm ấm áp của gia đình, thời khắc của những ngày vào chùa lễ Phật, cầu kinh, chúc phúc, cúng dường các chư tăng và ông bà, cha mẹ... Tuy mỗi người, mỗi gia đình đều có những câu chuyện khác nhau trong ngày đầu Chôl Chnam Thmây, nhưng ai ai cũng mong ước bước vào năm mới sẽ được “sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh”.
Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây năm nay, diễn từ ngày 14 - 16/4. Giống như những năm trước, ông Thạch Sa Mươne, ở ấp Truôn, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành chuẩn bị thật tươm tất trước khi bước vào thời khắc đón năm mới.
Ông Sa Mươne chuẩn bị các lễ vật chào đón “Têvađa” mới. Ảnh: SỐC KHA
Ông Sa Mươne cho biết: năm nay đón Têvađa mới vào lúc 10 giờ sáng, nên mọi việc chuẩn bị tương đối thuận lợi hơn những năm trước. Để đón năm mới, trước nhất gia đình tôi phải tự tu chỉnh, sơn phết lại bàn thờ Têvađa (còn gọi là bàn thờ Ông Thiên), ngay trước sân nhà và chuẩn bị các lễ vật như hoa, nến, nhang, cốm, bánh tét. Mâm lễ vật gồm: 05 ngọn nến, 05 nén hương, 05 chén cốm, 02 trái dừa, 02 ly nước, hoa tươi và 11 loại trái cây để đón vị thần mới.
Các thành viên trong gia đình ngồi hành lễ nghiêm trang, khấn vái, cầu mong năm mới được vị thần mới ban phước lành. Sau đó, tôi sẽ kể chuyện thần thoại về sự tích Chôl Chnam Thmây cho con cháu nghe.
Thời khắc đón “Têvađa” mới của gia đình ông Sa Mươne. Ảnh: SỐC KHA
Với đồng bào Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy tất cả các lễ hội đều tập trung tại chùa, đặc biệt là lễ đón Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây.
Ngày đầu tiên “Chôl sangkran Thmây”, đồng bào Khmer sẽ chọn giờ tốt, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran”, đồng thời diễu hành 3 vòng chung quanh chính điện để đón chào Têvêđa mới. Tối đến sẽ tổ chức các trò chơi dân gian và múa hát.
Nghi thức rước Đại lịch “Maha Sangkran”của Phật tử xã Đại An, huyện Trà Cú. Ảnh: SỐC KHA
Ngày thứ hai “Wonbơf”, mọi người bày tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang đồ ăn thức uống đến dâng các sư sãi. Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no, đầy đủ. Buổi chiều theo sự hướng dẫn của vị Achar, Phật tử làm lễ “Đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành. Tập tục này gắn với thuật cầu mưa của người xưa.
Các vị sư chùa Đom Bon Phak, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải đang Puôn phnôm khsach. Ảnh: SU CHỊA
Ngày thứ ba “Lơn săk” cũng là ngày chính tập hợp Phật tử đến chùa để bắt đầu nghi lễ tắm Phật. Các nhà sư, vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật. Trong làn khói hương, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong trời phật gia hộ cho gia đình, xóm ấp được dồi dào sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi và mùa màng bội thu.
Phật Tử ấp Mé Rạch B, xã Đại An, huyện Trà Cú cầu mong năm mới được “sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh”. Ảnh: SỐC KHA
Trải qua thời gian, phong tục đón Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây ít nhiều đã có sự thay đổi để phù hợp với từng địa phương, từng gia đình và sự phát triển của xã hội. Thế nhưng, những giá trị thiêng liêng mang đậm cốt cách, văn hóa và tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ trong các nghi lễ chính đón tết cổ truyền vẫn được các thế hệ lưu giữ.
Hòa thượng Kim Sô Thi, Trụ trì chùa Bâng, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú cho biết: Sư xuất gia từ năm 1979 và theo học giáo lý Phật học ở nhiều chùa trên địa bàn huyện Trà Cú đến nay. Do vậy tính đến nay, sư hạ xuất gia trên 40 năm và đã chứng kiến nhiều năm tổ chức lễ Chôl Chnam Thmây tại nhiều chùa trên địa bàn huyện.
Hòa thượng Kim Sô Thi. Ảnh: SÂM BÁT
Theo Hòa thượng Kim Sô Thi, Chôl Chnam Thmây hiện nay có một số nghi lễ khác hơn Chôl Chnam Thmây ngày xưa. Ngày xưa đồng bào Khmer cả già lẫn trẻ mỗi khi có dịp Chôl Chnam Thmây thường chỉ tập trung đến chùa vào giảng đường để nghe các vị sư thuyết pháp.
Ngày nay, bên cạnh đến chùa nghe các vị sư thuyết pháp thì thanh thiếu niên còn tham gia các trò chơi dân gian và giao lưu văn nghệ. Do vậy hầu như năm nào cũng vậy, ngoài đảm bảo các nghi thức tín ngưỡng truyền thống, thì chùa thường mời ban nhạc đến biểu diễn phục vụ vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19, Chùa Bâng cũng hạn chế một số nghi thức, văn nghệ nhằm tránh sự tập trung đông người để phòng, chống dịch bệnh cho Phật tử, sư sãi.
Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Chôl Chnam Thmây là thời kỳ kết thúc mùa nắng chuẩn bị bước sang mùa mưa. Là thời điểm trời đất giao hòa, muôn cây xanh tốt, đâm chồi nảy lộc, khởi đầu cho một năm mới. Trong câu chuyện đầu năm mới năm nay, anh Thạch Kênh ở ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú không quên nhắc lại niềm vui đạt giải nhất tại Liên hoan Dân ca Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II năm 2022 được tổ chức từ ngày 06 - 08/4/2022 tại tỉnh Sóc Trăng do Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc - Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng và phối hợp thực hiện.
Anh Thạch Kênh biểu diễn Chầm riêng Chà pây đầu Chôl Chnam Thmây. Ảnh: SU CHỊA
Anh Thạch Kênh cho biết: tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, đặc biệt là Chầm riêng Chà pây nên tôi cố gắng giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống của gia đình và của dân tộc. Đến với Liên hoan Dân ca Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, tôi đăng ký tham gia Loại hình nghệ thuật Chầm riêng Chà pây, với bài “Nghĩa tình bốn dân tộc anh em” do tôi tự sáng tác. Khi tham gia liên hoan, tôi chỉ mong muốn giới thiệu và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về loại hình này. Thế nhưng kết quả đạt được ngoài mong đợi, khi Ban Giám khảo xướng tên mình đạt giải Nhất tại hội thi.
Phát huy những thành tích đạt được và để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, đầu Chôl Chnam Thmây nay, những ngón đờn của anh Thạch Kênh tiếp tục trầm bỗng bằng Chầm riêng Chà pây. Những câu chuyện về gia đình, về cuộc sống, về đồng bào Khmer tiếp tục được anh kể lại bằng giai điệu, vần thơ mộc mạc, du dương mang âm hưởng dân ca Khmer Nam Bộ.
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.