12/07/2023 20:41
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 12/7.
Ủy ban Dân tộc cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 công điện, chỉ thị chỉ đạo trực tiếp các cơ quan thực hiện Chương trình; 5 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chủ trì hoàn thiện việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi, ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đảm bảo căn cứ pháp lý để Chương trình triển khai đạt tiến độ, mục tiêu đề ra. Đến nay có 35 văn bản quy định, hướng dẫn triển khai nội dung cụ thể về chương trình đã được cấp Trung ương ban hành.
Ủy ban Dân tộc đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình năm 2023; tổ chức các hội nghị sơ kết 3 năm tình hình triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2023, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai giai đoạn 2026-2030 tại 3 khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và khu vực phía Nam; ban hành Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, trong đó có nội dung nắm tình hình, đôn đốc triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Tổ công tác đã triển khai 1 đoàn công tác đi kiểm tra công tác tổ chức, triển khai tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Theo tổng hợp từ các địa phương có báo cáo, đến ngày 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 thực hiện Chương trình là hơn 7.800 tỷ đồng, đạt 18,54%. Một số tỉnh đạt tỉ lệ giải ngân cao so với bình quân của cả nước là Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Quảng Ngãi.
Một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch giao: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân đạt 3,40% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao); tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỉ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề; tỉ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, THCS, THPT đến trường, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; tỉ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên sẽ vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.
Một số chỉ tiêu dự báo sớm về đích kế hoạch giao như: Tỉ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỉ lệ trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; tỉ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh…
Một số chỉ tiêu liên quan đến nguồn vốn sự nghiệp còn có khó khăn vướng mắc nên tiến độ thực hiện, khối lượng giải ngân vốn thấp so với kế hoạch.
Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hướng dẫn về cơ chế chính sách, trong thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi, trong đó sớm ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, Thông tư số 15/2022/TTBTC, ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính… để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch năm 2023 của chương trình trong 6 tháng cuối năm.
Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội đề xuất điều chỉnh nguồn vốn phù hợp với điều kiện các địa phương; tập trung đôn đốc triển khai có hiệu quả nguồn vốn, nội dung đầu tư của chương trình có trọng tâm, trọng điểm để đạt các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao....
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân, nhất là đồng bào DTTS nghèo trong việc triển khai Chương trình. Triển khai hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp; chú trọng tập huấn nâng cao năng lực phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương cho cán bộ cấp thôn, bản, người dân thuộc địa bàn thực hiện Chương trình.
Theo baochinhphu.vn
Trà Vinh có dân số trên 01 triệu người, có 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm 31,53%, dân tộc Hoa khoảng 0,66% và một số dân tộc khác chiếm 0,05%. Các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm ở Trà Vinh luôn kề vai sát cánh, gắn bó với nhau đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai địch họa và trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.