24/08/2020 08:09
Chị Nguyễn Thị Tiếng. |
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động đã được các công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện Càng Long triển khai thực hiện và đạt những kết quả thiết thực. Chị Nguyễn Thị Tiếng, đoàn viên Công đoàn cơ sở Khối vận - Mặt trận huyện Càng Long là một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào phụ nữ “02 giỏi”. Đồng thời, chị cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Công tác tại Ban Dân vận Huyện ủy Càng Long từ năm 2013 đến nay, chị Tiếng đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” 05 năm liền (từ năm 2013 - 2017). Ngoài ra, chị Tiếng còn được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh giai đoạn 2016-2017 với thành tích “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Trong công việc, chị luôn nêu cao tinh thần, ý thức tổ chức kỷ luật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với cấp trên, với tập thể về những công việc được giao, có nhiều biện pháp đổi mới trong công tác chuyên môn, đổi mới hoạt động của đơn vị. Tham mưu lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đến các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tạo chuyển biến tích cực như: nâng cao nhận thức về kỹ năng công tác dân vận; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có nhiều sáng tạo, cách làm hay trong công tác vận động quần chúng; kịp thời giới thiệu các mô hình “Dân vận khéo” trong các hội nghị chuyên đề về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. 06 tháng đầu năm 2020, các ngành, địa phương trong huyện Càng Long đã đăng ký 814 điểm mô hình “Dân vận khéo”, trong đó lĩnh vực kinh tế có 77 điểm mô hình, văn hóa - xã hội có 693 điểm mô hình, quốc phòng - an ninh có 16 điểm mô hình và xây dựng hệ thống chính trị có 28 điểm mô hình.
Trong gia đình, chị Tiếng luôn cùng chồng và các con xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, các con đều chăm ngoan, học giỏi. Ngoài nỗ lực trong công việc ở cơ quan, đơn vị, vợ chồng chị Tiếng còn chăm lo phát triển kinh tế gia đình bằng cách cải tạo 0,8ha ruộng, vườn kém hiệu quả sang trồng những loại cây, con phù hợp với thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường như: bưởi, dừa sáp, cam...
Ban đầu, trong vườn nhà chị Tiếng có 01 cây dừa sáp lẫn lộn trong số những cây dừa ta, thấy loại dừa này cho trái sai, bán được giá cao, chị mạnh dạn lên liếp trồng 250 cây dừa sáp, tận dụng những khoảng đất trống trồng xen thêm cam, bưởi… đồng thời, nuôi thêm heo, bò, gà, vịt, cá. Từ trồng trọt, chăn nuôi gia đình chị Tiếng thu nhập 250-300 triệu đồng/năm. Thấy mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định, chị Tiếng mạnh dạn mở rộng mô hình mua thêm 1,1ha đất ruộng và tiếp tục chuyển đổi thành vườn trồng 600 gốc bưởi da xanh xen dừa sáp hiện đã cho trái và bắt đầu thu hoạch. Vợ chồng chị Tiếng còn nhân giống dừa sáp để hỗ trợ (tặng) cho họ hàng, bạn bè và người dân địa phương khoảng 400 cây giống/năm.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Tiếng còn tích cực tham gia các phong trào tình nguyện, hoạt động xã hội ở địa phương, đóng góp công sức, tiền của cùng chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí XDNTM; sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế (trong năm 2019, chị Tiếng đã vận động mạnh thường quân 125kg gạo và 3,5 triệu đồng hỗ trợ cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương).
Chị Tiếng chia sẻ thêm, mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, nhưng nhờ quá trình tự học tập, tìm hiểu qua tài liệu, sách, báo, các phương tiện truyền thông, tham quan học tập, từng bước áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào các mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi nên kinh tế gia đình không ngừng nâng cao, đời sống được cải thiện.
Ý thức được “Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Xác định được điều này, những năm qua, chị Tiếng luôn lấy đó làm thước đo trong xây dựng gia đình hòa thuận, sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Không những thế, vợ chồng chị còn luôn biết kính trên nhường dưới, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, quý trọng người lớn tuổi, kính trọng bà con lối xóm. Chị luôn sống hòa thuận, vui vẻ với các thành viên trong gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Tiếng cho biết: “Hai vợ chồng đều là công chức, viên chức nên chúng tôi luôn tôn trọng, thương yêu nhau, đồng cảm trong cuộc sống, cùng có trách nhiệm và giúp đỡ nhau trong công việc”.
Với vai trò là hội viên hội phụ nữ, chị luôn thực hiện tốt các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội phụ nữ cấp trên phát động bằng những việc làm cụ thể như: không ngừng học tập nâng cao kiến thức trên mọi lĩnh vực qua các lớp tập huấn, qua sách báo, tài liệu; tham gia tốt các hoạt động xã hội và tích cực rèn luyện bốn phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Hàng năm, gia đình chị được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu, đảng viên làm kinh tế giỏi góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.