23/02/2025 07:04
Tổng kết và trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 7 (2022 - 2023).
Ở cấp quốc gia, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh được triển khai theo Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg, ngày 14/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản triển khai trên toàn quốc của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trương giao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, nhằm mục đích thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Hội thi sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức từ năm 2010; Ban Tổ chức Hội thi do UBND tỉnh quyết định thành lập. Đến nay, đã tổ chức 07 lần hội thi, với tổng số 412 giải pháp tham gia dự thi, đã có 06 giải pháp đoạt giải Nhất, 15 giải pháp đoạt giải Nhì, 23 giải pháp đoạt giải Ba và 58 giải pháp đoạt giải Khuyến khích. Trong đó, có 03 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (giải Nhì, giải Ba và Khuyến khích) và 03 giải pháp được tuyển chọn, công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam.
Hiện tại, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đang triển khai, tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8 (2024 - 2025), với 06 lĩnh vực dự thi gồm: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược và lĩnh vực Giáo dục và đào tạo. Thời gian kết thúc nhận hồ sơ dự thi đến hết ngày 31/5/2025. Thể lệ Hội thi được
đăng tải trên website: http://lhhkhkt.travinh.gov.vn.
Về hiệu quả từ Hội thi sáng tạo kỹ thuật, hầu hết các giải pháp đoạt giải hội thi thời gian qua đều được ứng dụng tại cơ quan, đơn vị, trong doanh nghiệp và phổ biến rộng rãi cho người dân. Trong đó, có thể phân ra thành những nhóm ứng dụng như sau:
Nhóm giải pháp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh: đây là những sản phẩm đa phần thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp; công nghiệp, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao… Các sản phẩm, giải pháp này sau khi đoạt giải thường được giới thiệu, quảng bá và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất, hộ nông dân ứng dụng tại địa phương cũng như các khu vực lân cận, như: Giải pháp “Nghiên cứu và sản xuất máy in phun công nghiệp theo công nghệ TIJ” của Công ty cổ phần Mỹ Lan; Giải pháp “Máy sản xuất cốm dẹp” của tác giả Thạch Hùng - Ấp Sà Vần A, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh; Giải pháp “Nghiên cứu và sản xuất mực in phun kỹ thuật số SoluJETR-2770K theo công nghệ TIJ 2.5” của Công ty cổ phần Mỹ Lan; Giải pháp “Quy trình nhân giống cây dừa Sáp (Cocos nicifera var.sap) bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi hữu tính”, tác giả Phạm Thị Phương Thúy, đơn vị Trường Đại học Trà Vinh,…
Nhóm giải pháp phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy: đây là những sản phẩm thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ… Các sản phẩm, giải pháp này sau khi đoạt giải đều được đưa vào phục vụ giảng dạy hoặc được giới thiệu đến các cơ quan nghiên cứu, các ngành chuyên môn để xem xét, đưa vào danh mục đề tài nghiên cứu ứng dụng như: Giải pháp “Thiết kế và ứng dụng kỹ thuật 3D trong hoạt động dạy học” của tác giả Bùi Thị Kim Cương, Trường Mẫu giáo - Tiểu học - Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, thành phố Trà Vinh; Giải pháp “Mô hình Toán học” của tác giả Lê Thị Ánh Huệ, Sơn Den Đaly, đơn vị Trường PTDTNT - THCS huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh,..
