16/10/2023 14:33
Thầy Diệp Chanh Tha, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Trà Cú trao giấy khen cho các thí sinh đạt giải cao tại hội thi.
Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức khỏe để học tập, lao động… Được biết, thế giới có khoảng 07% người mang gene bệnh, Việt Nam có khoảng 13 triệu người (tương đương 13%) dân số mang gene bệnh. Do tỷ lệ nhiễm bệnh tan máu bẩm sinh của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chiếm khá cao (từ 20 - 40%), một trong những nguyên nhân gây bệnh chính là do kết hôn cận huyết nên việc tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh trong vùng dân tộc thiểu số và học sinh trường dân tộc nội trú rất cần thiết.
Vừa qua hội thi “Rung chuông vàng” tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh được tổ chức tại 02 trường dân tộc nội trú, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Trà Vinh đã giúp học sinh nắm được những kiến thức cơ bản về bệnh tan máu bẩm sinh, cách phòng tránh và điều trị bệnh, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, phòng tránh thai ngoài ý muốn, sàng lọc trước sinh để phòng ngừa bệnh, phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Học sinh Sơn Phúc Đường, lớp 12B, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Trà Vinh cho biết: ít người tìm hiểu và biết về bệnh tan máu bẩm sinh, nay em tham gia hội thi em biết được nhiều thông tin về bệnh này. Chất lượng sống của các bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh rất thấp, tuy nhiên có thể phòng bệnh hiệu quả bằng tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Cùng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Trà Vinh, học sinh Kim Trần Nhân Ái, lớp 11B chia sẻ: tham gia hội thi, em biết được nhiều kiến thức về phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh và nhiều bệnh khác, có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe. Từ những nội dung được tìm hiểu, em sẽ tuyên truyền để nhiều người cùng biết cách phòng ngừa bệnh, khám sức khỏe tiền hôn nhân… nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Học sinh hào hứng tham gia trả lời tại hội thi tìm hiểu kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh quà hình thức “Rung chuông vàng”.
Được biết, tệnh tan máu bẩm sinh có thể phòng hiệu quả tới 90% thông qua tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn để giúp lựa chọn đúng đắn về hôn nhân, quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những trẻ em khỏe mạnh. Biện pháp này được xem là có hiệu quả và chi phí thấp. Đồng thời, tư vấn và tầm soát trước sinh, hạn chế kết hôn cận huyết cũng là một biện pháp hiệu quả. Vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền trong học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiếu số về cách phòng ngừa bệnh…
Học sinh Nhan Chấn Kim, lớp 11A1, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Trà Cú chia sẻ: tham gia hội thi, em được nhắc lại những kiến thức đã học ở lớp 9 về gene di truyền, nhiều thông tin về bệnh tan máu bẩm sinh… Được biết, xã Hàm Tân nơi em ở, trước đây xảy ra nhiều trường hợp kết hôn cận huyết thống trong người Khmer nhưng hiện nay ý thức của người dân ngày càng nâng cao, đồng bào Khmer được tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống, gây nguy cơ nhiễm một số bệnh về gene, trong đó có bệnh tan máu bẩm sinh nên đã không còn tình trạng kết hôn cận huyết thống. Bản thân em sẽ vận dụng những kiến thức được học và những kiến thức cơ bản về bệnh tan máu bẩm sinh khi tham gia hội thi để tuyên truyền đến bạn bè và nhiều người cùng biết và phòng tránh.
Hưởng ứng bằng hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin về tình hình bệnh tan máu bẩm sinh, hội thi giúp học sinh trường nội trú tìm hiểu về bệnh tan máu bẩm sinh, về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Từ đó, nâng cao nhận thức, từng bước chuyển đổi hành vi của cộng đồng về tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh sớm, giảm được nhiều bệnh khác liên quan đến gene di truyền, vì mục tiêu nâng cao thể trạng và chất lượng dân số.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.