08/09/2021 13:19
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hàng hải Việt Nam, dọc bờ biển và hải đảo nước ta có 92 trạm hải đăng cả thảy.
Hải đăng là ngọn đèn biển có tác dụng giúp tàu thuyền hoạt động định hướng và xác định vị trí của mình. Ngọn hải đăng nào cũng luôn là sự ước ao được khám phá trong mắt của du khách.
Bờ biển tỉnh Trà Vinh có 02 trạm hải đăng: Trạm hải đăng Ba Động và Trạm hải đăng Hồ Tàu (Hải đăng Hồ Tàu đặt tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, có chiều cao tháp đèn 20m, chu kỳ chớp 07 giây, tầm hiệu lực ban đêm:12 hải lý, được thiết lập ngày 10/8/1994. Hải đăng Hồ Tàu có tác dụng xác định vị trí cửa Định An - Hậu Giang, độc lập giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển ngoài khơi tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng định hướng và xác định ra vào cửa Định An (Theo: Tổng công ty An toàn hàng hải miền Nam - Bộ Giao thông Vận tải).
Hải đăng Ba Động được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1984 bên bờ biển Ba Động, thuộc ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (nay là thị xã Duyên Hải), tỉnh Trà Vinh. Năm 1998 Hải đăng Ba Động được thiết lập lại. Hải đăng Ba Động giúp tàu thuyền định hướng và xác định vị trí của mình trong vùng biển ngoài khơi 02 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre.
Hải đăng Ba Động có chiều cao 23,4m với tầm sáng 30,4m, tầm hiệu lực có thể xa đến 19 hải lý vào ban đêm. Đặc tính chớp của đèn chu kỳ 05 giây. Tọa độ địa dư Hải đăng Ba Động được xác định 09º41’10.0”N - 106º34’33.8”E.
Đứng trên ngọn Hải đăng Ba Động, chúng ta có thể chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp tuyệt vời thiên nhiên ban tặng cho xã Trường Long Hòa. Có thể chạy xe cả ngày nhưng khó mà có được tầm nhìn bao quát về vẻ đẹp Trường Long Hòa như đứng trên ngọn hải đăng Ba Động.
Từ đây, chúng ta nhìn thấy biển Ba Động nước lam xanh. Mặt đất Trường Long Hòa dưới chân ta xanh ngắt một màu cây rừng. Bầu trời trên đầu chúng ta xanh bao la. Xa hơn, những cánh quạt Nhà máy điện gió, ống khói các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải nhô lên như Phù Đổng vươn vai… Tất cả màu xanh thiên nhiên hòa quyện lại tạo cho Trường Long Hòa một màu xanh quý phái như bức tranh thủy mặc.
Từ trên cao ngọn hải đăng, phong cảnh Trường Long Hòa được nhìn như qua khung cửa máy bay - Đó là dòng sông uốn khúc nhìn thấy trong thảm xanh của rừng Trường Long Hòa chính là sông Láng Chim. Nơi đổ ra biển của con sông này là nơi giáp ranh 02 xã Trường Long Hòa và Hiệp Thạnh. Đó chính là vàm Láng Nước, nơi đây có trạm kiểm soát tàu thuyền ra vào của "Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa”. 65km bờ biển tỉnh Trà Vinh có 07 cửa sông đổ ra biển như thế. Ở vàm Láng Nước có một xóm làng chài với vài mươi hộ dân. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân xóm làng chài này lập nên chiến công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ đến đây ném bom phá làng phá xóm. Ngày nay, đến làng chài vàm Láng Nước, người ta còn nghe mấy câu ca dao như lời thách thức kiêu hùng đối với quân xâm lược:
Láng Nước có một sợi dây
Ba lần kéo xác máy bay vô bờ
Bà con còn dặn phòng hờ
Để đó kéo nữa khỏi mua tốn tiền
(Theo: Bóng biển - Nhà thơ Nguyễn Bá)
Chiến công lừng lẫy ấy đã góp phần làm rạng rỡ danh hiệu “Trường Long Hòa sắt thép” trong kháng chiến. Màu xanh mượt mà của rừng cây xen lẫn với những dòng sông, con đường uốn khúc đó là địa phận xã Trường Long Hòa mà bản đồ hành chính địa phương đo đạc có diện tích tự nhiên chừng 37,5 cây số vuông.
Đây chính là tư liệu sản xuất chính nuôi sống hơn 7.500 cư dân xã này. Người dân ở đây rất quý trọng đất đai, họ canh tác không chừa trống một chỗ đất “đầu thừa đuôi thẹo” nào. Nông sản, thủy sản và lòng mến khách của người Ba Động là những mặt hàng quyến rũ du khách thập phương đến với xứ sở này.
Một góc Ba Động nhìn từ ngọn Hải Đăng.
Sóng biển Ba Động dồn dập vỗ bờ hòa nhịp chan hòa cùng tiếng reo vi vút của rừng dương trong gió lộng. 65km bờ biển tỉnh Trà Vinh không chỉ có biển Ba Động nổi tiếng khắp vùng châu thổ Cửu Long mà bờ biển nơi nào của Trà Vinh nếu bạn có dịp ghé qua như bãi biển cửa Cung Hầu (Long Hòa - Châu Thành) Mỹ Long (Cầu Ngang), Cồn Ngao, Động Cao (Duyên Hải) đều là những bãi biển thơ mộng mà du khách có dịp đến một lần thôi sẽ nghe văng vẳng mãi bên tai lời thỏ thẻ:
“Anh đi dù tới phương nào
Cũng đừng quên tiếng sóng gào phía em”.
Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.