Nhóm giải pháp phục vụ cho chăm sóc sức khỏe: đây là những sản phẩm thuộc các lĩnh vực y - dược, an toàn thực phẩm, như: thuốc trừ sâu sinh học, chiết suất tinh chất từ các thảo dược,… Các sản phẩm, giải pháp này sau khi đoạt giải đều được đơn vị thực hiện hoặc cơ sở y tế chọn lọc để áp dụng từng phần hoặc toàn bộ giải pháp, tuy nhiên mức độ ứng dụng còn thận trọng và chưa triển khai rộng, do tính đặc thù trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người, như: Giải pháp “Mô hình phòng, chống dịch COVID - 19” của tác giả Ôn Thanh Bình, Nguyễn Thị Lý, đơn vị: Trường THPT Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh; Giải pháp “Bảo quản trái cây và trị nứt gót chân bằng dịch chiết củ cải trắng Raphanussativus L trồng tại xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh” của các tác giả Nguyễn Dương Kim Thanh, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phương Kiều Phương, đơn vị Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành,…
Nhóm giải pháp phục vụ công tác quản lý: đây là những sản phẩm đa phần là các chương trình, phần mềm máy tính. Cụ thể như: Trang tin điện tử, phần mềm ứng dụng,… Các sản phẩm, giải pháp này sau khi đoạt giải thường được đưa vào ứng dụng tại đơn vị, được chia sẻ hoặc chuyển giao cho các ngành, các đơn vị có liên quan để nâng cao hiệu quả ứng dụng, như: Giải pháp Phần mềm “Di sản văn hoá dân tộc Khmer” của nhóm tác giả Nguyễn Anh Bảo, Thi Thị Thanh Tuyền, Hồ Việt Thuận Phú, đơn vị Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành; Giải pháp “Hệ thống Quản lý công tác tập huấn và đánh giá khoá học E-Learning tại Trường Đại học Trà Vinh” của tác giả Dương Ngọc Bích, Nguyễn Kim Trọng, đơn vị Trung tâm Học liệu - Phát triển Dạy và Học, Trường Đại học Trà Vinh,…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Thành viên Ban Tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, tăng cường tuyên truyền phát động trong hệ thống ngành mình quản lý như: Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Trà Vinh,.. để tuyên truyền, phát động Hội thi sâu rộng trong toàn tỉnh. Hướng dẫn cụ thể thành phần hồ sơ tham gia dự thi để tác giả thực hiện đúng theo quy định của Thể lệ.
- Các huyện, thị, thành phố cần tổ chức tuyên truyền, vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân, nông dân, công nhân mạnh dạn tham gia dự thi đối với các sáng kiến, giải pháp hữu ích đã được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống.
- Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ cần động viên và tạo điều kiện cho các nhà sáng tạo của tổ chức, doanh nghiệp mình tham gia dự thi đối với các sáng kiến, cải tiến quy trình công nghệ nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng, gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Phối hợp các ngành chuyên môn, các cơ quan thông tin, truyền thông để hỗ trợ tác giả trong quảng bá thông tin và phổ biến kiến thức đến người dân. Đặc biệt, cần tuyên truyền những giải pháp đoạt giải, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhằm khuyến khích và động viên đông đảo tác giả tham gia Hội thi.
- Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc phát động tổ chức Hội thi cũng như việc nhân rộng ứng dụng giải pháp đã đoạt giải, đồng thời đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật nhằm khơi dậy phong trào thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
- Phát huy tính sáng tạo của các đơn vị trường học hưởng ứng, tham gia Hội thi tốt trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, tiếp tục phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ thầy, cô giáo và học sinh các điểm trường trong toàn tỉnh.
- Về phía tác giả, khi có hồ sơ giải pháp tham gia Hội thi cần bám sát các quy định của Thể lệ Hội thi. Đặc biệt về thuyết minh giải pháp dự thi, chú trọng trình bày rõ ràng, cụ thể về tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng và hiệu quả (kinh tế, kỹ thuật, xã hội) theo Thể lệ quy định,…
Tin tưởng rằng, với hiệu quả đạt được từ Hội thi sáng tạo kỹ thuật từ thời gian qua, Hội thi thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8 (2024 - 2025) sẽ thành công tốt đẹp và mang lại hiệu quả nhiều hơn nữa. Rất mong, các tác giả có giải pháp sáng tạo trong thực tiễn sản xuất và đời sống tích cực hưởng ứng, tham gia Hội thi nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ khoa học, công nghê, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ chính trị “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Bài, ảnh: Trần Văn Vũ
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Đó chính là câu nói nghe rất quen thuộc đồng thời như một khẩu hiệu hành động của mọi người con đất Việt. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Có dịp đến thăm các hòn đảo thân yêu của chúng ta tại quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa mới đây, chúng tôi càng thêm tự hào trước những “ngôi nhà” giữa biển.