06/10/2021 05:44
Trong 54 dân tộc ở Việt Nam, người Khmer là một trong những tộc người có số dân trên 01 triệu. Ngôn ngữ Khmer thuộc ngữ hệ Môn - Khmer. Người Khmer hiện sinh sống chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chiếm trên 06% dân số vùng. Trong số 13 tỉnh, thành ĐBSCL thì người Khmer sinh sống nhiều nhất ở Sóc Trăng, Trà Vinh, kế đến là Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau,… Người Khmer có nền văn hóa giàu truyền thống và đậm đà bản sắc, lưu giữ được nhiều lĩnh vực có giá trị như: kiến trúc chùa chiền, phong tục, lễ hội, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, âm nhạc, ẩm thực, múa,…
Xuất phát từ nhu cầu giảng dạy cho bậc đại học cũng như trên đại học của Trường Đại học Trà Vinh ở một số ngành, như Sư phạm Ngữ văn Khmer; Văn hóa các Dân tộc Thiểu số Việt Nam (chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam Bộ, Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ); Ngôn ngữ Khmer và biểu diễn nhạc cụ truyền thống (chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ, Nghệ thuật sân khấu cải lương)..., PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh đã chủ biên “Giáo trình văn hóa Khmer”. Giáo trình do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2021.
Với những ngành học mới, mục tiêu đào tạo các cử nhân đại học có kiến thức chuyên sâu về văn hóa -nghệ thuật và ngôn ngữ Khmer thì giáo trình trên có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ giáo trình được viết nên bởi những giảng viên đang trực tiếp giảng dạy. Bên cạnh đó giáo trình cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho học viên cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành văn hóa Khmer Nam Bộ.
Giáo trình văn hóa Khmer chia thành 8 bài học. Bài 1 trình bày khái quát về người Khmer Nam Bộ trên các khía cạnh như: tên gọi tộc người, Lịch sử hình thành tộc người, Dân số, Địa bàn và môi trường cư trú và đặc điểm kinh tế - đời sống xã hội. Đây là bài học chứa đựng những kiến thức cơ bản về người Khmer Nam Bộ giúp người học có được những nền tảng cơ bản để có những nghiên cứu chuyên sâu.
Trong bài 2 các tác giả trình bày những đặc trưng trong tôn giáo, tín ngưỡng của người Khmer Nam Bộ. Về tôn giáo, người Khmer Nam Bộ chủ yếu theo Phật giáo Nam Tông Khmer. Về tín ngưỡng, người Khmer Nam Bộ có 2 tín ngưỡng quang trọng đó là: Tín ngưỡng Arăck và tín ngưỡng Neak tà.
Bài 3, đi sâu vào phong tục tập quán của người Khmer Nam Bộ. Người soạn giáo trình đã trình bày Khái niệm phong tục tập quán, cơ sở hình thành phong tục tập quán và một số phong tục đặc trưng của người Khmer.
Bài 4 “Lễ hội truyền thống”; được trình bày trên những bình diện như: khái niệm, cơ sở hình thành lễ hội và một số lễ hội đặc trưng của người Khmer Nam Bộ. Bài 5, về Văn học nghệ thuật được các nhà nghiên cứu triển khai ở hai khía cạnh: Văn học dân gian và Nghệ thuật dân gian.
Trong bài 7, các tác giả viết về đặc trưng trang phục ẩm thực của người Khmer Nam Bộ và bài 8 là bài viết về Nghề truyền thống với những kiến thức cơ bản như : khái niệm, cơ sở hình thành, một số nghề truyền thống và giá trị nghề truyền thống của người Khmer. Qua 02 bài viết này người học sẽ có được những kiến thức thú vị về đặc trưng trang phục ẩm thực và những nghề truyền thống hết sức đặc sắc của người Khmer Nam Bộ. Cuối mỗi bài để người học có thể tự nghiên cứu thêm, các tác giả đã đưa thêm câu hỏi và tài liệu tham khảo.
SONG MẶC
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.