02/01/2023 05:38
Gia đình ông Lâm Nhất Luân.
Có chứng kiến các phần thi diễn của gia đình ông Luân, bà Nương và con gái 09 tuổi Lâm Thảo Nguyên, chúng tôi mới cảm nhận được sự đoàn kết, gắn bó và trên hết là niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ này.
Mở đầu phần thi giới thiệu, thành viên nhỏ nhất trong gia đình với giọng nói khá dễ thương: “Kính thưa quý đại biểu, về dự Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu tỉnh Trà Vinh năm 2022 gia đình con gồm 03 thành viên. Thành viên thứ nhất, ba con Lâm Nhất Luân là giáo viên Trường Tiểu học Long Thới B, huyện Tiểu Cần. Thành viên thứ hai, mẹ con Lâm Thị Kiều Nương là giáo viên Trường Tiểu học Long Thới B, huyện Tiểu Cần. Thành viên thứ ba, con Lâm Thảo Nguyên học sinh lớp 3/1, Trường Tiểu học Phú Cần A, huyện Tiểu Cần”.
Nội dung phần giới thiệu, ông Luân khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói “rất quan tâm đến gia đình là đúng. Vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội càng tốt, xã hội tốt thì gia đình mới tốt”. Chính vì vậy xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc luôn thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trong đó có tất cả chúng ta. Thật vậy, muốn xây dựng gia đình văn hóa thì các thành viên trong gia đình phải luôn hòa thuận, thương yêu nhau. Cha mẹ là điểm tựa, là tấm gương sáng cho con noi theo như lời bài thơ “Cho con” của tác giả Tuấn Dũng.
Bộc bạch cùng chúng tôi sau khi kết thúc phần thi, ông Luân cho biết, sau 02 năm lập gia đình và có cháu gái đầu lòng, cuối năm 2013 được cha mẹ cho ra ở riêng. Nói ra ở riêng chứ thật ra gia đình nhỏ này gần như cũng sống gắn bó với cha mẹ. Vì mảnh đất nhỏ mà gia đình đang ở cũng nằm liền kề với cha mẹ và gia đình người chị thứ Hai. Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày sự gắn bó, đùm bọc, thương yêu nhau giữa 03 thế hệ luôn hiện hữu. Hôm nào ông Luân, bà Nương có việc đi công tác hoặc bận việc xa, thì cháu Thảo Nguyên qua ở với ông bà nội...
Một chi tiết đáng trân trọng nữa trong các gia đình này, đó chính là tinh thần hiếu học. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến là danh hiệu “gia đình hiếu học” được chính quyền địa phương trao tặng trong nhiều năm qua đối với 02 đấng sinh thành của ông Luân. Riêng 11 thành viên trong “gia đình lớn” này (ông Luân có 06 anh, chị em) đến nay đã có 02 thành viên là Thạc sĩ, 01 trình độ đại học, 01 trung cấp, còn lại đều tốt nghiệp THPT.
Phát huy truyền thống hiếu học, trong cuộc sống, ngoài việc xây dựng gia đình hạnh phúc, hàng ngày các gia đình đều thi đua với nhau trong từng công việc. Nhờ đó, trong gần 15 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Nhất Luân và cô giáo Kiều Nương đã đạt khá nhiều danh hiệu từ giáo viên dạy giỏi các cấp đến danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Một ấn tượng nữa về gia đình nhỏ này tại Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh vừa qua, đó là trong phần thi xử lý tình huống. Bốc thăm được tình huống liên quan đến vấn đề cha mẹ và quyền riêng tư của con, ông Luân khẳng định, việc người mẹ tự ý xem sổ nhật ký của con trong tình huống là không đúng.
Ông Luân giải thích: Theo Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư… Do vậy, theo ông Luân nếu người mẹ tự ý xem trộm nhật ký của con là vi phạm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Việc cần làm là các bậc cha mẹ nên thường xuyên quan tâm, hỏi han, động viên để em tự chia sẻ suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình.
Bài, ảnh: BÁ THI
Audio: NGỌC DIỄM
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.