05/04/2022 05:19
Ảnh: KL |
Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết kinh tế nông nghiệp những năm qua trên địa bàn huyện Càng Long có bước phát triển như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Nhủ: Nông nghiệp của huyện Càng Long những năm qua không ngừng phát triển và đạt được những kết quả nhất định. Giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản đạt 4.166 tỷ đồng, tăng bình quân 1,26%/năm, tăng 1,12 lần so năm 2015; năm 2021 đạt 4.381 tỷ đồng, tăng 5,17% so năm 2020, hiện lĩnh vực này chiếm tỷ trọng 40,2% trong giá trị sản xuất toàn ngành.
Cụ thể, diện tích lúa cả năm giữ vững ổn định 33.142,79ha, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha; cây dừa 8.041ha, tăng 1,93% so cùng kỳ; cây ăn trái các loại 5.901ha, tăng 4,06% so cùng kỳ; diện tích cây lác 2.931ha, tăng 2,52% so cùng kỳ; cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày 7.837ha, tăng 2,66% so cùng kỳ hàng năm. Đàn vật nuôi của huyện luôn giữ vững ở mức cao, đàn bò 35.782 con, tăng 7,82% so cùng kỳ, đàn heo 78.773 con, tăng 35,78% so cùng kỳ, đàn gia cầm 2.585.000 con, tăng 5,25% so cùng kỳ.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, nền nông nghiệp của huyện có những chuyển biến quan trọng, tổng diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác khoảng 520ha, cải tạo vườn cây kém hiệu quả trên 200ha, từ đó hình thành một số mô hình sản xuất chuyên canh mang tính tập trung như: mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 4.460ha, năng suất lúa bình quân đạt 7,2 tấn/ha, sản lượng 32.112 tấn, tập trung ở các xã Huyền Hội, An Trường, An Trường A, Mỹ Cẩm.
Mô hình trồng cây lác với diện tích trên 780ha, năng suất trung bình 10 tấn/ha, sản lượng cả năm 19.500 tấn, tập trung ở các xã Đức Mỹ, Đại Phước.
Mô hình sản xuất dừa hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị có trên 280 hộ tham gia với diện tích 410ha, sản lượng cả năm đạt 14.760 tấn trái, tập trung các xã Đại Phước, Đại Phúc, Đức Mỹ, Mỹ Cẩm.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ, diện tích 350ha, sản lượng cả năm 4.200 tấn, tập trung các xã Phương Thạnh, Bình Phú, Huyền Hội.
Mô hình chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang trồng chuyên canh cây cam sành và bưởi da xanh, diện tích khoảng 220ha, sản lượng 1.870 tấn, tập trung các xã An Trường, Tân Bình, Tân An hiệu quả kinh tế cao gấp 04 -05 lần so với trồng lúa. Tổng giá trị sản xuất bình quân trên 01ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt bình quân 194 triệu đồng/ha/năm 2021 (tăng 74 triệu đồng/ha so với năm 2011).
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Hữu Chí, ấp Dừa Đỏ, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long. Ảnh: KL
Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo từng năm và chuyển dần sang chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, giảm dần nuôi nhỏ lẻ, năng suất thấp; có trên 95% giống vật nuôi (heo, bò) sử dụng con giống lai, năng suất, chất lượng cao. Thủy sản của huyện cũng hình thành nhiều mô hình nuôi theo hình thức công nghiêp như mô hình nuôi cá lóc thâm canh ở các xã Phương Thạnh, Nhị Long, Nhị Long Phú, diện tích trên 08ha, sản lượng trung bình hàng năm trên 1.800 tấn, một số mô hình nuôi thâm canh khác như nuôi lươn không bùn, ếch, cá thác lác cườm, cá tra... cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao; giá trị thủy sản chung của huyện năm 2021 đạt 535 tỷ đồng.
Huyện Càng Long vận dụng và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng kinh phí huyện thực hiện hỗ trợ cho người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian qua trên 20 tỷ đồng.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh và đạt được những kết quả tích cực. Huyện Càng Long hiện có 11 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao, thuộc các nhóm hàng như: dược phẩm, đồ uống, chế biến và thủ công mỹ nghệ, từ đó góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp của huyện. Đến nay, huyện Càng Long có 13/13 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 05 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (An Trường, Nhị Long Phú, Tân Bình, Đức Mỹ, Đại Phước), huyện Càng Long được Trung ương công nhận huyện nông thôn mới năm 2020.
Phóng viên: Xin ông cho biết giải pháp để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển hơn nữa trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Nhủ: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các ngành:
(1) Tập trung rà soát, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực, hình thành các mặt hàng nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường, trong đó chú trọng những cây trồng là thế mạnh của địa phương.
(2) Phát triển đồng bộ hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện phục vụ cho các khu sản xuất tập trung của huyện.
(3) Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, tiếp tục xem kinh tế hợp tác là động lực để phát triển nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển loại hình này trong thời gian tới. Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
(4) Tập trung chỉ đạo phát triển mạnh sản phẩm chủ lực của huyện, gắn với phát triển thêm sản phẩm OCOP. Khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đầu tư vào nông nghiệp với những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại.
(5) Triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực để nông nghiệp nông thôn phát triển. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch hợp lý, tránh làm phá vỡ quy hoạch chung của huyện. Năm 2022, Càng Long quyết tâm xây dựng xã Phương Thạnh, Mỹ Cẩm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Thu hoạch lúa ở xã Phương Thạnh, huyện Càng Long. Ảnh: KL
KIM LOAN (thực hiện).
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.