31/08/2021 06:08
Chúng tôi có dịp trở lại thăm gia đình cụ Cao Văn Đằng, mà người dân địa phương quen gọi với tên thân thiện: Cụ Hai Đằng (1922 - 2010), ngụ Khóm 9, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long. Cụ Hai Đằng và gia đình đã hơn 50 năm tổ chức lễ giỗ Bác Hồ. Hơn 50 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ mất, gia đình cụ Hai Đằng đã tổ chức lễ giỗ, giờ đây, tuy Cụ không còn nữa, nhưng mỗi năm, khi đến ngày 02/9, các người con của cụ Hai Đằng vẫn đều đặn tổ chức lễ giỗ Bác Hồ.
Anh Cao Văn Vui thắp hương bàn thờ Bác Hồ.
Ngôi nhà của cụ Hai Đằng nằm sâu trong tuyến đường đal; ngôi nhà tường, mái tôn. Bàn thờ để thờ Bác Hồ được đặt trang nghiêm ở gian giữa của ngôi nhà, xung quanh treo nhiều ảnh Bác Hồ. Tiếp chúng tôi, anh Cao Văn Vui, người con trai thứ Sáu của cụ Hai Đằng niềm nở trò chuyện về những lần giỗ Bác, từ trong thời kỳ kháng chiến cho đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng như những năm sau khi cụ Hai Đằng đã mất.
Theo anh Cao Văn Vui, từ khi cụ Hai Đằng mất, ngôi nhà này được giao cho chị Cao Thị Mừng (con gái thứ 5 của cụ Hai Đằng) và chị Cao Thị Rành (con gái thứ 8). Mặc dù “đơn chiếc”, nhưng những người con của cụ Hai Đằng vẫn tiếp tục duy trì tổ chức lễ giỗ Bác Hồ. Theo anh Cao Văn Vui, năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 02/9, lễ giỗ Bác Hồ long trọng được tổ chức tại căn nhà nhỏ này. Thời kháng chiến chống Pháp, cụ Hai Đằng tham gia làm công tác hậu cần, dân quân, tiểu tổ Nông hội... cụ đi vận động tiếp tế cho quân ta. Cụ có 08 người con (04 trai, 04 gái), những người con trai của cụ Hai Đằng cũng nối gót cha tham gia cách mạng, trong đó, có một người đã nằm xuống trong một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Tìm hiểu về gia đình đã tổ chức hơn 50 lễ giỗ kể từ khi Bác Hồ mất, anh Cao Văn Vui chia sẻ: Ba tôi kể lại rằng, những năm 1968-1969, Ba tôi mua được chiếc radio để nghe tin, thời sự của bộ đội Cụ Hồ, cũng nhờ chính chiếc radio mà Ba tôi hay tin Bác Hồ mất. Chiều ngày 03/9/1969, đài phát thanh Hà Nội thông tin về sự ra đi của Bác, vậy là Ba tôi lập bàn thờ để thấp hương, tưởng nhớ Bác từng đêm; đồng thời, cứ đúng 01 năm, theo truyền thống, Ba tôi làm lễ giỗ. Tuy thời kháng chiến khó khăn, nhưng Ba tôi vẫn duy trì cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975); đến khi Ba tôi qua đời, anh em tôi vẫn duy trì tổ chức lễ giỗ cho đến nay.
Sau 30/4/1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, gia đình cụ Hai Đằng cũng như bao nhiêu gia đình khác, cuộc sống kinh tế còn nhiều khó khăn; cụ Hai Đằng đóng một cái tủ nhỏ làm bàn thờ Bác Hồ và đặt trang nghiêm ở gian giữa căn nhà, nơi thường dành thờ cúng tổ tiên. Những lễ giỗ sau những năm mới giải phóng chưa đông người như hiện nay, thời đó, gia đình có gì cụ Hai Đằng cúng nấy, có cá bắt cá, có gà làm gà; người dân địa phương xúm xít cùng nhau giỗ Bác. Gia đình cụ Hai Đằng mỗi năm có đến 06 lễ giỗ, nhưng giỗ của Bác Hồ luôn luôn là lễ giỗ lớn nhất. Vì theo nguyện vọng của cụ Hai Đằng khi còn sống, sau này nếu có làm giỗ cho ông thì làm chung ngày giỗ với Bác Hồ.
“Hồi đó, do kháng chiến ác liệt, làm lễ giỗ đơn giản lắm, chỉ có mấy anh chị em trong nhà thôi, nhưng bây giờ thu hút càng ngày càng đông người, cả trong và ngoài huyện, nhất là lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh cũng về dự” - Anh Cao Văn Vui chia sẻ. Trong 05 năm qua, lễ giỗ được tổ chức với sự thu hút người dân địa phương ngày càng đông, bình quân từ 10-12 mâm. Đặc biệt, trong lễ giỗ, đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND và các đoàn thể của thị trấn Càng Long, Chi bộ Khóm 9 đến dự; đồng thời, trước ảnh Bác, đông đảo khách mời, người dân... lãnh đạo Đảng ủy, UBND thị trấn báo cáo với Bác về những thành tích đã đạt được về phát triển kinh tế-xã hội; quốc phòng - an ninh của thị trấn trong năm qua; những nhiệm vụ trọng tâm của năm tới. “Năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biết phức tạp, không biết tổ chức lớn, nhỏ; đông, ít... nhưng gia đình đã chuẩn bị nuôi con heo để tổ chức giỗ Bác năm nay, mong sao sớm kiểm soát được dịch bệnh Covid-19” - anh Cao Văn Vui bộc bạch.
Lễ giỗ Bác Hồ của gia đình cụ Hai Đằng được tổ chức hàng năm, đây là hoạt động nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết, “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ. Đồng thời, hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: TRƯỜNG HIẾU
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.