17/08/2020 05:56
Bà Trần Thị Kim Chung tặng quà cho các cháu thiếu nhi trong ngày đại hội. |
|
Phóng viên: Xin bà cho biết, để đưa NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cầu Ngang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống, huyện cần tập trung các nhiệm vụ đột phá nào?
Bà Trần Thị Kim Chung
Phát huy truyền thống huyện anh hùng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện sẽ đoàn kết khắc phục khó khăn, tập trung các giải pháp đưa NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cầu Ngang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, huyện quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Đó là, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị; XDNTM, phấn đấu hoàn thành huyện NTM vào năm 2022. Phát triển ngành nuôi thủy sản nước lợ thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ đối với cây lúa, cây màu. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Xây dựng và triển khai thực hiện Dự án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, lấy du lịch sinh thái biển Mỹ Long làm trung tâm.
Phóng viên: Để hoàn thành huyện NTM như NQ đề ra, huyện cần tập trung những giải pháp nào? Thưa bà?
Bà Trần Thị Kim Chung
Với quyết tâm xây dựng đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2022, huyện cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; mở rộng dân chủ, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tranh thủ, huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của huyện, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững; giải quyết tốt các vấn đề bức xúc xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; giữ vững, ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển; phấn đấu đến năm 2025 đưa Cầu Ngang trở thành địa phương phát triển trung bình khá của tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện củng cố, nâng chất các tiêu chí xã NTM đạt tiêu chí NTM nâng cao. Đồng thời, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng các xã còn lại đạt tiêu chí xã NTM; phấn đấu đến năm 2022, huyện có 100% xã đạt tiêu chí xã NTM, hoàn thành huyện NTM, có 08/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 03/13 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nâng cao, từng bước hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, có các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phóng viên: Theo bà, để đạt và vượt các chỉ tiêu NQ đề ra ở các lĩnh vực, huyện tập trung các nhiệm vụ trọng tâm nào?
Bà Trần Thị Kim Chung
Cầu Ngang là huyện có thế mạnh về phát triển nông - ngư nghiệp, do đó, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025, huyện tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và XDNTM. Ưu tiên phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, các công trình thủy lợi phục vụ tái cơ cấu sản xuất.
Đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản toàn diện ở cả 03 vùng nước mặn, lợ và ngọt, đa dạng hóa đối tượng nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao, sản xuất theo hướng an toàn dịch bệnh và sản xuất thủy sản sạch. Đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích cây màu, xác định vùng chuyên canh sản xuất tập trung theo hình thức cánh đồng lớn trên các loại cây màu có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định. Phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân đạt từ 12,5 - 13,5%/năm.
Chú trọng đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện; công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo đạt 72% vào năm 2025. Tập trung huy động các nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm dưới 3,5% vào năm 2025.
Thực hiện kịp thời các chính sách người có công, an sinh xã hội; đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Xây dựng lực lượng quân sự và công an trên địa bàn huyện thật sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, thể hiện được vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phóng viên: Là huyện có tiềm năng phát triển du lịch, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện có chiến lược nào để thúc đẩy ngành du lịch phát triển? Thưa bà?
Bà Trần Thị Kim Chung
Cầu Ngang nằm trên cung đường “hành trình kết nối từ sông ra biển” của tỉnh và có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, làng nghề và du lịch tâm linh. Lễ hội Cúng biển Mỹ Long là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và lễ hội truyền thống của cư dân Mỹ Long vào tháng 5 âm lịch hàng năm nhằm tạo cơ hội để địa phương quảng bá và nâng tầm thương hiệu của huyện.
Thực hiện NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình thương mại - dịch vụ; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Phát triển, đổi mới hoạt động kinh tế tập thể theo hướng lành mạnh, hiệu quả, bền vững; nâng cao chất lượng và số lượng doanh nghiệp.
Đặc biệt là khai thác, phát triển hiệu quả các thị trường đối với sản phẩm hàng hóa của huyện, nhất là hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng, sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề đăng ký chất lượng, từng bước xây dựng, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, để tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước.
Kêu gọi đầu tư xây dựng khu thương mại - dịch vụ của huyện và phát triển các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn. Tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành liên quan của tỉnh xây dựng Dự án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái ven biển, Cồn Bần, Cồn Nghêu, Hàng dương gắn với Lễ hội Nghinh Ông của ngư dân Mỹ Long và các lễ hội truyền thống của đồng bào địa phương; tôn tạo và nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa: Di tích Đồng khởi Mỹ Long, chùa Dơi, các chùa Khmer cổ,... để thu hút khách du lịch và tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch để phục vụ du khách.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
MỸ NHÂN (thực hiện)
Tối 25/11, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Trà Cú (Khóm 5, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú), Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Trà Cú tổ chức khai mạc “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn huyện Trà Cú”.